Taekwondo Việt Nam và những thách thức

Tuy vắng mặt ở đấu trường danh giá Olympic mùa hè Rio de Janeiro (Brazil), nhưng taekwondo Việt Nam cũng có chút niềm vui khi đoạt được 2 HCV tại Giải vô địch thi quyền thế giới ở Peru hồi đầu tháng 10-2016. Và sau thời gian dài đến 9 năm taekwondo Việt Nam mới có võ sĩ đoạt HCV Giải vô địch đối kháng trẻ thế giới khi Hồ Thị Kim Ngân (hạng cân 44kg) đăng quang ở Canada hồi tháng 11-2016 vừa qua.

Trong những ngày này, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) đã tổ chức một chuỗi hoạt động đa dạng mang nhiều ý nghĩa nhân Lễ kỷ niệm 20 ngày thành lập Liên đoàn, trong đó mạnh dạn áp dụng Luật thi đấu mới thử nghiệm đầu tiên ở Giải đồng đội quốc tế – Cúp VTF lần 1-2016 tại TPHCM, mở lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Rõ ràng đây là những tín hiệu đáng mừng của taekwondo Việt Nam trước lúc bước sang năm mới 2017.

Chứng kiến các võ sĩ trẻ giành HCV tại Giải vô địch đối kháng trẻ thế giới 2016, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) Chungwon Choue đã tuyên bố: “Những tài năng 15-17 tuổi mà chúng ta đang thấy ngày hôm nay chính là những người sẽ mở đường đến Olympic Tokyo 2020”. Tất nhiên, theo quy luật phát triển, từ mở đường đến mục tiêu cuối cùng luôn là quá trình đầy thử thách gian nan, nhất là trong bối cảnh đang sa sút của taekwondo Việt Nam. Bởi lẽ, từ ngôi sao trẻ đến nhà vô địch thực thụ vẫn còn khoảng cách khá xa nên chúng ta phải luôn “chăm bón” một cách bài bản, khoa học và hiệu quả chứ không thể chờ hái quả.

Đối kháng luôn là nội dung trọng điểm của taekwondo Việt Nam. Ảnh: T.L

Nội dung quyền gánh vác trọng trách huy chương ở mọi cấp độ giải đấu. Ảnh: Hoàng Thịnh

Ở đấu trường đỉnh cao châu lục – Asian Games, từ sau 2 chiếc HCV ở cùng hạng cân 58kg của 2 võ sĩ Trần Quang Hạ (Hiroshima, Nhật Bản, 1994) và Hồ Nhất Thống (Bangkok, Thái Lan, 1998), gần 20 năm qua vẫn chưa có võ sĩ taekwondo nào bước lên bục đăng quang. Và sau 4 lần góp mặt ở Olympic với chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân tại Sydney (Australia) hồi năm 2000, taekwondo Việt Nam đã lỗi hẹn với sân chơi danh giá nhất hành tinh hồi mùa hè vừa qua.

Từ đó, hình như niềm tin và vị thế của taekwondo Việt Nam đã giảm sút phần nào trong mắt người hâm mộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có thể là do cách thức và thời gian đầu tư, sự phân tán lực lượng tập huấn đội dự tuyển quốc gia, mục tiêu của từng đội dự tuyển, v.v. mà Ban chấp hành VTF và Bộ môn taekwondo (Tổng cục TDTT) đã phân tích rất cặn kẽ.

Tạm gác những khó khăn và hạn chế trong thời gian vừa qua, mục tiêu trước mắt của taekwondo Việt Nam là đấu trường Asian Games 2018 ở Indonesia. Giới chuyên môn và người hâm mộ đang đặt niềm tin HCV vào nội dung thi quyền mà nước chủ nhà Asian Games khẳng định sẽ đưa vào chương trình thi đấu. Tuy hy vọng, nhưng không phải “dễ ăn” vì theo thông tin từ giới chuyên môn, chủ nhà Indonesia đã chuẩn bị lực lượng từ 2 năm nay, trong lúc đó các võ sĩ thi quyền Việt Nam thường chỉ được tập huấn vài tháng trước khi dự giải.

Ở các hạng cân đấu đối kháng, vài nước trong khu vực như Thái Lan đã đưa võ sĩ trẻ dự SEA Games để cọ xát, trao đổi kinh nghiệm chứ không đặt nặng thành tích phải đứng đầu “vùng trũng”. Đồng thời họ cũng xây dựng hẳn một đội tuyển Olympic với sự đầu tư chuyên biệt và dài hơi. Thế nên ở Olympic Rio de Janeiro 2016, không có gì ngạc nhiên khi taekwondo đã góp công lớn cho đoàn Thể thao Thái Lan khi 2 võ sĩ Tawin Hanprab đã giành HCB (hạng cân 58kg nam) và Panipak Wongpattanakit giành HCĐ (hạng cân 49kg nữ).

Nguồn SGGP