Sở NN&PTNT triển khai dự án vùng sản xuất lúa công nghệ cao tại huyện Gò Công Tây

(THTG) Ngày 11/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

vlcsnap-2018-10-11-14h56m29s719

vlcsnap-2018-10-11-14h58m00s127

Quang cảnh hội nghị triển khai dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Minh Trí

Dự án sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao dự kiến được triển khai trong vụ thu đông 2018 tại 13 xã thuộc 4 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông, với khoảng 16 hecta trình diễn trong năm 2018, năm 2019 sẽ nhân rộng lên 780 hecta và năm 2020 nhân rộng lên 2.300 hecta.

vlcsnap-2018-10-11-14h56m43s272

vlcsnap-2018-10-11-14h57m47s557

Nhiều thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: Minh Trí

Riêng đối với huyện Gò Công Tây, có 4 xã được chọn triển khai dự án là: Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Long Bình và Bình Tân, với tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 tại huyện Gò Công Tây là 3.908,5 hecta. Dự án sẽ được quản lý theo công nghệ 4.0, áp dụng phương thức sản xuất lúa thông minh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác như: lúa giống chất lượng cao, cấp xác nhận, sử dụng chế phẩm sinh học… Cùng với đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng tốt nhất cho sản xuất lúa, dự án sẽ tăng cường phát triển hệ thống công nghệ thông tin; tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, đồng thời triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp…

vlcsnap-2018-10-11-14h58m12s621

Ông Cao Văn Hóa – PGĐ Sở NN & PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Trí

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện thành công dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân ít nhất 30% so với sản xuất truyền thống, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng được chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trong những giai đoạn tiếp theo.

Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao có tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 2.332 tỷ đồng bao gồm 4,8% ngân sách và 95,2% vốn đối ứng của nhân dân, kết hợp với các nguồn vốn của các chương trình, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng phát triển, huy động nguồn vốn đối ứng trong dân về vật tư, công lao động,… để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn phương thức sản xuất lúa truyền thống, góp phần thúc đẩy sản xuất lúa tỉnh Tiền Giang phát triển theo hướng nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, bền vững.  

Kim Nữ