Sân khấu cải lương Việt vẫn thiếu nhân sự

Mỗi Liên hoan sân khấu cải lương gần như quanh đi quanh lại vẫn những gương mặt đạo diễn, chuyển thề, nhạc sĩ, họa sĩ… quen thuộc.

Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018 khai mạc tối 5/9 vừa qua tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật TP Tân An, Long An trong không khí hân hoan, háo hức của các nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật cải lương. Không chỉ là một cuộc Liên hoan sân khấu cải lương 3 năm/lần mà lần này còn là cuộc “tổng biểu dương lực lượng” báo cáo Tổ nghề 100 năm nghệ thuật sân khấu cài lương Việt Nam.

Tham dự Liên hoan sân khấu cải lương 2018  có 25 đoàn nghệ thuật, trong đó có 8 đoàn ngoài công lập, với 32 vở diễn gồm nhiều chủ đề và đề tài hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hưởng ứng Nghị quyết Trung ương IV khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

san khau cai luong viet van thieu nhan su hinh 1
Cảnh trong vở “Cuộc đời của mẹ” – Đoàn cải lương Long An.

Trong số 32 vở diễn, số vở mang đề tài đương đại, hậu chiến, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, chủ quyền biển đảo chiếm gần một nửa. Số còn lại là các vở mang đề tài lịch sử dựng nước giữ nước của cha ông, về gìn giữ di sản văn hóa dân tộc….

Đặc biệt số vở cũ dựng lại hay chuyển từ sân khấu kịch nói sang cải lương rất ít. 32 vở, hơn một nửa là vở hoàn toàn mới, có vở diễn mới sáng tác dành riêng cho Liên hoan sân khấu cải lương 2018 như của Đoàn Cải lương Hải Phòng vở Thất lạc giữa gia đình, Nhà hát Thế Giới Trẻ – Đại học Sân khấu Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh vở Tổ quốc nơi cuối con đường … Nhiều vở diễn của các đoàn cũng đã được thử thách, biểu diễn từ 1- 3 năm nay trên sân khấu cải lương của chính các đoàn.

Điểm mới của Liên hoan sân khấu cải lương 2018 là đã thấy lấp lánh gương mặt nghệ sĩ trẻ, không chỉ trẻ ở các diễn viên vai chính mà còn trẻ trong đội ngũ đạo diễn, biên kịch, chuyển thể cải lương, họa sĩ, âm nhạc…

san khau cai luong viet van thieu nhan su hinh 2
Vở cải lương “Ngạ Quỷ” – Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Đặc biệt, có một gương mặt họa sĩ thiết kế sân khấu rất trẻ, mới tinh, mới “chào” sân khấu Việt khoảng nửa năm nay, họa sĩ Trần Hồng Vân, riêng trong Liên hoan sân khấu cải lương 2018, cô đã tham gia 8 vở cho các đoàn từ miền Tây Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, đến các đoàn phía Bắc: Hồi sinh, Hồn của đá, Thất lạc giữa gia đình, Những con sóng vô hình, Hiu hiu gió bấc, Tình yêu thời chiến, Mùa xuân bất tận, Cuộc chiến thời bình.

Nhưng cũng chính sự lấp lánh đến rực rỡ của cô họa sĩ, một mình “chơi” 8 vở của các đoàn từ Bắc vào Nam, có thể “nhìn” thấy rõ sự thiếu hụt nhân sự ở những khâu chủ chốt của vở diễn, ngoài thành phần diễn viên thì đạo diễn, chuyển thể cải lương, họa sĩ, nhạc sĩ…vẫn là những tên NSND, NSƯT quen thuộc hàng mấy chục năm nay của sân khấu cải lương phía Nam, hay khoảng 10 năm trở lại đây của sân khấu cải lương phía Bắc.

Những họa sĩ đã thành danh của sân khấu cải lương Việt Nam, gần như góp mặt trong Liên hoan sân khấu cải lương lần này, người ít thì cũng 2 vở, 3 vở, nhiều hơn chút thì 4 vở, 5 vở. Như Họa sĩ – NSND Doãn Bằng thiết kế sân khấu cho 5 vở: Chiếc áo thiên nga,  Ngạ Quỷ, Trống trận Ba Đình, Phù sa đỏ, Cuộc đời của mẹ.

san khau cai luong viet van thieu nhan su hinh 3
Cảnh trong vở cải lương “Hiu hiu gió bấc”.

Họa sĩ Lê Văn Định với 4 vở: Người đồng bằng, Tổ quốc cuối con đường, Bão dậy trời Long Hưng, Nỗi niềm sau cuộc chiến. NSND Phan Phan có 3 vở: Ngày đó họ đều còn trẻ, Cánh buồm ngược gió, Bến đợi. Họa sĩ Văn Tòng cũng có 3 vở: Rạng ngọc Côn Sơn, Thái hậu Dương Vân Nga, Lối về.  Còn lại thì gần như cứ 2 vở có một họa sĩ, chỉ có vài họa sĩ làm duy nhất 1 vở.

Không thể không công nhận tài năng của NSND – Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, nhưng mình ông phải đảm đương 5 vở cho  5 đoàn cải lương: Tình yêu thời chiến – Đoàn cải lương Trần Hữu Trang, Cánh buồm ngược gió – Nhà hát Tây Đô, Những con sóng vô hình – Hội NSSK TP Hồ Chí Minh, Bão dậy trời Long Hưng – Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, Hồi sinh – Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, thì có chắc tất cả đều hoàn hảo? Và nếu lỡ ông “hụt hơi” hay “yếu tay” ở một vở của một đoàn nào, thì liệu đó có phải là sự tiếc nuối hay chút thua thiệt trong cuộc biểu dương 3 năm/ lần của sân khấu cải lương Việt?

