Sở NN&PTNT Tiền Giang tham quan mô hình canh tác lúa thông minh

(THTG) Ngày 19/01, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức tham quan mô hình canh tác lúa thông minh, chỉ sử dụng một lần bón phân trong suốt vụ mùa, nhưng vẫn bảo đảm đạt năng suất cao, đang được thực hiện tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

vlcsnap-2018-01-19-14h56m59s814   vlcsnap-2018-01-19-14h59m51s720 vlcsnap-2018-01-19-15h00m38s890

Lãnh đạo Sở NN & PTNT Tiền Giang  tham quan mô hình canh tác lúa thông minh tại Đồng Tháp. Ảnh: Minh Trí

Mô hình canh tác lúa thông minh, hay còn gọi là mô hình canh tác lúa lý tưởng, lần đầu tiên được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công ty cổ phần Rynan Smart thực hiện thí điểm trên diện tích gần 8 hecta của nông dân ấp 4, xã Mỹ Đông.

Thực hiện mô hình này, nông dân bón phân vào đất trước khi gieo sạ hoặc cấy lúa, sau đó hạt phân sẽ từ từ phân hủy, thẩm thấu vào nước và cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa. Cùng với đầy đủ các thành phần trung, vi lượng, giúp lúa dễ hấp thu cho năng suất cao, ruộng lúa bón phân Rynan còn hạn chế sâu rầy, dịch hại, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời hạt gạo đạt chất lượng cao, an toàn, bảo đảm các tiêu chuẩn gạo hữu cơ xuất khẩu.

vlcsnap-2018-01-19-14h57m06s144

vlcsnap-2018-01-19-14h57m57s683

Lúa canh tác theo mô hình thông minh vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng năng suất và chất lượng. Ảnh: Minh Trí

Hiện nay, lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch, năng suất ước đạt không dưới 7 tấn/hecta, cao hơn từ 15 đến 20% so với năng suất chung của khu vực, chi phí sản xuất giảm khoảng 20%, do tiết kiệm nhân công lao động và thuốc trừ sâu bệnh. Sau chuyến tham quan này, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với đơn vị hữu quan, nhằm thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh này ở một số vùng lúa trọng điểm của tỉnh Tiền Giang trong vụ hè thu 2018, với diện tích ban đầu khoảng 100 hecta.

Kim Nữ