Suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ đến từ Trung Quốc?

Ba ngày liên tiếp trong tuần trước, kinh tế thế giới bị rung lắc khá mạnh bởi cơn “địa chấn” mang tên nhân dân tệ khi Trung Quốc giảm giá khá mạnh đồng nội tệ. Các chuyên gia sau đó đã cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra mà tâm của nó bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ông Ruchir Sharma, phụ trách bộ phận các thị trường mới nổi của Morgan Stanley Investment Management là một trong những chuyên gia có nhận định như trên. Trên tờ Wall Street Journal, ông đã viết: “Trong vòng nửa thế kỷ qua, chu kỳ suy thoái kinh tế thế giới diễn ra cứ sau mỗi 8 năm. Giờ đây, khi kinh tế toàn cầu đã bước sang năm thứ bảy thì những biểu hiện như tăng trưởng và phục hồi chậm chạp càng cho thấy một đợt suy thoái nữa lại đang cận kề.

Những diễn biến mới nhất xảy ra trong những tuần qua (chứng khoán lao dốc, đồng nhân dân tệ giảm giá) dù rất khó đoán định ngày tháng cụ thể, nhưng cũng đã nhen nhóm dấu hiệu một đợt suy thoái mới với cái mác “made in China” không sớm thì muộn sẽ xảy ra.

Trên cơ sở số liệu về quy mô GDP và một loạt các tiêu chí khác, IMF đã thống kê trong vòng 50 năm gần đây đã diễn ra 5 đợt suy thoái của nền kinh tế thế giới. Cụ thể là vào giữa những năm 1970, đầu những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ XX, năm 2001-khi “bong bóng công nghệ cao” tại Mỹ phát nổ và cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 2008-2009. Trong thời kỳ diễn ra cả 5 cuộc suy thoái kể trên, tăng trưởng của kinh tế thế giới đều không vượt quá 2%/năm, thay vì như mức bình quân là 3,5%.

Hầu hết trong gần 50 năm qua, dù cũng có lúc “lên bổng, xuống trầm”, nhưng Mỹ vẫn là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, từ sau khủng hoảng năm 2008-2009, lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò này đã bị Trung Quốc soán ngôi. Trong 7 năm qua, Trung Quốc đã đóng góp 1/3 vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Đóng góp của Mỹ chỉ đạt 17%. Còn EU và Nhật thì tụt xuống thứ ba với mức 10%.

“Điều này chứng tỏ sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đã và đang phụ thuộc nhiều vào kinh tế của Trung Quốc. Chưa từng có nền kinh tế mới nổi nào lại có mức nợ công “phi mã” như của Trung Quốc kể từ sau 2008 đến nay- tăng gấp 4 lần (từ mức 7.000 tỷ USD, đến cuối năm ngoái đã tăng lên 28.000 tỷ USD), chiếm 282% GDP của Trung Quốc. Hơn nữa, nợ công của Trung Quốc không có xu hướng giảm mà thậm chí chỉ tiếp tục tăng. Và theo nhiều chuyên gia, chính vấn đề này đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, gây nguy cơ  khủng hoảng tài chính” – ông Ruchir Sharma kết luận.

Diễn biến trong những tuần qua đã cho thấy, dường như Chính phủ Trung Quốc vẫn đang muốn tiếp tục kéo dài chu kỳ phát triển kinh tế ngoạn mục của mình. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ đang được triển khai cũng kéo theo sự gia tăng của mức nợ công. Và mặc dù số liệu thống kê chính thức trong hai quý đầu năm 2015 cho thấy tăng trưởng ở mức như kế hoạch 7%/năm vẫn đang được duy trì, tuy nhiên nếu dựa trên các số liệu mà điểm bắt đầu là sản xuất điện năng và điểm kết thúc là mức tiêu thụ ô tô thì mức tăng trưởng 5%/năm có lẽ phản ánh bức tranh tương đối “cận cảnh” hơn.

Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng của kinh tế thế giới chỉ đạt mức 2% và bi đát hơn khi sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu lại hầu như không có tăng trưởng càng cho thấy một đợt suy thoái kinh tế thế giới nữa đang lấp ló ở sau lưng chúng ta.

