Tai nạn giao thông – Nỗi đau còn đó!

(THTG) Tai nạn giao thông không chỉ gây ra sự mất mát không gì bù đắp được mà còn để lại nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhân ngày thế giới tưởng niệm những nạn nhân bị tai nạn giao thông, mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự của nhóm phóng viên Đài.

Trong ngôi nhà nhỏ, không khí tang thương vẫn còn bao trùm. Đó là tất cả những gì để lại sau vụ tai nạn thảm khốc của xe khách Thảo Châu trên tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương vào ngày 16/4/2014, mà nạn nhân là anh Hồ Đức Huy, tại khu phố 7 phường 4 thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang.

Và anh là 1 trong 7 nạn nhân của vụ tai nạn nói trên. Ra đi khi tuổi còn quá trẻ và để lại cho gia đình, bạn bè niềm tiếc thương nỗi đau khó tả.

Nhìn lại những kỉ vật ngày trước, người thân trong gia đình không thể kìm nước mắt.

Và đó còn là nỗi đau của gia đình bà Trần Thị A nhà ở tổ 6 ấp Chợ, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, là mẹ của anh Nguyễn Văn Tân- nạn nhân trong vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng lúc 18g ngày 15/8/2014 tại đường tỉnh lộ 864 đoạn gần công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương.

1

Thăm gia đình cô Võ Thị Ngọc Thanh ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, có chồng là thầy Nguyễn Văn Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Bình 2 bị tử vong do tai nạn giao thông 

Theo lời kể của gia đình vào thời điểm nói trên khi anh Tân từ chỗ làm về nhà băng ngang lộ thì bị hai thanh niên đang trong tình trạng say rượu đâm trực tiếp vào người. Và đến nay đã 4 tháng kể từ ngày xảy ra tai nạn, từ một thanh niên khỏe mạnh là trụ cột của gia đình, nay người thanh niên ấy trở thành một gánh nặng.

27 tuổi cái tuổi đẹp nhất của đời người với nhiều niềm tin vào tương lai. Vậy mà phút chốc biến mất chỉ sau một ngày. Bị chấn thương sọ não và phần cứng thái dương hiện tại anh đang sống trong tình trạng thực vật, mọi ăn uống, sinh hoạt, thậm chí chuyện vệ sinh cá nhân cũng….đều do mọi người trong gia đình chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn nay lại càng khốn khó do anh là người lao động chính của gia đình.

Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông là những đau thương tột cùng, là bao gia đình, bao số phận, gia đình lâm vào biến cố. Dẫu biết rằng tai nạn là điều không ai muốn nhưng qua phóng sự này chúng tôi hy vọng rằng mỗi chúng ta khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật để ngày bớt đi những nỗi đau, những gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, gần 4 năm trôi qua, nhưng với bà Nguyễn Thị Đến vẫn còn nhớ như in sự ra đi đột ngột của chồng bà là ông Dương Văn Đời, giáo viên trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Nghiệp, tử vong do tai nạn giao thông trên đường đi tập vật lý trị liệu từ Cai Lậy về nhà ở Bình Phú.

Từ đó, mọi thứ trong gia đình gần như đảo lộn, cái chết của chồng bà do hai xe tải tranh giành đường với nhau và vô tình ông Đời trở thành nạn nhân của vụ va chạm ấy, mọi điều dường như không thể tin vào mắt mình, khi bà Đến phải nhận dạng thi thể của chồng mình trong tình trạng không còn nguyên vẹn – đó như một nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi.

Gia đình vốn đã khó khăn, một mình bà phải trở thành trụ cột của gia đình, mọi việc gần như quá sức đối với người phụ nữ thôn quê này, gồng gánh sức mình để chèo lái con thuyền nuôi các con khôn lớn, nên người.

Đến với gia đình chị Võ Thị Ngọc Thanh, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, vợ của thầy giáo Nguyễn Văn Chính, nguyên hiệu trưởng trườngTiểu học Tam Bình 2, thầy Chính bị tử vong do tai nạn giao thông trên đường đi tập huấn về. Từ đó, một mình chị Thanh phải nuôi con và phải sống trong ngôi nhà khi thiếu bờ vai vững chải của người đàn ông – trụ cột của gia đình. Với chị, nỗi đau ập đến quá đột ngột, không bao giờ phai trong ký ức. Vì vậy, 8 năm trôi qua là khoảng thời gian chị vẫn không tin đó là sự thật, vẫn ngày đêm cùng đứa con gái thơ dại, mong anh Chính sẽ quay về, dù biết đó là điều không thể xảy ra.

Điều đáng nói, ngay bản thân chị Thanh và anh Chính là những người trong ngành giáo dục, đều ý thức được việc chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Thế nhưng, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không trừ một ai dù đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 7.500 người, bị thương 19.900 người. Tại tiền Giang, trong 9 tháng đầu năm 2014 xảy ra 308 vụ tai nạn giao thông, làm chết 182 người, bị thương 273 người, giảm cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2013, nhưng con số này vẫn còn phải hạ thấp thêm nữa trong thời gian tới.

Thắp 3 nén hương ngẹn lòng cho người đã khuất, những người còn sống vẫn không tin đó là sự thật, bởi tai nạn giao thông xảy ra quá tàn khóc để lại biết bao nỗi đau cho người ở lại.

Hy vọng rằng, mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông, phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, để trong tận cùng của sự đớn đau, nhiều người không phải hối hận….khi mọi việc đã quá muộn màng!

Minh Toàn