Ngoài ra có một số đạo diễn “mát tay”, đang là  những cái tên “hot” của sân khấu cải lương cũng đảm đương 3 vở trong Liên hoan sân khấu cải lương 2018 này. Như NSND- Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Bến nước Ngũ Bồ- Đoàn Cải lương Nam Định, Kiếp tằm – Đoàn Cải lương Quảng Ninh, Chiéc áo thiên nga – Nhà hát Cải lương Việt Nam.

NSND – Đạo diễn Giang Mạnh Hà vươn ra cả phía Bắc: Anh hùng di hận – Đoàn nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, Ảo mộng đế vương – Đoàn cải lương Thái Bình, Thất trảm sớ – Nhà hát cải lương Hà Nội.

NSƯT – Đạo diễn Triệu Trung Kiên là một cái tên trong 5 năm năm trở lại đây nổi danh với một loạt vở cải lương có chất lương cao, hút khán giả, đặc biệt anh vừa thành công trong vở cải lương Thầy Ba Đợi – Kịch bản Phó Gs – Ts Nguyễn Thế Kỷ, tập hợp các nghệ sĩ tài danh ba miền Nam- Trung- Bắc được dư luận công chúng và giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao.

Trong Liên hoan sân khấu cải lương 2018 này, anh cũng làm đạo diễn cho 3 vở, ở 3 miền Nam – Trung- Bắc: Cuộc đời của mẹ – Đoàn cải lương Long An, Trống trận Ba Đình – Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Ngạ Quỷ – Nhà hát cải lương Việt Nam. Ngoài ra anh còn là tác giả chuyển thề cho 2 vở cải lương tham gia Liên hoan sân khấu cải lương 2018.

Cũng như nhìn vào tác giả chuyển thể, cái tên soan giả Hoàng Song Việt đã quá quen thuộc hàng mấy chục năm nay không chỉ trong giới sân khấu cải lương mà tói công chúng cũng biết mặt biết tên, và trong Liên hoan sân khấu cải lương 2018 này, mình ông cũng “ôm” hết 6 vở: Hiu hiu gió bấc, Ngày đó họ đều còn trẻ, Ngạ Quỷ, Tổ quốc nơi cuối con đường, Cuộc đời của mẹ, Thành phố buổi bình minh.

Trong âm nhạc cũng thế, NSƯT Hồ Văn Thành “sở hữu” 5 vở trong Liên hoan sân khấu cải lương 2018: Thành phố buổi bình minh, Hồi sinh, Bão dậy trời Long Hưng, Những con sóng vô hình, Ngày đó họ đều còn trẻ. Nhạc sĩ Thanh Dũng cũng là tác giả phần nhạc trong 5 vở: Mùa xuân bất tận, Cuộc chiến thời bình, Người đồng bằng, Tổ quốc nơi cuối con đường, Thái hậu Dương Vân Nga.

Ít hơn một chút là NSND Hoàng Anh Tú là tác giả phần âm nhạc trong 4 vở: Chiếc áo thiên nga, Ngạ Quỷ, Bến nước Ngũ Bồ, Kiếp tằm. NSND Thanh Hải cũng “sở hữu” phần âm nhạc trong 3 vở: Tổ quốc nơi cuối con đường, Lối về, Cuộc đời của mẹ…

san khau cai luong viet van thieu nhan su hinh 4
Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018.

Thiếu hụt nhân sự trong nghệ thuật sân khấu cải lương đã tồn tại từ mấy chục năm nay. Mỗi Liên hoan sân khấu cải lương gần như quanh đi quanh lại vẫn những gương mặt đạo diễn, chuyển thề, nhạc sĩ, họa sĩ… quen thuộc. Nhân tố trẻ rất hiếm, mà thường hao hụt rơi rụng, chỉ “đậu” lại một vài mùa, vài năm, rồi cũng bỏ nghề.

Không phủ nhận tài năng của các nghệ sĩ, cũng như việc vì yêu nghề, say nghề, nên các nghệ sĩ “rút ruột” để làm nghề, nhưng cứ mỗi mùa Liên hoan sân khấu cải lương lại vẫn chỉ có chừng ấy tên tuổi, mà họ thì quá quen thuộc “chiêu trò”, “bài bản” của nhau, thì việc “thi đấu” cũng giảm đi phần nào sự thú vị đối với công chúng yêu nghệ thuật sân khấu cải lương.

Mong sao sau Liên hoan sân khấu cải lương 2018 này, 3 năm nữa, Liên hoan sân khấu cải lương 2021 sẽ có rất nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ làm đạo diễn, chuyển thể, nhạc sĩ, họa sĩ…, để nghệ thuật cải lương là một di sản trăm năm thực sự tỏa sáng trong đời sống văn há nghệ thuật của Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao HC Vàng, Bạc cho các vở diễn có chất lượng nội dung, nghệ thuật cao; HC Vàng, Bạc cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn; Giải thưởng Xuất sắc nhất cho 01 tác giả, 01 đạo diễn, 01 nhạc sĩ, 01 họa sĩ có những sáng tạo xuất sắc trong các vở diễn tham dự Liên hoan và 01 giải thưởng Xuất sắc nhất cho 01 đạo diễn trẻ có tuổi đời không quá 35 (tính đến ngày 31/12/2018).
Nguồn VOV