- Nông dân Tân Phước phấn khởi do giá khóm ở mức cao, từ 7.000đ- 9.000/ký. - Giá USD liên tục tăng kịch trần, NHNN sẵn sàng can thiệp. - Vụ ‘tịnh thất Bồng Lai’: Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm tội loạn luân. - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách. - Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc cho bệnh mạn tính 60 ngày/lần. - Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi 43 ha rừng làm đường ven biển - Tổ chức Y tế Thế giới WHO sơ tuyển vaccine tả Euvichol-S vào ngày 19/4, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine. - Đề nghị khai trừ Đảng cựu bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. - Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổ chức phiên đấu thầu vàng vào ngày 22-4. - TP Cần Thơ: Sụt lún kho lương thực, ước thiệt hại 10 tỷ đồng. - Bí thư Quận 8 làm Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM...

Quy hoạch điện phải vì lợi ích của cả nước

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW; ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện khí

Ngày 15-4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Đăng ký gấp khoảng 3,5 lần

Ngày 8-10-2021, Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII. Với dự thảo quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, trên cơ sở cập nhật những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. “Nếu đưa vào quy hoạch nhiều quá thì sau này sẽ gây lãng phí, hiệu quả khai thác của các nhà máy sẽ thấp. Ví dụ sản xuất điện ra với giá thành thấp nhưng vận chuyển xa thì dẫn tới hao hụt, cộng thêm chi phí đường dây hoặc rủi ro khi có sự cố như thiên tai” – Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Quy hoạch điện phải vì lợi ích của cả nước - Ảnh 1.

Hội nghị về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Đức Tuân

Phó Thủ tướng cho biết nhiều dự án đã có trong Quy hoạch điện VI và Quy hoạch điện VII điều chỉnh phải rà soát, loại ra ngoài. Nếu đưa vào quy hoạch những cái cũ, không hợp lý thì không còn chỗ cho những cái mới, không khắc phục được các tồn tại nêu trên. Một số dự án đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII đã trình vào tháng 3-2021 nhưng chưa phù hợp cũng cần tính toán để đưa ra ngoài.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý một vấn đề là nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, các địa phương rất lớn. Đến năm 2030 đăng ký quy hoạch khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia năm 2030. Tuy nhiên, với tinh thần “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”, bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

Trình Thủ tướng trong tháng 4-2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nhưng cũng tính đến tổng thể cả nước để bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng, hạn chế truyền tải điện đi xa để giảm giá thành chung, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong quy hoạch, dự phòng nguồn điện cho khu vực miền Trung vẫn để ở mức lớn nhất với các lý do: lợi thế phát triển điện trong khu vực rất tốt (gồm điện gió, điện mặt trời) và các địa phương trong khu vực còn khó khăn nên cần ưu tiên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia. Trong khi đó, cách tiếp cận của Bộ Công Thương theo phương pháp tổng thể, vừa từ dưới lên – nghĩa là quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và vừa từ trên xuống – nghĩa là cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, cân đối vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã khắc phục được một số tồn tại của Quy hoạch điện VII, điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII đã trình tháng 3-2021. Đến nay, cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu. Theo đó, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trình ngày 26-3-2021.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để thông qua Hội đồng Thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trong tháng 4-2022.

Sử dụng các nguồn điện sạch

Quy hoạch điện VIII giảm quy mô đầu tư gần 2 triệu tỉ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000 MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỉ đồng.

Nguồn điện được bố trí hài hòa, bảo đảm phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn. Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, bảo đảm các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.

Nguồn: NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*