Tái diễn thảm kịch trong lễ hành hương Hồi giáo

Vụ giẫm đạp kinh hoàng nhất 25 năm qua gia tăng lo ngại về điều kiện tổ chức và an toàn của các tín đồ Hồi giáo trong lễ hành hương Hajj.

Trong buổi lễ hành hương thường niên của người Hồi giáo, còn gọi là Hajj tại Arap Saudi ngày 24/9 vừa qua, một vụ giẫm đạp khủng khiếp đã xảy ra khiến hơn 700 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương. Các quan chức lo ngại, số người chết có thể còn tiếp tục tăng.

Tai nạn thảm khốc xảy ra trong ngày đầu tiên của Eid al-Adha hay còn gọi là Lễ Hiến sinh.Nơi xảy ra tai nạn là ở thành phố Mina, cách Mecca khoảng 5km khi hai nhóm người hành hương lớn cùng đổ về một giao lộ ở Phố 204, một trong hai tuyến đường chính xuyên qua khu trại ở Mina đến Jamarat, nơi các tín đồ thực hiện việc “ném đá quỷ dữ” để trừ tà.

Người nước ngoài chiếm khoảng ba phần tư trong số 2 triệu người hành hương Hajj năm nay. Trong đó, Iran thông báo hiện có khoảng 90 công dân nước này thiệt mạng và 150 người bị thương. Indonesia có ba công dân thiệt mạng và một người bị thương nặng. 30 người Ai Cập cũng thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ có ít nhất 18 người mất tích.


Địa điểm xảy ra thảm kịch là Mina,nơi dựng lều của 160.000 người hành hương qua đêm trong suốt dịp lễ này

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, quan chức Arap Saudi đã mở hai trung tâm y tế tại Mina để chữa trị cho những người bị thương. Hơn 220 xe cứu thương và 4.000 nhân viên cứu hộ đã được điều đến hiện trường trong khi hàng trăm nạn nhân đã được đưa tới các bệnh viện trong khu vực.

“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để giải tán các nhóm người đông đúc và hướng dẫn những người hành hương tới các tuyến đường thay thế”, cơ quan phòng vệ dân sự Arab Saudi cho biết.

Đâu là nguyên nhân?

Sau khi sự việc xảy ra, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Nayef đã ra lệnh điều tra nguyên nhân tại sao quy trình và các điều lệ lại không được tuân theo vào thời điểm xảy ra giẫm đạp. Theo Telegraph, một hệ thống kiểm soát đám đông bằng máy tính, do một công ty Anh lắp đặt sau thảm kịch gần nhất năm 2006, đã không bao quát được khu vực xảy ra giẫm đạp.

Người đứng đầu tổ chức hành hương Haji của Iran, Said Ohadi đã phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran rằng “không rõ lý do gì” một lối đi đã bị chặn gần khu vực ném sỏi vào một trong ba bức tường đại diện cho quỷ Satan, đồng thời khẳng định đây là nguyên nhân gây ra thảm họa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Arab Saudi Khaled al-Falih đổ lỗi cho những người hành hương vô kỷ luật gây ra vụ việc, nói rằng thảm kịch này sẽ không xảy ra nếu họ tuân theo các hướng dẫn và việc người hành hương đã di chuyển mà không tuân thủ lịch trình thời gian do giới chức thiết lập chính là “lý do chính dẫn đến kiểu sự cố này”.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Mansour al-Turki cũng bày tỏ rằng, phần lớn những nạn nhân là những người đổ về Jamarat và gây ra cuộc chen lấn, xô đẩy đều không theo lịch trình thời gian mà họ được phân bổ. Đồng thời, nhiệt độ cao và sự mệt mỏi của những người hành hương cũng có thể là những yếu tố dẫn đến thảm kịch. Ông al-Turki còn cho hay không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền chịu trách nhiệm về vụ việc và nói rằng “không may, những việc này lại xảy ra cùng một thời điểm”.

Còn kênh al-Arabiya đã dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Trung ương, Hoàng tử Khaled al-Faisal, cáo buộc “một số công dân châu Phi” gây ra hỗn loạn.

Còn Irfan al-Alawi, giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu di sản Hồi giáo và một nhà nghiên cứu về cách chính phủ Saudi phát triển các thành phố thánh địa Mecca và Medina, qua điện thoại từ Mecca đã cho rằng thảm họa này là kết quả của “một sự quản lý yếu kém” của chính phủ Arap Saudi.

Madawi al-Rasheed, giáo sư nhân chủng học và thỉnh giảng tại Trường Kinh tế London cũng cho biết: “Thật là vô trách nhiệm. Sự kiện này gây sốc rằng hầu như hàng năm đều có nhiều người chết.”

