Tăng cường kết nối tiểu vùng sông Mekong

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 ở Bangkok – Thái Lan sáng 20-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi tất cả quốc gia liên quan cùng có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, tiểu vùng Mekong muốn phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hòa phải dựa theo Chiến lược 3C: kết nối – cạnh tranh – cộng đồng, đồng thời bảo đảm sự cân bằng giữa 3 yếu tố kinh tế – con người – môi trường trong hợp tác. Thủ tướng còn đề xuất hình thành cơ chế hợp tác mở để huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bìa trái) cùng lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong tại hội nghị<br />
Ảnh: Báo điện tử chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bìa trái) cùng lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong tại hội nghị Ảnh: Báo điện tử chính phủ

Sáu nước GMS (Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar) đã thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Khung đầu tư tiểu vùng (RIF) giai đoạn 2012-2022 với 92 dự án lớn và số vốn lên đến 30 tỉ USD trong 10 năm tới nhằm đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác kinh tế và kết nối. Sau khi thông qua Tuyên bố chung, hội nghị nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 tại Việt Nam vào năm 2017.

Trước đó, trong ngày 20-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có hợp tác về gạo và cao su; tăng cường kết nối giao thông cả về đường thủy và đường bộ, như mở các tuyến xe buýt nối Việt Nam với Thái Lan để đẩy mạnh giao lưu văn hóa và du lịch.

Thủ tướng Prayut Chan-ocha thông báo đang triển khai đăng ký cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan và đồng ý thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác về lao động giữa 2 nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giáo dục ngư dân và xử lý các vụ vi phạm của tàu bè, ngư dân theo luật pháp quốc tế, quan hệ hữu nghị cũng như trên tinh thần nhân đạo.

Nguồn NLĐ