Rực rỡ sắc màu Tây Nguyên tại Lễ hội đường phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)

Ngày 10/3,  tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Lễ hội đường phố – một hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đang được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 8 – 13/3/2017. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 42 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (10/3/1975 – 10/3/2017).

Tham gia Lễ hội đường phố có hơn 3.000 diễn viên, nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân… Với trang phục giàu sắc màu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bắt đầu từ Ngã Sáu TP.Buôn Ma Thuột, đoàn diễu hành và biểu diễn nghệ thuật đã khởi hành tiến về các ngả đường chính trong nội ô TP. Buôn Ma Thuột như: đường Nguyễn Tất Thành, đường Trần Hưng Đạo, đường Trường Chinh, đường Phạm Hồng Thái, đường Lê Duẩn… và kết thúc tại Quảng trường 10/3.

Các hoạt động của Lễ hội đường phố lần này tại Buôn Ma Thuột theo đánh giá của người dân và du khách là khá phong phú, đa dạng, mang đậm sắc màu Tây Nguyên; góp phần kết nối tình cảm, văn hoá giữa người dân bản xứ với du khách gần xa, đồng thời tôn vinh nghề trồng và sản xuất, chế biến cà phê cũng như truyền thống văn hoá Tây Nguyên, nhất là Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội:

Hơn 1.000 diễn viên của các đoàn nghệ thuật dân gian tại Đắk Lắk và Tây Nguyên đã tham gia biểu diễn
tại nhiều tuyến đường trong nội ô TP. Buôn Ma Thuột.

Những trường ca, hùng ca Tây Nguyên 
 được thể hiện ngay trên đường phố thu hút sự quan tâm của du khách.

 

Sau các tiết mục nghệ thuật, các đoàn tuần hành
mang thông điệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên tiến về các ngả đường.

 

Kế sau là 15 đội cồng chiêng của các buôn, làng, xã, phường…
đến từ các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Đắk Lắk.

 

Mỗi đoàn tuỳ theo văn hoá truyền thống của buôn, làng mình
mà đi cùng với cồng chiêng còn có các nhạc cụ dân gian đi cùng…

 

Tiếng chiêng, tiếng cồng không xa lạ với đồng bào Tây Nguyên,
nhưng với nhiều du khách, sức hấp dẫn và cuốn hút của nó rất lạ thường.

 

Cồng chiêng không chỉ dành cho nam giới mà phụ nữ các dân tộc ở Tây Nguyên cũng sử dụng.

 

Hoà cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, đồng bào múa hát
trên khắp mọi ngả đường mà đoàn diễu hành đi qua.

 

Ngoài  cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung như Quảng Nam,
Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên… lễ hội năm nay còn có sự tham gia của một số đoàn
 nghệ thuật dân gian đến các nước Lào, Hàn Quốc, Romani….

 

Và  không thể thiếu những chú voi đến từ các buôn làng Tây Nguyên.
Nugồn ĐCSVN