“Sứ mạng” của người làm báo

Mỗi khi đàm luận về chuyện người làm báo, công chúng thường lưu ý tới chuyện đức và tài, đến cái tâm và cái tầm… Đó coi như là khối óc, là trái tim, là động cơ, động lực, là cách nhìn chân chính của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng trước mọi kẻ địch, mọi bất công, mọi diễn biến thời cuộc trong xã hội.

Không ít đồng nghiệp tâm sự rằng: “Làm cái nghề báo chí bây giờ khó thiệt! Đủ thứ chuyện xảy ra từng ngày, từng giờ trong xã hội. Có khi cầm cây viết lên rồi lại để xuống, suy nghĩ… Chuyện xảy ra trước mắt mình, khen cũng “run tay”, mà phê hay tố… cũng ngặt. Hay: “Làm báo thời kháng chiến thời các cụ lão trước đây dễ hơn bây giờ v.v…”

Vậy bạn đọc chúng ta hãy tìm ra căn nguyên của “nghiệp báo” giữa hai thời kỳ để thấy sứ mạng của người làm báo là sứ giả đem lại niềm tin cho mọi gia đình, mọi người qua mỗi thời kỳ lịch sử, giữa chung và riêng, giữa thuận lợi và khó khăn ra sao?

Nếu nói điểm khác nhau về “nghiệp báo” giữa hai thời kỳ – tuy không bàn nhiều, nhưng ai cũng biết – vì đó là thời kỳ thuộc thế hệ trước. Thời mà người phóng viên đầu trần, chân đất. Muốn có một bản tin, một bài phóng sự hay một bài… ký, thì tự anh, chị phải tự bươn chải, cuốc bộ, lội sông, cùng ra mặt trận với bộ đội, cùng bao bót, diệt đồn, cùng làm xã chiến đấu bảo vệ xóm làng với du kích… Bởi một bài báo mà giá trị của nó có cả máu và nước mắt của người viết trong đó. Phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, coi như mình là người trong cuộc để thể hiện bài viết được sinh động, sát sườn. Phương tiện chuyển tin, bài của phóng viên từ chiến trường về tới Ban biên tập (giờ là Tòa soạn) chỉ con đường độc đạo là giao liên (tên gọi lúc bấy giờ là giao liên hay đường dây). Hiện đại nhất thời đó là khi được Ban biên tập duyệt “xài được” (nếu không bị phá sản) thì bài được chuyển về Đài Phát thanh Giải Phóng bằng sóng minh ngữ (điện đài). Nếu trên đường dây không may người giao liên hy sinh, bài vở thất lạc thì công lao, “sản phẩm” của người làm báo coi như… trắng tay.

Người làm báo thời nay mọi phương tiện nghề nghiệp đều hiện đại. Người làm báo vĩnh viễn không có cảnh cầm cây viết lá tre vung rảy mực với mảnh giấy nháp như trước nữa. Song điểm giống nhau tuyệt đối giữa hai thời kỳ là phải thực tế và thực tế. Đó là điều mà không có bất cứ loại máy móc tối tân, hiện đại nào thay thế được. Người làm báo trước khi ngồi vào chiếc máy hiện đại nào đó của mình cũng phải qua một “quãng đường” mắt thấy, tai nghe, “sờ mó” được tròn trịa sự việc xảy ra trước mắt mình. Phải coi mình như là người trong cuộc vậy. Người viết bài này từng tâm sự với đồng nghiệp: “Muốn viết về nông nghiệp phải lột dép lội ruộng; muốn viết về ngư dân phải vượt sông sâu, biển cả; muốn viết về chăn nuôi phải xăn quần bước vô chuồng, trại…”. Thế mạnh của người làm báo là “ra khỏi ngõ có đề tài”. Được như vậy, bài viết mới sinh động, mới có sinh khí cuộc sống, mới lôi cuốn người đọc: “Đọc báo và làm theo báo”. Thời gian qua, có một số tờ báo bạn trong nước, anh em phóng viên lao mình vào thực tế vốn sống mà không ngại mọi thứ hiểm nguy như nhập các vai: bán vé số, ăn xin, chui vào các băng nhóm, các hang động sex, bụi đời, trại phục hồi nhân phẩm… là vậy. Tức phải hóa thân vào tận cùng của cuộc sống xã hội để hiểu được tâm tư, trạng thái của mỗi hạng người. Càng hiểu trực tiếp, bài viết càng có giá trị sát, đúng. Có thể nói, nếu bài báo là món ăn tinh thần thì trước hết những sự kiện bạn muốn nêu trong đó phải là món ngon, là vốn sống đầy đủ hương vị của người cầm bút. Nếu không gặt hái, góp nhặt được những điều sơ đẳng này khi viết sẽ bị lúng túng như “gà con mắc tóc” khó sinh động.

