Quốc hội thảo luận về an toàn thực phẩm

Hôm nay, ngày 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang): Cho rằng đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Thời gian qua tuy đã có những chuyển biến, song tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận, theo kết quả điều tra của Văn phòng Quốc hội chỉ 10% người được hỏi rất yên tâm với sử dụng thực phẩm hằng ngày,… Đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế về quản lý an toàn thực phẩm.

Đại biểu đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm… thiết lập đường dây nóng với những số dễ nhớ về an toàn thực phẩm; nghiêm túc xem xét tiêu chí an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong công nhận nông thôn mới; đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào hương ước để loại bỏ tình trang “mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng trại”…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình):

8.00′: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Điểm lại những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm như: Đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực; công tác ngăn chặn thực phẩm bẩn, ngăn chặn dịch bệnh từ sử dụng thực phẩm không an toàn; quản lý an toàn thực phẩm đối với rau; thuốc bảo vệ thực vật; giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm; kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm…

Chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo nêu các giải pháp, kiến nghị: Về chính sách và cơ chế; về tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; xã hội hóa một số khâu dịch vụ quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm;…

Chúng ta đã làm gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn?

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh): Trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cần đánh giá được 2 vấn đề, đó là chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn và khuyến khích thực phẩm sạch?

Xét trong hệ thống pháp luật hiện hành, chúng ta đã quy định tương đối đầy đủ, nhưng việc áp dụng trong thực tiễn còn khó khăn. Đơn cử, chúng ta quản lý ATTP bằng cách chia nhóm ngành hàng quản lý theo 3 Bộ (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN – PTNT), nhưng sự phối hợp quản lý giữa 3 Bộ này chưa chặt chẽ. Đáng lưu ý, việc phát hiện các vụ việc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu và kém.

Chúng ta đã có lực lượng thanh tra, kiểm tra, nhưng mới chủ yếu kiểm tra xem cơ sở này, đơn vị kia có giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP hay không, mà chưa chú trọng làm rõ có vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Điều này dẫn đến nhiều sự vụ lớn, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bị lọt lưới.

Rõ ràng, để nắm bắt được vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống, một năm vài lần là xong mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng, chứ cứ như cách làm hiện nay thì rất khó có hiệu quả.

Bên cạnh thanh tra, cũng cần phát huy tốt vai trò của người dân trong phát hiện các vụ việc, cơ sở không bảo đảm ATTP. Phải làm sao để cá nhân, tổ chức nào mới manh nha ý định sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn nhằm thu lợi bất chính thôi đã phải ý thức được rằng họ đang đối mặt với tai mắt của nhân dân, với hệ thống kiểm tra, hậu kiểm chặt chẽ.

Sau khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP thì lực lượng kiểm tra, hậu kiểm phải xem xét, đánh giá những cơ sở này có tuân thủ đúng quy trình sản xuất kinh doanh ATTP không. Hậu kiểm phải có mặt thường xuyên trên địa bàn, trên hiện trường, kiểm tra từng bước một như một sự nhắc nhở đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu phát hiện ra cơ sở nào tái phạm, có vi phạm lớn thì phải xử nghiêm khắc để làm gương. Nếu lực lượng kiểm tra, hậu kiểm cứ đi lẻ tẻ, chỉ kiểm tra hồ sơ, giấy tờ e là sẽ không bao giờ thấy vi phạm.

Đại biểu cho biết: Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thành lập Ban Quản lý ATTP. TP Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi, là nơi tập trung những phòng thí nghiệm trọng điểm, có điều kiện kiểm nghiệm thực phẩm khá tốt. Nhưng các phòng thí nghiệm này cũng còn thiếu sự phối hợp. Mỗi phòng thí nghiệm lại trực thuộc một cơ quan khác nhau.

TP đã đề nghị các phòng thí nghiệm này sau khi kiểm nghiệm ATTP sẽ thông báo kết quả về Ban Quản lý ATTP, làm cơ sở để phân tích, tổng hợp xem nguy cơ về mất ATTP đang nằm ở đâu; mùa nào, thời điểm nào sẽ có loại vi phạm nào để tập trung kiểm tra. Thực tế bắt giữ và xử lý vi phạm ATTP cũng như một trận đánh vậy, quân thì ít, nên phải có trọng tâm, trọng điểm, tìm đủ chứng cứ, kiểm nghiệm theo quy trình, nếu phạt sai thì chính lực lượng kiểm tra sẽ bị khởi kiện và phải chịu trách nhiệm.

Đối với thực phẩm tươi sống, khó có thể áp dụng hình thức kiểm nghiệm, bởi phải chờ sau 3 – 4 ngày mới có kết quả. Vậy làm sao người dân còn kinh doanh được nữa, sao bán được hàng? Vì vậy, phải có test nhanh và xét nghiệm nhanh. Trước hết, TP Hồ Chí Minh sẽ chú trọng kiểm tra ATTP ở các chợ đầu mối. Từ chợ đầu mối, thực phẩm sẽ được chuyển đến các chợ truyền thống trên địa bàn. Với lực lượng hiện có, chúng tôi thực hiện trực 24/24 giờ, chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Có ý kiến cho rằng, cần nâng mức phạt để bảo đảm tính răn đe, hạn chế xảy ra vi phạm ATTP. Đại biểu cho rằng, biện pháp tăng mức phạt đánh vào kinh tế cũng khá hữu hiệu, nhưng không phải giải pháp tối ưu. Chúng ta chỉ xử phạt được với những đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn, còn những người buôn bán thức ăn đường phố thì thế nào? Quan trọng là xử phạt xong, sau đó có theo dõi, kiểm tra để biết các cơ sở này có tái phạm nữa hay không? Luật cũng đã có quy định, tái phạm thì hình thức xử phạt sẽ nặng hơn. Cần hơn nữa là phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết cơ sở nào vi phạm. Tăng cường lực lượng thường trực về ATTP ở các quận, huyện, các chợ đầu mối, kiểm tra nhắc nhở ngay khi thấy có nguy cơ xảy ra vụ việc lớn. Trường hợp, có vụ việc lớn, chắc chắn phải phối hợp với lực lượng công an để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

Quyết liệt hơn nữa trong quản lý ATTP

Có thể nói, không có lĩnh vực nào mà vấn đề quản lý nhà nước lại tác động trực tiếp, thường xuyên và nóng bỏng như an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là lĩnh vực liên quan mật thiết đến sức khỏe, sinh mạng, tuổi thọ, giống nòi… do nhiều cơ quan cùng quản lý theo tiêu chí của sản xuất, kinh doanh, lưu thông, bảo quản và cuối cùng là đến người tiêu dùng.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn ở nhiều nơi.

Các bộ, ngành có liên quan đến nay vẫn chưa ban hành đủ các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Cử tri và Nhân dân kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giám sát về an toàn thực phẩm; kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ban hành các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với cá nhân, cơ sở vi phạm; nâng cao nhận thức của nguời sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo cơ sở để thực hiện và giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đề nghị chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.

Nguồn Chính phủ