Sinh viên Mỹ được Triều Tiên thả sau khi hôn mê đã chết

Otto Warmbier, 22 tuổi, sinh viên Đại học Virginia, bị CHDCND Triều Tiên cầm tù gần một năm rưỡi, đã chết sau khi được thả về Mỹ.

 Otto Warmbier được đưa xuống máy bay lên xe cấp cứu tại sân bay Lunken ở Cincinnati, Ohio, Mỹ, ngày 13-6-2017. Ảnh: REUTERS

Otto Warmbier được đưa xuống máy bay lên xe cấp cứu tại sân bay Lunken ở Cincinnati, Ohio, Mỹ, ngày 13-6-2017. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố của gia đình cho biết Warmbier chết lúc 2 giờ 20 chiều 19-6 (1 giờ 20 sáng 20-6 giờ VN). “Thật không may, sự ngược đãi tàn nhẫn mà con trai chúng tôi nhận được từ người Triều Tiên đã đảm bảo rằng không có kết quả nào khác ngoài nỗi đau mà chúng tôi trải nghiệm hôm nay”, cha mẹ Warmbier nói.

 Sinh viên Mỹ được Triều Tiên thả sau khi hôn mê đã chết ảnh 1Otto Warmbier bị đưa ra tòa án ở Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên, ngày 16-3-2016. Ảnh: KYODO
Các bác sĩ đã mô tả tình trạng của Warmbier là “tỉnh táo không phản ứng” và “tổn thương thần kinh nghiêm trọng” không rõ nguyên nhân.

Cha anh, Fred Warmbier, cho biết vào tuần trước ông tin rằng Otto đã chiến đấu nhiều tháng để sống trở về với gia đình. Tuyên bố của gia đình ngày 19-6 cho biết Warmbier có vẻ khó chịu và đau đớn sau khi trở về Mỹ ngày 13-6, nhưng sắc diện anh sau đó thay đổi: “Anh bình an. Anh ở nhà, và chúng tôi tin rằng anh có thể cảm nhận được điều đó”.

Warmbier bị kết án 15 năm tù khổ sai với tội lật đổ chế độ Bình Nhưỡng khi tìm cách đánh cắp một biểu ngữ tuyên truyền trong khi du lịch Triều Tiên. “Tôi đã mắc sai lầm lớn nhất trong đời mình”, Warmbier nói và khóc cầu xin được đoàn tụ với cha mẹ và 2 em khi bị đưa lên truyền hình “thú tội” trước các quan chức Triều Tiên và báo giới.

Warmbier đã bị giam hơn 17 tháng ở Triều Tiên. Gia đình Warmbier cho biết đã được thông báo rằng anh đã bị hôn mê ngay sau phiên tòa vào tháng 3-2016.

Các bác sĩ cho biết, Warmbier bị mất nhiều mô não, suy nhược cơ thể và co giật cơ, tay và chân. Mắt anh mở và chớp nhưng không có dấu hiệu anh nhận thức các lời nói hoặc sự vật xung quanh.

Tỉnh táo không phản ứng là một thuật ngữ y khoa mới chỉ trạng thái thực vật kéo dài. Bệnh nhân trong tình trạng này đã sống sót sau hôn mê có thể mở mắt nhưng không phản ứng. Họ có thể sống nhiều năm trong trạng thái tỉnh táo không phản ứng với cơ hội phục hồi tùy thuộc mức độ tổn thương não.

Bình Nhưỡng cho biết Warmbier đã rơi vào trạng thái hôn mê sau khi bị ngộ độc và dùng thuốc ngủ.

Các bác sĩ Mỹ cho biết không tìm thấy ở Warmbier dấu hiệu ngộ độc hoặc bằng chứng bị đánh đập.

Trong tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump gọi Triều Tiên là “chế độ hung bạo” và nói: “Rất nhiều điều tệ hại đã xảy ra, nhưng ít nhất chúng ta đã đưa anh về nhà với cha mẹ mình”.

Warmbier lớn lên ở ngoại ô Wyoming của Cincinnati, bang Ohio, tốt nghiệp xuất sắc năm 2013 tại một trường trung học tên tuổi, tham gia đội bóng đá cùng các hoạt động khác.

Học tại Trung Quốc vào năm thứ 3 đại học, Warmbier biết về các công ty du lịch Trung Quốc đưa ra các chuyến đi Triều Tiên, trong đó công ty Young Pioneer Tours mô tả là cung cấp “tour tiết kiệm tới các điểm đến mà mẹ bạn muốn bạn tránh xa”, gồm Triều Tiên, Iran, Iraq và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Warmbier bị bắt tại sân bay Bình Nhưỡng khi sắp trở về vào ngày 2-1-2016.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo công dân đến Triều Tiên. Trong khi phần lớn người Mỹ đến đó trở về không gặp sự cố, du khách có thể đột ngột bị bắt giam lâu dài vì những vi phạm có vẻ nhỏ.

Jeffrey Fowle, cũng ở bang Ohio, bị bắt giữ năm 2014 sau khi cố tình để một cuốn Kinh Thánh trong một hộp đêm, sau 6 tháng được trả tự do. Fowle nói mình bị cách ly trong phần lớn thời gian nhưng không bị hành hạ. Fowle và những người được Triều Tiên thả nói rằng họ đã bị ép buộc đưa ra lời thú tội theo hướng dẫn.

Hiện còn 3 người Mỹ đang bị Triều Tiên giam giữ, gồm Kim Hak-song, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, bị bắt vào đầu tháng 5; Tony Kim, tên Hàn Quốc là Kim Sang-duk, bị bắt ngày 22-4 tại sân bay Bình Nhưỡng, cũng là giáo sư đại học; Kim Dong-chul, người Mỹ gốc Hàn, bị kết án 10 năm tù khổ sai với tội gián điệp vào tháng 4-2016.

Chính phủ Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng những công dân Mỹ bị giam giữ như những quân bài chính trị.

Trong khi đó, Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đưa gián điệp vào nhằm lật đổ chế độ của Bình Nhưỡng.

Theo AP, vào thời điểm Warmbier được thả, một quan chức Nhà Trắng cho biết Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun đã gặp các đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên ở Na Uy trong tháng 5. Sự tham vấn trực tiếp giữa 2 chính phủ là rất hiếm vì Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Một tuần trước khi Warmbier được thả, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ở New York đã báo cho Yun biết về tình trạng của Warmbier trong một cuộc họp. Yun sau đó được phái đến Triều Tiên thăm Warmbier ngày 12-6 cùng 2 bác sĩ và đã yêu cầu Bình Nhưỡng thả Warmbier vì lý do nhân đạo.

Nguồn SGGP