Cách thể hiện bài viết, gọi là bút pháp của người phóng viên thời chiến còn coi như bắt buộc theo yêu cầu khó tính của Ban biên tập. Khi diễn đạt một sự kiện chính, hiện tại là phải “nhồi – xoáy – quần”. Tức phải liên tưởng lại lịch sử, lại những chuyện đã qua để làm nổi bật sự kiện vừa xảy ra đang viết. Thí dụ viết về một trận đánh thắng của quân giải phóng mới vừa xảy ra, ta liên tưởng lại các trận thua đau trước đó của giặc để “nhồi” lại, “xoáy” sâu… giúp người đọc hiểu thêm một quá trình liên tiếp, một giai đoạn lịch sử và nội dung bài viết cũng thêm nặng ký. Thời đó người làm báo hay nhắc đi, nhắc lại câu: “Báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén để đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống kẻ địch” là vậy. Lối viết mạnh mẽ này cũng là thủ pháp có hiệu quả cao không riêng gì cho thời chiến mà ngay cho cả thời bình. Chỉ có điều người viết phải tích lũy nhiều tư liệu làm giàu trong kho, làm “của để dành” cho riêng mình để có dịp đem ra chi xài. Bằng ngược lại người viết sẽ sa vào kiểu viết ngồi nhà như chỉ dựa vào báo cáo tháng, quí, năm của ngành này, địa phương nọ rồi thêm đầu, bớt đuôi, đặt tựa mới để biến thành một… “bài báo”. Hay trích, gom những tờ báo, những bản tin có sẵn cùng một nội dung, tổng hợp lại thành một chủ đề riêng… Lối viết này người đọc gọi là “xào, nấu”, do người viết bị hạn chế thâm nhập thực tế để tạo vốn sống cho riêng mình.

Hiện nay, người trong làng báo chúng ta, ngoài những đề tài toàn diện khác là có hai loại chủ đề hết sức nặng ký mà không ít đồng nghiệp thấy khó viết, đòi hỏi người làm báo phải thể hiện rõ khí thế về cái tâm, cái tầm của mình trong mỗi tin, bài. Đó là mảng đề tài: Học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, và chống tham nhũng cùng mọi tệ nạn khác đã và đang diễn ra đây đó, mà công chúng gọi là giặc nội xâm đã và đang gặm nhấm nước nhà. Hai đề tài lớn này, người viết không thể diễn đạt chung chung bằng văn tự kiểu “múa gậy rừng hoang”, mà phải thật cụ thể, không có chuyện viết khen thì thoải mái, còn viết ngược lại thì… run tay. Khi tò mò tới chuyện “đông tây kim cổ”, người viết bài này còn nhớ trên chặng đường Liên Xô sụp đổ, ngoài những yếu tố khác, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do báo chí mãi tô hồng, không đưa lên mặt báo mọi biến cố, sai lầm trên từng chặng đường phát triển đất nước để kịp thời sửa chữa. Đây là kinh nghiệm quí báu cho ta, bởi báo chí cách mạng là diễn đàn chung của mọi gia đình, mọi người, nếu ta chỉ nêu lên toàn những chuyện bằng từ ngữ: “thành tựu vĩ mô”, “lộ trình phát triển cực kỳ bền vững…” mà không nêu lên mọi khó khăn, trở ngại, mọi chuyện xấu xảy ra, mà chỉ bấu víu tô hồng đều “vo tròn” cho thành tích thì chắc chắn sẽ dẫn đến quan liêu, thất bại không tránh khỏi.

