Phòng chống trộm tiền qua thẻ ATM: Chưa có giải pháp căn cơ

Đã có rất nhiều chủ thẻ bị bốc hơi số tiền hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng trong tài khoản một cách bí ẩn.

Các ngân hàng cần lắp đặt phần mềm và thiết bị Anti - Skimming tại các máy ATM để bảo vệ khách hàng

Các ngân hàng cần lắp đặt phần mềm và thiết bị Anti – Skimming tại các máy ATM để bảo vệ khách hàng

Bằng một loại thiết bị tinh vi, nhiều đối tượng, băng nhóm người nước ngoài đã sử dụng thẻ giả để rút trộm tiền trong máy ATM, hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua các hình thức mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ và quẹt thẻ thanh toán… Với thủ đoạn này, thời gian qua, kẻ gian đã “khoét két” rất nhiều tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, lấy đi những số tiền “khủng” – hàng trăm triệu đến hàng chục

tỷ đồng.
Tiền tỷ “bốc hơi” do… thẻ giả
Được một đối tượng cầm đầu người Trung Quốc trao 110 thẻ ATM giả và hướng dẫn kỹ cách thức, thủ đoạn trộm tiền, ngày 20-4-2017, 3 đối tượng gồm Zhu Hai Rong (40 tuổi), Qiu Shui Bing (41 tuổi) và Zhong Jian Hua (37 tuổi, đều quê tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ. Trong 3 ngày 21, 22 và 23-4, các đối tượng này đã dùng thẻ giả đến các trụ ATM trên địa bàn thành phố Hà Nội rút trộm tổng cộng 10.000 Nhân dân tệ (khoảng 320 triệu đồng tiền Việt Nam). Trong lần rút cuối vào ngày 23-4 tại một trụ ATM ở huyện Nam Từ Liêm, hành vi phạm tội của 3 đối tượng người nước ngoài đã bị các lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện, bắt giữ.
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an, chỉ trong 2 năm gần đây, đơn vị này đã phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ trộm tiền trong tài khoản ngân hàng với thủ đoạn tương tự. Số tiền kẻ trộm lấy được trong mỗi vụ dao động từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, thậm chí có vụ lên đến hàng chục tỷ đồng. C50 cho biết, qua công tác điều tra, truy xét các vụ trộm tiền bằng thẻ ngân hàng giả cho thấy hầu hết kẻ trộm đều có quốc tịch nước ngoài. Các đối tượng này sau khi nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng một loại thiết bị công nghệ hiện đại để lấy cắp thông tin của người dùng thẻ, thiết bị có tên gọi là Skimming.
“Thủ đoạn của bọn chúng là gắn thiết bị Skimming vào trong một khung nhựa, rồi dán khung nhựa này ở phía ngoài khe nhận thẻ của các máy ATM. Khi người dùng đưa thẻ vào máy ATM rút tiền, thiết bị sao chép sẽ ghi lại thông tin tài khoản cập nhật trong thẻ (họ tên chủ thẻ, mã số thẻ, số dư tài khoản…).  Tương tự, với chiêu thức này, bọn chúng cũng sẽ lấy được mật khẩu (password) của thẻ khi đặt thiết bị sao chép ở phía trên bàn phím của máy ATM. Có thông tin đầy đủ của tài khoản, các đối tượng sẽ in thông tin lên thẻ từ giả và đến các máy ATM khác rút trộm tiền”, một cán bộ điều tra của C50 cho biết.
Bên cạnh việc sử dụng thẻ giả rút trộm tiền từ các máy ATM, để hạn chế sự theo dõi của lực lượng chức năng, kẻ gian còn sử dụng thẻ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hình thức mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ rồi quẹt thẻ. Mới đây, đối tượng Leong Sanvoon (30 tuổi, quốc tịch Malaysia) đến cửa hàng Dior nằm trên đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) mua quần áo. Tại đây, đối tượng chọn mua những bộ trang phục có giá trị cao (hơn 30 triệu đồng) và đưa thẻ giả để thanh toán. Trong lúc quẹt thẻ, nhân viên cửa hàng phát hiện đối tượng có biểu hiện không bình thường nên đã điện báo công an. Tại trụ sở công an, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Thiếu tá Nguyễn Sơn Tùng, Phó đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp Công an quận 1, cho biết tội phạm trộm tiền qua ATM, sử dụng thẻ giả để thanh toán khi mua hàng, đi taxi, mua vàng, ăn uống… ngày càng phổ biến trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này rất khó khăn, một phần do chiêu thức, thiết bị bọn chúng sử dụng tinh vi, phần khác quy định chế tài còn chưa mạnh. Một số đối tượng tuy có biểu hiện lừa đảo (dùng thẻ giả để thanh toán trong mua bán, sử dụng dịch vụ) được nạn nhân phát hiện, tạm giữ, trình báo nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý được bằng hình thức trục xuất ra khỏi nước vì hành vi phạm tội chưa để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chặn đứng tội phạm sử dụng thẻ ATM giả, cách nào?
Để ngăn chặn tội phạm sử dụng thẻ giả diễn biến phức tạp, C50 cho biết từ năm 2015, đơn vị này đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm tra, tiến hành lắp đặt phần mềm và thiết bị Anti – Skimming (theo dõi, ngăn chặn thiết bị công nghệ sao chép dữ liệu của kẻ gian). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều máy ATM không được cơ quan chủ quản cài đặt, một số máy ATM đã được cài đặt nhưng phần mềm và thiết bị Anti – Skimming không hoạt động.
Một số ngân hàng như Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Á Châu chi nhánh TPHCM cho biết sau nhiều vụ trộm tiền qua ATM xảy ra gần đây, lãnh đạo các ngân hàng này đã thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, như: Lắp miếng che bàn phím máy ATM; công khai rộng rãi số điện thoại nóng tại các buồng máy ATM, trên web ngân hàng… để khách hàng kịp thời điện báo ngân hàng phong tỏa khi phát hiện có trộm, sự cố phát sinh đối với tài khoản; lắp thêm các camera trong buồng ATM; hạn chế thời gian hoạt động về đêm tại các ATM có ít khách hàng giao dịch…
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM khuyến cáo, để tránh “dính bẫy” các đối tượng lấy cắp thông tin tài khoản, trộm tiền qua ATM, người dùng thẻ cần thường xuyên thay đổi mật khẩu thẻ; nên đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn thông báo biến động số dư. Khi rút tiền qua ATM, người dùng thẻ cần quan sát kỹ khe đọc thẻ và bàn phím của máy ATM, không thực hiện thao tác giao dịch khi phát hiện có dấu hiệu bất thường; không nên vứt biên lai tại phòng máy ATM; nên dùng tay che bàn phím khi thực hiện thao tác rút tiền qua ATM…