Các nước đang phát triển sẽ là những nước chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả từ sự tăng trưởng ì ạch của kinh tế Trung Quốc bởi nhiều quốc gia trong số này là những nhà cung cấp nguyên liệu, phụ tùng… cho Trung Quốc. Nếu không tính tới Trung Quốc thì trong 6 tháng đầu năm 2015, mức tăng trưởng kinh tế bình quân của các nước đang phát triển thấp hơn 2%/năm. Lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1990 và đầu 2000 đến nay, mức tăng trưởng này thấp hơn của khối các nước công nghiệp phát triển!

Mức tăng trưởng 2,5%/năm của kinh tế Mỹ như hiện nay và mặc dù nền kinh tế Nhật và EU đang có những dấu hiệu ổn định thì cũng chưa phải là chỗ dựa cho kinh tế thế giới.

Như vậy là mọi kỳ vọng đều phải hướng về nền kinh tế Trung Quốc? Nhưng theo Financial Times thì những vấn đề nội tại của nền kinh tế Trung Quốc còn sâu và rộng hơn những vấn đề về tiền tệ. Mặc dù đang cố gắng thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu, nhưng đây không phải là việc “một sớm, một chiều”. Theo các chuyên gia kinh tế, mức sụt giảm xuất khẩu hơn 8% sẽ kéo theo sự sụt giảm GDP của Trung Quốc khoảng 3% và đầu tư mới là nhân tố chính (chứ không phải là xuất khẩu) giúp cho kinh tế của quốc gia này phát triển. Đầu tư chiếm tới 52% tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Suy thoái trong lĩnh vực đầu tư còn trầm trọng hơn so với lĩnh vực xuất khẩu. Tăng trưởng trong lĩnh vực này trong 7 tháng qua được coi là thấp nhất kể từ đầu năm 2000 đến nay. Bất động sản là khu vực bi đát nhất. Số liệu thống kê của 13 tháng gần đây cho thấy số lượng bất động sản tiêu thụ đang có xu hướng sụt giảm và số lượng tồn kho thì ngày càng gia tăng.

Mắt xích yếu nhất trong các chuỗi vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là thị trường sức lao động.

Đường màu đỏ: Tương quan giữa việc làm và đơn xin việc
Đường màu xanh: Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc

Theo biểu đồ trên thì mối tương quan giữa số lượng việc làm với số lượng đơn tìm kiếm việc làm biểu thị rất rõ nét thực trạng của nền kinh tế. Suốt 15 năm qua, chỉ số tương quan này luôn có xu hướng tăng, trừ sự đi xuống thời 2008 khi mà suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Nếu năm 2001, cứ 10 đơn xin việc thì có 6,5 việc làm, nhưng đến năm 2014 chỉ số này là 10 và 11,5. Giai đoạn 2010-2014, chỉ số này luôn tăng mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm lại. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này lại có xu hướng giảm mạnh. Diễn biến này gợi nhớ về thời kỳ 2008-2009 khi mà tương quan giữa số lượng việc làm/số lượng đơn xin việc là 1/10 còn tăng trưởng kinh tế thì tụt từ 15%/năm xuống còn 7%/năm. Richard Koo người phụ trách những vấn đề về kinh tế của Nomura Holdings đã nhận định: “những diễn biến trên thị trường sức lao động đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của suy thoái kinh tế đang diễn ra buộc Chính phủ Trung Quốc phải áp dụng một loạt các biện pháp mạnh nhằm kích thích kinh tế” và “hiện nay, khi mà tỷ lệ dân chúng trong độ tuổi lao động đang ngày càng có xu hướng giảm xuống thì biện pháp duy nhất nhằm giúp cho kinh tế phát triển đó là phải nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình “dài hơi” và phải được trợ giúp mạnh mẽ của đầu tư, thông qua các công nghệ và máy móc hiện đại”.

Ngoài những vấn đề đã phân tích ở trên thì giảm phát cũng đang là một “vấn nạn” đối với sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Đã hơn 3 năm nay, giá bán buôn hầu hết các mặt hàng tại Trung Quốc đều giảm, tốc độ giảm giá còn tăng mạnh hơn trong suốt tháng 7 vừa rồi. Chính vì lý do này mà giá các mặt hàng nguyên liệu trên thế giới đã phải “chịu trận” và lao dốc.

Với những điểm yếu cơ bản trên, “đầu tàu kinh tế” Trung Quốc khó có đủ lực kéo được cả đoàn tàu kinh tế toàn cầu thoát ra khỏi suy thoái mà theo một số chuyên gia, điều này sẽ đến “sớm là vào năm 2016, còn muộn thì sẽ là năm 2017”.

Nguồn Chính phủ