Số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mang lại nhiều lợi ích

Đề cập về chủ trương số hóa truyền hình mặt đất, đặc biệt là lợi ích của người dân, doanh nghiệp, ông Trần Văn Dũng, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết:

Quá trình số hóa truyền hình đã và đang là một xu thế tất yếu trên thế giới. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang hoàn thành việc chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số đối với hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hầu hết các nước cam kết hoàn thành thực hiện việc chuyển đổi này trước năm 2015. Nằm trong xu thế trên, Việt Nam cũng phải thực hiện việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất để bảo đảm sự phát triển hiệu quả và hội nhập thành công của lĩnh vực truyền hình với thế giới.

Về công nghệ, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mang lại nhiều lợi ích cụ thể như: Nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình với hình ảnh, âm thanh tốt hơn so với công nghệ tương tự; tăng số lượng kênh chương trình truyền hình, giảm đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình do số lượng máy phát giảm, cho phép phát các kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV), truyền hình 3 chiều (3D), các dịch vụ truyền hình tương tác; cho phép sử dụng Ăng-ten nhỏ hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn, góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính và thân thiện môi trường. Về tài nguyên tần số, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình giúp giải phóng một phần băng tần đang sử dụng cho truyền hình để chuyển sang sử dụng cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng khác, nhằm phát triển hạ tầng băng rộng, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về thị trường, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất cho phép hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất có hiệu quả của Nhà nước. Về tổ chức bộ máy, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, đảm bảo hoạt động hiệu quả trên cơ sở phân định rõ hoạt động nội dung thông tin với hoạt động truyền dẫn, phát sóng.

* Phóng viên (PV): Như vậy, lộ trình triển khai thực hiện việc chuyển đổi trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

* ÔNG TRẦN VĂN DŨNG: Theo Công văn 4110/BTTTT-CTS ngày 22-11-2016 của Bộ TT-TT, các tỉnh thuộc Nhóm II đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, đã hỗ trợ STB (STB là viết tắt của Set-top-box, tức là đầu thu giải mã tín hiệu cho tivi, để tivi có thể xem truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet… –  NV) cho một phần địa bàn theo chuẩn cũ hoặc đã được phủ sóng một phần địa bàn các tỉnh gồm: Tiền Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) trước ngày 1-7-2017. Hiện nay, Sở TT-TT đang tập trung công tác tuyên truyền để mọi người dân trong tỉnh hiểu về số hóa truyền hình và cùng phối hợp triển khai công tác này tại địa phương.

Từ ngày 1-7-2017, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang sẽ tắt phát sóng truyền hình tương tự chuyển sang phát sóng số.
Từ ngày 1-7-2017, Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang sẽ tắt phát sóng truyền hình tương tự chuyển sang phát sóng số.

* PV: Một số điểm cần lưu ý về thiết bị thu xem truyền hình đáp ứng tiêu chuẩn truyền hình số đang lưu thông trên thị trường?

* ÔNG TRẦN VĂN DŨNG: Bộ TT-TT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dành cho thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Thông tư 20/2012/TT-BTTTT ngày 4-12-2012. Theo quy định, các đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc TV có tích hợp đầu thu thu truyền hình số DVB-T2 khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hàng hóa, dấu hợp quy và phải dán biểu trưng truyền hình số mặt đất.

Một số đơn vị đang cung cấp đầu thu DVB-T2 chính hãng hợp quy chuẩn của Bộ như: VTV, VTC, VNPT, AVG, VJV (Hùng Việt), LTP Việt Nam… Hiện tại, trên thị trường có thể chia đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 thành 2 loại chính là loại đầu thu chỉ xem được các kênh trong nước và loại đầu thu xem được cả kênh trong nước cũng như nước ngoài.

Các mẫu đầu thu chỉ xem được các kênh trong nước sẽ không mất phí thuê bao khi sử dụng, có rất nhiều đơn vị cung cấp mẫu đầu thu này như: VTV, VTC, VNPT, VJV, GBS, SDTV, TELEQ… và nhiều hãng khác đến từ Pháp, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, trong đó các hãng Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo so với tất cả các hãng khác. Mẫu đầu thu DVB-T2 xem được cả kênh trong nước và nước ngoài thì có ít nhà cung cấp hơn, trong đó có thể kể đến Truyền hình An Viên (AVG). Sử dụng đầu thu này để xem cả kênh nước ngoài, khách hàng phải đóng phí thuê bao từ 20.000 – 50.000 đồng/tháng.

* PV: Chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp như thế nào khi thực hiện chủ trương này, thưa ông?

* ÔNG TRẦN VĂN DŨNG: Thực hiện lộ trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, đầu thu truyền hình kỹ thuật số sẽ được hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đang được cả xã hội trông đợi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Việc hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đề án đảm bảo các hộ dân được tiếp cận thông tin tuyên truyền thiết yếu, giúp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước.

TP. Cần Thơ kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất từ ngày 15-6-2016, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng toàn huyện Cái Bè và 9 xã thuộc huyện Cai Lậy. Sở TT-TT đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, khảo sát và thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Cái Bè và 9 xã thuộc huyện Cai Lậy là 10.500 hộ (4.043 hộ nghèo và 6.457 hộ cận nghèo) và đã được Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam hỗ trợ cung cấp đầu thu truyền hình số mặt đất BVD-T2.

1

Theo lộ trình số hóa giai đoạn 2, từ ngày 1-7-2017, Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang sẽ tắt phát sóng truyền hình tương tự chuyển sang phát sóng số. Sở TT-TT và Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan đã điều tra, khảo sát và thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Cái Bè và 9 xã thuộc huyện Cai Lậy đã được hỗ trợ giai đoạn 1) là 34.512 hộ; trong đó có 21.331 hộ nghèo, 13.181 hộ cận nghèo và đã chuyển cho Ban Quản lý Chương trình Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam để tiếp tục được nhận hỗ trợ trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Ấp Bắc