Sơ kết công tác phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô năm 2016 ở các huyện phía Đông

(THTG) Chiều 5/4, tại UBND huyện Gò Công Tây, ông Lê Văn Hưởng- Phó Bí thư- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị sơ kết công tác phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô năm 2016 trên địa bàn các huyện phía Đông.

2

            Tham dự hội nghị còn có ông Võ Văn Bình, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy -Phó Bí thư tỉnh ủy, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

            Năm 2015, mùa mưa kết thúc sớm, mực nước trên sông Mê Kông thấp nhất trong vòng 90 năm qua, mặn xâm nhập sớm hơn 2 tháng so cùng kỳ hàng năm, lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang.

            UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn mặn các cấp và cấp bách triển khai các giải pháp phòng chống hạn mặn, bảo vệ cho 29.000 ha lúa đông xuân 2015-2016. Cùng với nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, chủ động quan trắc độ mặn trên sông, tổ chức 728 điểm bơm chuyền 2 cấp, 3 cấp, chủ động tích trữ, dẫn nước ngọt vào nội đồng với tổng số trên 522.000 giờ bơm, lắp đặt 2 trạm bơm điện dã chiến tại các điểm xung yếu, hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho các địa phương duy trì bơm chuyền liên tục suốt 2 tháng qua, Nhờ vậy, đến thời điểm này, toàn vùng ngọt hóa Gò Công đã thu họach được trên 22.800 ha lúa, năng suất bình quân trên 6,5 tấn/ha, diện tích lúa còn lại đã cắt nước, đang bước vào giai đoạn chín. Về cây lúa thiệt hại 3.284 ha, ước giá trị 72,3 tỷ đồng, cây màu bị thiệt hại 40 ha, cây ăn trái bị thiệt hại 113 ha.

              Về tình hình nước sinh hoạt có 18 trạm do Công ty TNHH Một thành viên cấp nước nông thôn Tiền Giang quản lý phục vụ cho 31.100 hộ, có 7 trạm do Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Tiền Giang quản lý, cung cấp nước cho 15.119 hộ. Khẩn trương đầu tư các tuyến đường ống, trạm đấu nối, hòa mạng nguồn nước BOO Đồng Tâm về phục vụ cho nhân dân phía Đông; lắp đặt và mở 75 vòi nước công cộng cho các vùng khó khăn. Tổ chức vận chuyển bổ cấp nước ngọt cho các Trạm cấp nước huyện Tân Phú Đông, bảo đảm cho người dân cù lao có đủ nước sạch sinh hoạt.

            Hội nghị khẳng định với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của các ngành, các cấp và sự nỗ lực của người nông dân, đến thời điểm này, tỉnh đã bảo vệ thành công vụ lúa đông xuân trong điều kiện hạn mặn khốc liệt ở các huyện phía Đông. Tuy nhiên, theo dự báo nắng nóng, khô hạn, mặn xâm nhập vẫn còn kéo dài đến cuối tháng 6 nên ông Lê Văn Hưởng- Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, các cấp vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhằm tránh thiệt hại.

             Trên sơ sở các bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống hạn mặn năm nay, tỉnh Tiền Giang đề xuất phân vùng sản xuất như sau: vùng sản xuất lúa thuận lợi có 20.927 ha, sản xuất 3 vụ lúa/năm, với các giống cực ngắn ngày và vùng không thuận lợi có 7.779 ha, sản xuất 2 lúa- một màu hoặc 2 màu- một lúa một năm, đồng thời tăng cường thực hiện kiện toàn hệ thống thủy lợi nội đồng theo xu hướng sống chung với hạn mặn mùa khô hàng năm.

Kim Nữ