Quyết liệt hành động ngay từ ngày đầu tiên

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01, thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, hành động ngay từ ngày đầu, tháng đầu.

Chinh phu

Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. – Ảnh: VGP

Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã được tập trung xây dựng ngay từ cuối năm 2017 dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng.

Quan điểm xây dựng Nghị quyết là ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên; không đưa công việc thường xuyên thuộc chức năng của của bộ, ngành vào dự thảo Nghị quyết. Những nội dung đã đưa vào các nghị quyết khác thì không đưa vào Nghị quyết này.

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, các bộ ngành phải tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng đã yêu cầu ngay trong chiều 29/12/2017 hoặc muộn nhất là đầu tháng 1/2018, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, bởi quan trọng là “chủ trương 1, biện pháp 10”, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

“Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình”, Thủ tướng nêu rõ.

Nay, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết 01 đã nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và 242 nhiệm vụ cụ thể. Với từng công việc cụ thể, Nghị quyết cũng nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành.

Nghị quyết cũng yêu cầu sau 10 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết, các bộ ngành, địa phương phải triển khai xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, chỉ thị cụ thể; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của  năm 2018. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao.

Trao đổi với báo chí về phương châm hành động được Chính phủ nêu ra trong Nghị quyết 01: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm 2018, Chính phủ tiếp tục đặt vấn đề kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên chuyển dưới chưa chuyển hay chỗ nào đó còn tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tỷ lệ cán bộ công chức hạn chế về năng lực.

“Thủ tướng đã yêu cầu siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm sẽ bị thay thế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Chính phủ cũng yêu cầu phải tranh thủ thời cơ, thách thức, tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững, tạo ra chuyển động toàn bộ hệ thống, lấy hiệu quả làm thước đo cho hoạt động.

“Phải có sự đồng bộ giữa nói và làm, đã làm thì phải sáng tạo, quyết liệt cốt sao đạt hiệu quả cao nhất chứ không cứng nhắc. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống sáng tạo và sáng tạo hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi; phải làm sao để sử dụng nguồn lực ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu chúng ta hành động quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tạo được động lực, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục được những tồn tại, thì chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ của 2018 với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% như Quốc hội đã đặt ra. Và quan trọng là tăng trưởng bền vững, chất lượng.

Còn theo TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, năm 2018 phải là năm bản lề thay đổi chất lượng tăng trưởng. Trong nhiều năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, lao động, tốc độ tăng năng suất trong 10 năm qua có xu hướng giảm sút. Tuy năm 2017 đã chuyển biến với việc năng suất lao động tăng 5,87%, nhưng theo ông Ngoạn, “chừng đó chưa đủ và trong những năm tới đây theo tính toán của chúng tôi, tăng năng suất lao động phải đạt 6,2-6,3% mỗi năm”.

Do đó, TS Vũ Viết Ngoạn đề nghị trong năm 2018, phải làm sao để cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và cả các doanh nghiệp nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động, từng doanh nghiệp phải có chiến lược thay đổi để nâng năng suất, nhất là trước cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy nhiều nước đi sau có thể vượt lên được, liệu Việt Nam tận dụng được cơ hội, lợi thế của người đi sau trong lĩnh vực công nghệ? Đây là một câu hỏi lớn và nếu làm được điều này thì chúng ta còn không gian rất lớn để tạo động lực tăng trưởng mới cho năm 2018 trên nền tảng tăng năng suất lao động. 2018 sẽ là một năm bản lề để thực hiện mong muốn đó”, TS Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Bày tỏ tin tưởng GDP sẽ đạt mức 6,7% trong năm nay, TS Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng 2018 phải là năm bản lề thay đổi chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng của năm 2017 cũng đã có chuyển biến nhưng tới 2018 phải tạo thành xu hướng, tạo bước ngoặt để đáp ứng kỳ vọng mà Đại hội Đảng đã đề ra là đổi môi hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ đặt mục tiêu giảm 1,7% biên chế công chức; 2,5% biên chế sự nghiệp

Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm 2018.

Trong Nghị quyết này Chính phủ xác định rõ: Nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.

Triển khai mạnh mẽ kiện toàn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ

Cụ thể, tiếp tục triển khai mạnh mẽ và toàn diện cải cách hành chính. Tập trung xây dựng, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trọng tâm là nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách tiền lương; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục…. Hoàn thiện tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.

Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao.

Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo động lực và áp lực, chuyển biến thái độ xử lý gắn với trách nhiệm chính trị trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.

Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.

Đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc

Đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tăng cường họp trực tuyến và tin học hóa các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính trong các cơ quan hành chính, trước hết là ở các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm an toàn, có phương án ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin, an ninh mạng.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; phấn đấu nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phối hợp với các cơ quan đánh giá của Liên Hợp Quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam.

Nguồn Chính phủ