Quy hoạch chi tiết Bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Bộ Xây dựng ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500).

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Khu vực lập Quy hoạch thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, diện tích 18,353ha, bao gồm 2 khu: Khu Thành cổ Hà Nội và Khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Quy hoạch có định hướng tổng thể nhằm kết nối các di sản, di tích, kiến trúc trong không gian cảnh quan chung, phù hợp với tính chất của khu vực có di sản, di tích, tổ chức trưng bày hiện vật và di chỉ khảo cổ học, bố trí các khu vực chức năng phụ trợ phục vụ công tác quản lý Khu di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình và các khu vực xung quanh.

Theo Quyết định, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phân nhóm các di tích, công trình kiến trúc theo giá trị và tính chất để đề xuất các giải pháp bảo tồn, ứng xử, gồm: Nhóm các công trình di tích lịch sử – văn hóa bao gồm các công trình, nhóm các di tích, công trình kiến trúc lịch sử cách mạng, nhóm công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc và các giai đoạn sau, các công trình tạm, không có giá trị, nhà cấp 4 mới được xây dựng sau này không thuộc diện công trình cần bảo tồn, tôn tạo.

Bộ Xây dựng yêu cầu bảo vệ và giữ lại các cây xanh lâu năm hiện trạng trong phạm vi Khu di tích, bổ sung cây xanh phù hợp với di tích, thay thế cây bị mối mọt, không an toàn, có khả năng bị gãy đổ. Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung cây mới phải có thiết kế xác định vị trí, chủng loại, kích cỡ, tính chất của chủng loại cây…

Quy hoạch hạ tầng giao thông khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích với hệ thống hạ tầng chung Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình – Hà Nội. Các tuyến đường Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương đều sử dụng để tiếp cận Khu di tích. Sân đường nội bộ được quy hoạch trên cơ sở nâng cấp các tuyến đường hiện trạng, khai thông các lối đi qua Cổng Hành Cung, mở các lối đi trên trục chính để kết nối các điểm di tích quan trọng từ Kỳ Đài đến Bắc Môn.

Các điểm đỗ, đón, trả khách tham quan được bố trí phù hợp theo chương trình tổ chức sự kiện trong năm và ngày thường.

Bộ Xây dựng yêu cầu việc triển khai đầu tư xây dựng phải có các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu như: Phải có công nghệ thi công, biện pháp và tổ chức thi công được duyệt, không cho phép ảnh hưởng tới các di tích và các di chỉ khảo cổ, các giải pháp giảm thiểu độ rung, tiếng ồn, khói bụi, rác thải phát sinh trong quá trình thi công, chống ô nhiễm từ chất thải rắn, không khí, nguồn nước. Đồng thời, phải lắp đặt các điểm quan trắc môi trường tại các điểm di tích và các di chỉ khảo cổ học nhằm quan sát, đánh giá các biến động trong quá trình vận hành quản lý khu di tích.

Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch. UBND Thành phố Hà Nội tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch theo quy định hiện hành, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy hoạch và chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố phối hợp với Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguồn Chính phủ