Quốc tế nói về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông

Báo chí quốc tế cho rằng hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông là cách hành xử nguy hiểm; việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam là hành động khiến căng thẳng trong khu vực tăng cao.

Ngày 7/5, hầu hết các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP (Mỹ), Reuters (Mỹ), AFP (Pháp), NHK (Nhật Bản), DPA (Đức)… đều đăng tải thông tin về cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo này, các đại diện của các hãng tin trên cũng đặt nhiều câu hỏi với Bộ Ngoại giao về hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Hãng tin AP nhận định, hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ khiến tình trạng căng thẳng ở khu vực leo thang hơn nữa. AP cũng cho rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu trên vùng biển Việt Nam là một trong những hành động khiêu khích nhất của nước này. AP cho rằng: “Hành động bành trướng cùng với sự phát triển về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng cần duy trì mối quan hệ cởi mở với một đối tác kinh tế quan trọng”.

AP dẫn lời ông Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại trường Đại học Hồng Kông, cho biết: “Trung Quốc dường như đang cố tình góp mặt trong vùng biển tranh chấp và buộc Hà Nội phải phản ứng. Những hành động của Trung Quốc xuất hiện tại thời điểm quan trọng… Chính sách của Trung Quốc, mà theo tất cả mọi người, trừ Trung Quốc, là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình trạng căng thẳng này”.



Tàu Trung Quốc (trái) phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: AP

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, cho rằng hành động của Trung Quốc mang tính khiêu khích và không giúp ích gì cho việc duy trì hòa bình cũng như ổn định trong khu vực. Reuters cũng cho rằng, Trung Quốc có “mưu toan chính trị khi đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông”.

Reuters dẫn lời một quan chức ngành công nghiệp dầu ở Trung Quốc đề nghị giấu tên cho rằng việc triển khai các giàn khoan ở Biển Đông dường như là một quyết định chính trị.

“Sự việc lần này phản ánh ý chí của chính quyền trung ương (Trung Quốc) và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ đối với châu Á”, vị quan chức giấu tên cho biết, “Đó không phải là vì thương mại. Nó cũng không giống với việc Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã lên kế hoạch chi tiết cho một chương trình thăm dò lớn trong khu vực (Biển Đông)”.

Hãng tin Bloomberg cũng đưa tin, sự cố giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc xảy ra là do hành động hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng từ Việt Nam đến Nhật Bản.

Đồng quan điểm với AP, hãng tin USA Today bình luận, hành động bành trướng cùng với sự phát triển về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng cần duy trì mối quan hệ cởi mở với một đối tác kinh tế quan trọng.

Hãng USA Today nói thêm, Việt Nam không thể đủ khả năng đối đầu với Bắc Kinh về quân sự nhưng có thể nhận được sự giúp đỡ từ các cường quốc trên thế giới để đối phó với quốc gia này.

BBC, CNN và nhiều hãng tin khác trích dẫn các bài phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban biên giới quốc gia, Cảnh sát biển Việt Nam tại buổi họp báo chiều 7/5 nhưng không đưa thêm bình luận gì.

Trong khi đó, đại diện của hãng NHK (Nhật Bản) tại cuộc họp báo đặt câu hỏi quan tâm về việc thực tế hiện nay Trung Quốc đã khoan thăm dò hay chưa và nếu Trung Quốc không rút thì Việt Nam sẽ có hành động gì tiếp theo?

Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Ngọc Thu (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết: “Cho đến thời điểm này giàn khoan 981 đã được định vị ở các vị trí như đã xác định trên bản đồ. Hiện nay, sau định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.

Như chúng tôi đã khẳng định Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan. Hiện nay và sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì trao đổi với TQ để xử lý các vấn đề ở Biển Đông.

Nhưng một lần nữa, tôi khẳng định với các bạn rằng vì các quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi ở Biển Đông, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình quy định bởi Luật Biển, bởi Luật Pháp quốc tế cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam”.

Hãng thông tấn hàng đầu của Singapore, Straits Times, dẫn lời tiến sỹ Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho hay, việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mở ra “một kịch bản vô cùng nguy hiểm”. Bên cạnh đó, ông Storey cũng cho rằng Việt Nam cần phải có phản ứng trước những thách thức đối với chủ quyền của mình và khi Việt Nam hành động, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng.

Trước đó, trong tuyên bố trả lời báo chí về phản ứng của Singapore trước thông tin có nhiều sự cố xảy ra tại Biển Đông, đặc biệt là các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại trước những động thái làm leo thang căng thẳng gần đây tại Biển Đông đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)./.

Nguồn Tổ quốc