Sức sống bất tận của Truyện Kiều

Sau buổi trò về Truyện Kiều và cái hồng nhan, sáng 29-6, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tiếp tục chia sẻ về những giá trị của Truyện Kiều trong chương trình Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM. Đây được xem là dịp để độc giả nhìn nhận lại tác phẩm Truyện Kiều, nhất là năm 2020 cũng vừa tròn 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du.
kieu-va-hong-nhan_xekr
Nhiều độc giả quan tâm và tham dự chương trình Kiều và cái hồng nhan. Ảnh: LAM ĐIỀN

Một tác phẩm rất Việt Nam

Có một sự tình cờ, vào năm 1820 thi hào Nguyễn Du qua đời vì bệnh dịch. 200 năm sau, nhân kỷ niệm ngày mất của ông thì bất hạnh này quay lại. Từ đầu năm đến giờ, ở Việt Nam cũng như các tổ chức trên thế giới đã phải hủy bỏ hoặc hoãn việc tổ chức kỷ niệm tưởng nhớ Nguyễn Du. Hiện tại, sau khi tình hình dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, bắt đầu từ tháng 6, đã và đang có những chương trình tri ân, tưởng nhớ Nguyễn Du diễn ra. Ngoài 2 chương trình trên còn có buổi tọa đàm Nguyễn Du bên ngoài Truyện Kiều do Book Hunter Club và Sao Phương Đông tổ chức vào ngày 28-6 tại Hà Nội. Trước đó, ngày 20-6, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM đã công diễn tác phẩm múa Ballet Kiều. Dự án điện ảnh Kiều cũng đang trong quá trình thực hiện.

Nhìn lại tác phẩm Truyện Kiều sau 200 năm Nguyễn Du tạ thế, theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, nếu không có Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ có một khoảng trống rất lớn trong văn học Việt Nam, không có gì bù đắp được. “Nói một cách dễ hiểu, những người bạn quốc tế đến Việt Nam muốn nói chuyện văn hóa cũng không biết bắt đầu từ đâu. Và khi có Truyện Kiều rồi, ai đến Việt Nam mà muốn đi vào tâm hồn, văn hóa Việt Nam họ chỉ đơn giản đọc một câu Kiều, lập tức mọi người hiểu ý của họ”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết.

Trước vấn đề tranh luận liên quan đến việc Nguyễn Du “mượn” cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, việc mượn cốt truyện là rất bình thường trong văn chương nhân loại. Ông lý giải: “Vấn đề của những thiên tài là người ta lấy chất liệu từ người khác nhưng biến nó thành của mình. Và Nguyễn Du không những biến Truyện Kiều thành của mình mà cao hơn nữa là của toàn thể dân tộc. Nguyễn Du vẫn lặp lại những địa danh có trong Kim Vân Kiều truyện, nhưng bây giờ ai cũng thấy Kiều là Việt Nam, không thể nào khác được. Những học giả lớn trên thế giới khi khảo cứu Truyện Kiều cũng hoàn toàn đồng ý rằng đây là tác phẩm thuần túy Việt Nam”.

Đến nay, Truyện Kiều vẫn bền bỉ đến với bạn đọc, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đã và đang chọn tác phẩm này để giới thiệu đến bạn đọc, ngày càng được đầu tư công phu hơn. Hiện tại, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng. Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, đối với một tác phẩm viết bằng tiếng Việt mà có hơn 70 bản dịch là chuyện chưa từng có. “Tuy nhiên, với đặc trưng ngôn ngữ riêng của Nguyễn Du, tất cả bản dịch sang tiếng nước ngoài đều thất bại hết. Hiện giờ chưa có bản dịch nào được thế giới công nhận là tốt đẹp, tối ưu về Nguyễn Du”, ông nói thêm.

Những mời gọi hấp dẫn khác

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu  nhấn mạnh, tiếng Việt tới Nguyễn Du bỗng dưng triết lý hẳn lên, bỗng dưng thẩm mỹ, duyên dáng hẳn lên, kỳ diệu, phi thường hẳn lên, như chưa từng có tiếng Việt như vậy bao giờ. Chẳng hạn như “Nỗi nàng tai nạn đã đầy” hay “Càng âu duyên mới càng dào tình xưa”. Trước Nguyễn Du, chúng ta chưa nghe “nỗi nàng”, “âu duyên” hay “dào tình” trong tiếng Việt.

Ông phân tích: Nếu là một thi sĩ bình thường, họ sẽ viết “Càng xa duyên mới càng nhiều tình xưa”; nhưng Nguyễn Du lại là “Càng âu duyên mới càng dào tình xưa”. Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, chữ “âu” vừa mang nghĩa âu yếm, vừa hàm nghĩa âu lo, vừa có nghĩa âu là, dường như là. “Nguyễn Du là người khi dùng một từ không bao giờ cho nó một nghĩa. Cũng như chữ “trăm năm” tối thiểu có 6, 7 nghĩa trở lên. Thường họ dịch nghĩa đen là khoảng 100 năm đời người, nhưng “trăm năm” trong tiếng Việt còn là tình duyên, là chuyện trăm năm”, ông bày tỏ.

Đặc biệt, suốt 200 năm qua, dù đã có rất nhiều công trình hay tác phẩm “hậu” Truyện Kiều nhưng cánh cửa Kiều vẫn luôn mời gọi muôn vàn lối vào. Trong chương trình Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu mang đến một lối vào mới mẻ khi phân tích Kiều từ lý thuyết về mơ tưởng – một mơ tưởng đậm tính lý luận – của phương Tây. Trước đó, tại chương trình Kiều và cái hồng nhan, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu mang đến phát hiện về dấu hiệu chơi chữ bằng cách nói lái trong Truyện Kiều. “Nguyễn Du là bậc thầy nói lái”, ông nhận định. Điển hình là câu: “Kiếp tu xưa ví chưa dày/Phúc nào nhắc được giá này cho ngang”, thì “giá này cho ngang” nghĩa là “giá nàng cho ngay”…

“Đọc Nguyễn Du ráng mà lặn vào mỗi từ ngữ của ông, chữ của Nguyễn Du là chữ của những làn sóng, thần bí”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bày tỏ.

Nguồn SGGP