Chính phủ Arap Saudi bắt đầu mở rộng việc xây dựng xung quanh thánh địa Mecca khoảng một thập kỷ trước đây, đầu triều đại của Vua Abdullah.Việc cải tạo và mở rộng được cho làm nhằm tạo ra nhiều không gian hơn cho những người Hồi giáo hành hương tới Mecca đã san phẳng khu vực sinh sống của các lao động nhập cư từ Yemen, Ai Cập và các nước khác, biến chúng thành các con đường rộng lớn và khách sạn sang trọng trong khi làm thay đổi cấu trúc địa hình khu vực.

Nỗ lực không đủ

Cuộc hành hương năm nay diễn ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực giữa các nhóm Hồi giáo gia tăng, nguy cơ hội chứng suy hô hấp vùng Trung Đông (Mers) lây lan và các cuộc không kích của Saudi Arabia ở Yemen.

Do đó, chính quyền Arap Saudi đã triển khai hơn 100.000 nhân viên an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho người hành hương trước các nguy cơ khủng bố cũng như có những nỗ lực nhằm cải thiện an toàn tại Jamarat bao gồm mở rộng ba cột trụ và xây dựng một cây cầu ba tầng xung quanh để tăng diện tích không gian và số lượng các điểm ra vào cho người hành hương thực hiện các nghi lễ.

Bên cạnh đó, các trạm kiểm soát trung tâm cũng sẽ theo dõi tình hình từ hơn 5.000 camera an ninh được lắp đặt khắp nơi ở hai thành phố Mecca và Medina để bảo đảm trật tự nhưng tình hình vẫn vượt ngoài tầm kiểm soát. “Những người hành hương xin đừng xô đẩy nhau. Xin hãy rời đi ở cửa ra và đừng quay lại bằng đường này”, một cảnh sát liên tục lặp lại qua loa phóng thanh.

Thứ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian cũng bày tỏ rằng,”Sự thất bại của các nhà lãnh đạo Arap Saudi để đảm bảo an toàn cho người hành hương là không thể tha thứ”. Cộng đồng quốc tế cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân những người tử vong và bị thương. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price chia sẻ trong thông cáo, “Chúng tôi cầu nguyện cho họ và hơn hai triệu người đang tham gia Hajj năm nay. Khi người Hồi giáo trên khắp thế giới tiếp tục đón lễ Eid al-Adha, chúng tôi xin chia buồn cùng các bạn về cái chết bi thảm của những người hành hương này”. Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã gửi lời chia buồn đến các thân nhân.

Thảm kịch “thường niên”

Hàng năm, vào tháng Hajj, các tín đồ theo đạo Hồi từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Mecca để hành hương. Sự phát triển của ngành hàng không đã giúp quá trình di chuyển của họ trở nên thuận tiện hơn và kết quả là các lễ Hajj ngày càng trở nên đông đúc. Trong những năm gần đây, thánh địa Mecca đón khoảng 2- 3 triệu người hành hương mỗi năm.

Và sự kiện lần này không phải là tai nạn đầu tiên tại thánh địa này của người Hồi giáo. Tháng 1/2016, một vụ giẫm đã đạp xảy ra khi những người hành hương chen nhau hoàn tất phần quan trọng cuối cùng của lễ Hajj, cướp đi sinh mạng của 356 người và khiến gần 300 người khác bị thương. Và đỉnh điểm về số người tử nạn vì giẫm đạp tại Mecca được cho là vào năm 1990 với 1.426 người tại đường hầm nối giữa Mecca và Mina.

Ngay trước khi mùa hành hương năm nay bắt đầu, một loạt điều đáng tiếc đã xảy ra. Ngày 11/9, cần cẩu đã đổ sập tại công trường xây dựng mở rộng Thánh đường Mecca, khiến hơn 100 người chết và gần 400 người khác bị thương. Ngày 17/9, khoảng 1.000 người hành hương đến từ châu Á đã phải rời khỏi khách sạn của họ vì một vụ cháy, làm bị thương hai người Indonesia.

Và ngay đầu trong tuần này, khoảng 1.500 người hành hương cũng bị sơ tán khỏi một khách sạn ở Mecca khi một đám cháy xảy ra tại tầng 11 của một khách sạn 15 tầng khiến 4 người hành hương từ Yemen bị thương.

Quan ngại về cơ sở hạ tầng và hệ thống phương tiện giao thông của Arap Saudi là không đủ an toàn để phục vụ và bảo vệ cho hoạt động tôn giáo lớn nhất của đạo Hồi được dấy lên sau những thảm họa vừa qua. Bên cạnh những rủi ro luôn rình rập người hành hương, Arap Saudi, được coi là quê hương của Hồi giáo cũng cần nâng cao trách nhiệm của họ với tính mạng của hàng triệu tín đồ trong lễ Haji thần thánh hàng năm.

Nguồn Tổ quốc