Sâu bệnh diễn biến phức tạp trên lúa hè thu 2017

(THTG) Vụ lúa hè thu 2017, toàn tỉnh Tiền Giang xuống giống trên 69.000 ha, vượt 6% so với kế hoạch. Hiện phần lớn diện tích lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ, nhưng diễn biến sâu bệnh đang có chiều hướng tăng.

4

Lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng…Ảnh: Lê Long

5

…nhưng diễn biến sâu bệnh trên lúa có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Lê Long

Theo thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 5 tháng 7, toàn tỉnh có 738 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, tăng 123 ha so với tuần trước. Có gần 1.100 ha lúa bị nhiễm bệnh cháy lá, tăng 29 ha so với tuần trước, cấp bệnh từ 1 đến 5, tỷ lệ bệnh từ 5 đến 7%; có 284 ha lúa bị cháy bìa lá, tăng 134 ha so với tuần trước, cấp bệnh từ 1 đến 5, tỷ lệ bệnh từ 5 đến 7%. Đáng ngại nhất là rầy nâu, mặc dù trong tuần qua, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu giảm hơn 70 ha so với tuần trước, nhưng hiện vẫn còn gần 1.780 ha lúa nhiễm rầy, mật số trung bình 200 con/m2, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Thị xã Cai Lậy, riêng huyện Gò Công Tây mật số nhiễm rầy lên đến 400 con/m2. Bên cạnh đó, có 49 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

6

Phun thuốc trừ sâu bệnh. Ảnh: Lê Long

Hiện cán bộ kỹ thuật Chi cục bám sát đồng ruộng theo dõi diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, đồng thời tăng cường tập huấn, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và kịp thời đối tượng rầy nâu để có cách quản lý, phòng trừ hiệu quả. Đối với các diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ nhẹ đến trung bình, bà con nên nhổ bỏ những cây bị bệnh và tiếp tục chăm sóc, giúp cây khoẻ mau phục hồi trở lại. Trên những diện tích lúa nhiễm bệnh nặng không có khả năng phục hồi đề nghị tiêu huỷ để cắt đứt nguồn bệnh.

Kim Nữ