Thực hiện hai chủ đề lớn này, thời gian qua không ít tờ báo đăng bài dưới dạng học tập và làm theo gương Bác theo phong trào, nơi nào cùng ra quân rầm rộ, trống rung cờ phất bằng mọi hình thức (giống như kiểu phát động “Tháng an toàn giao thông”, hay “Tháng phòng cháy chữa cháy” vậy). Nhưng các loại bài nêu sát sườn về cách học tập ra sao? Tập thể, cá nhân nào làm theo Bác chuyện gì? Kết quả ra sao… chưa nhiều. Hay ngay cả chuyện “Những điều đảng viên không được làm”, bài vở vẫn còn rải rác, chung chung. Đảng viên xứng đáng thì báo phản ánh chưa nhiều, đảng viên làm ngược lại với ý Đảng, lòng dân thì báo nêu cũng quá ít. Cách mạng là cụ thể, nên người làm báo chí cách mạng cũng phải thật cụ thể trong từng bài viết của mình… Không tô hồng “vo tròn” thêm cái tốt, ngược lại cũng không khoan nhượng mọi cái sai.

Về chuyện chống tham nhũng. Hiện đã hình thành một mặt trận – mặt trận chống tham nhũng, chống giặc nội xâm, tham ô hủ hóa và mọi loại tệ nạn xã hội khác. Đề tài này là một thử thách lòng dũng cảm của người làm báo. Phải nhận rõ dáng vóc giặc nội xâm. Đó là những phần tử lợi dụng cơ hội núp bóng dưới phong trào chung của cách mạng để chui sâu “từng nấc”, mỗi chặng kiếm chác một mớ từ nhỏ tới to, từ thấp tới cao, từ cái nhà, miếng đất… chúng tóm thâu, gặm nhấm như mọt ăn cột nhà vậy.

Người cung cấp nguồn tư liệu sống về nạn tham nhũng cụ thể từng vụ việc mà không sợ trả oán để làm nên nội dung, chủ đề bài viết của nhà báo là nhân dân. Còn dũng cảm hay run tay, quyết “tuyên chiến” hay thủ thế, sợ mít lòng, sợ trả thù trả oán hay sợ mất… “viên kẹo”, là do cái tâm, cái tầm của người cầm bút.

Lịch sử kháng chiến của thế hệ cha ông chúng ta trong những năm chiến tranh ác liệt, giặc đã xây dựng một bộ máy tay sai bí mật gồm gián điệp, tề ngầm… dày đặc, nhưng chúng không che được mắt “thánh” của nhân dân. Khi có Đảng lãnh đạo, toàn dân nổi dậy, mọi mạng lưới bí mật của  chúng bị quét sạch. Ngày nay cũng vậy. Đâu phải nhân dân ta không biết những bộ mặt dối gian lớn nhỏ, thấp cao đang núp bóng kiếm ăn. Song có điều người ta không có dịp nói, chưa có chỗ để nói và nói với ai? Phải bằng cách nào đó để bà con xem báo chí là bạn và người làm báo là chỗ dựa đáng tin cậy để thố lộ mọi điều.

Qua bài viết này, chỉ là chút suy nghĩ riêng của một hội viên Hội Nhà báo với tính cách tham khảo cùng đồng nghiệp. Người viết nghĩ rằng: mục tiêu của Đảng, sự nghiệp của cách mạng, lợi ích của nhân dân là nền tảng vững chắc của khối óc, trái tim, góc nhìn và cách diễn đạt nội dung bài viết của người làm báo. Và phải luôn khẳng định rằng sứ mạng của người làm báo là: làm cách mạng bằng báo chí.

Tiền Phong