Theo C50, các đối tượng sử dụng thẻ giả để trộm tiền qua ATM, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường mang quốc tịch Trung Quốc, Malaysia, Bulgaria, Anh, Hà Lan, các nước gốc Phi… Thời gian hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Địa bàn chúng nhắm đến là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, đối tượng là các phòng máy ATM, các siêu thị, khu ăn uống, giải trí…
Trung tá Nguyễn Sơn Tùng cho biết: Quận 1 là quận trung tâm của TPHCM, lượng khách nước ngoài đến lưu trú, du lịch đông, theo đó tội phạm liên quan đến người nước ngoài hoạt động phức tạp. Để ngăn chặn tội phạm sử dụng thẻ ATM lộng hành, thời gian qua, công an quận đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chiêu thức hoạt động của loại tội phạm này đến tận khu phố, tổ dân phố, trong các siêu thị, khu vui chơi… để người dân nâng cao cảnh giác. “Khi phát hiện một số dấu hiệu bất thường ở người nước ngoài như: sử dụng thẻ thanh toán không để tên ngân hàng, chủ tài khoản; mua rất nhiều hàng hóa có giá trị cao mà không cần suy nghĩ, cân nhắc…, người dân cần tỉnh táo để không bị “dính bẫy”. Trường hợp phát hiện đối tượng có hành vi lừa đảo, cần báo ngay cho công an để được can thiệp”, Trung tá Tùng nói.
Thực tế cho thấy các giải pháp của ngành chức năng thời gian qua mới giải quyết được phần ngọn, chỉ hạn chế được phần nào hoạt động của tội phạm sử dụng thẻ ATM giả. Ở nhiều nơi, dạng tội phạm này vẫn diễn ra với quy mô lớn hơn, thủ đoạn ngày một tinh vi, phức tạp hơn. Một khi các cấp chính quyền, ngành chức năng chưa có giải pháp mạnh, căn cơ thì tội phạm sử dụng thẻ giả để trộm tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản chắc chắn vẫn còn tồn tại, lộng hành.
SGGP