“Phòng chống sạt lở ở ĐBSCL cần thuận theo tự nhiên”

Trong thời gian tới, tình hình sạt lở vẫn sẽ diễn ra trong vùng ĐBSCL cho đến khi lượng bùn cát được bù lấp đủ nên cần thuận theo tự nhiên.

Tỉnh An Giang đang cần đầu tư 16 cụm, tuyến dân cư để di dời hơn 8.200 hộ dân đang sống trong vùng rủi ro thiên tai sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trước mắt, tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ hơn 1.400 tỷ đồng, để ưu tiên bố trí cho gần 5.300 hộ. Tỉnh này cũng đang cần thêm hơn 1.500 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án kè bảo vệ bờ sông. Còn tỉnh Cà Mau, trước mắt cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời gần 4.800 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư các dự án nâng cấp đê biển, chống sạt lở, trồng rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

lo_1_vov_apwh

Nguồn lực cần để khắc phục sạt lở là rất lớn, ngân sách không thể đáp ứng đủ.

Hiện nay các tỉnh trong vùng ĐBSCL đều cần nguồn vốn rất lớn để ứng phó với sạt lở mà ngân sách khó đáp ứng được. Ông Trần Trọng Khiêm, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng, rất khó có đủ nguồn lực cho việc khắc phục sạt lở. Theo ông Khiêm, ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng sẽ tiếp tục phải chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở ven biển sẽ còn diễn biến phức tạp hơn. Các tỉnh đều triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, tuy nhiên, cần ưu tiên lựa chọn những giải pháp ít tốn kém. Trong đó, phát triển rừng phòng hộ ven biển là tối ưu, vừa đỡ tốn kém vừa có giá trị bền vững.

lo_2_vov_kxkc

Phát triển rừng ven biển sẽ là giải pháp tối ưu giảm sạt lở ven biển.

Ông Khiêm dẫn chứng, nhờ tập trung phát triển rừng mà bờ biển của tỉnh được bảo vệ vững chắc, việc sản xuất của người dân sống bên trong rừng phòng hộ được đảm bảo an toàn. Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng phát triển khoảng 1000 ha rừng mà chỉ cần khoảng 200 tỷ đồng. Tỉnh cũng đang triển khai một đoạn kè bê tông khoảng 4km ở thị xã Vĩnh Châu mà đã cần đến 120 tỷ đồng.

“Trong các giải pháp mà để thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp mềm, trồng rừng là giải pháp đứng đầu, tối ưu nhất hiện nay. Trong chống chịu thiên tai, triều cường, gió bão, chỉ có phát triển rừng. Kinh phí đầu tư và phát triển rừng thì họ tính ra mang lại hiệu quả rất lớn, mà chi phí rất thấp”- Ông Trần Trọng Khiêm nêu rõ.

lo_3_vov_yysl

Ở những nơi trọng yếu để phát triển kinh tế thì cần triển khai các công trình bảo vệ nhưng cần hạn chế ở mức thấp nhất

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cũng cho rằng, cần cân nhắc khi thực hiện các công trình bờ kè có kinh phí lớn, vì không thể đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở. Nếu làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ đồng nghĩa với gia tăng sạt lở nơi khác vì bờ sông, bờ biển sẽ phải tự tìm sự cân bằng.

Theo ông Thiện, hàng năm bùn và cát được dòng sông Mekong mang từ thượng nguồn xuống bồi đắp cho đồng bằng. Những năm nào mưa ít, dòng lũ yếu thì lượng bùn cát mang về rất ít, làm cho vùng ĐBSCL thiếu phù sa. Qua nhiều năm, lượng phù sa thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến sạt lở. Trong thời gian tới, vấn đề sạt lở của vùng sẽ diễn biến phức tạp hơn, sạt lở bờ sông sẽ tăng cho đến khi lòng sông mở đủ rộng để đạt trạng thái cân bằng mới.

lo_4_vov_pmih

Trong quy hoạch cần tránh quy hoạch cơ sở hạ tầng và các khu dân cư ven sông, gần cửa biển.

Để ngăn chặn khuynh hướng sạt lở ở ĐBSCL, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cần giải quyết gốc rễ vấn đề thiếu phù sa, cát nếu không rất khó đạt hiệu quả. Trong đó, chính quyền các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, vì đó cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở.

“Việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân, tài sản của nhà nước là xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi nào thực sự xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư đông cần phải tuyệt đối bảo vệ tuyệt đối.  Đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao, và quản lý khai thác cát, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới”- Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết.

PGS.TS Huỳnh Công Hoài (Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, giai đoạn từ năm 2008-2017, khi mà lượng bùn cát về vùng ĐBSCL chỉ còn 60%, thì số điểm sạt lở, tăng từ 200 điểm lên đến 600 điểm. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt bùn cát thì hiện nay có 2 hướng lý giải. Thứ nhất, do các đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn chặn dòng chảy; thứ hai do khai thác cát. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà ở, công trình giao thông ven sông, kênh rạch cũng góp phần làm gia tăng áp lực, dẫn đến sạt lở và khi sạt lở thì thiệt hại rất lớn. Để giúp giảm thiểu tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, tiến sĩ Huỳnh Công Hoài đề xuất các địa phương trong vùng cần tập trung vào 3 giải pháp.

lo_5_vov_yxac

Sạt lở ven sông, ven biển trong vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ tiếp diễn phức tạp.

“Đầu tiên là quyết liệt ngăn chặn các nhà máy thủy điện trên sông chính, đó là cái tác nhân thấy được trước mắt. Thứ hai là kiểm soát chặt khai thác cát, việc khai thác cát ảnh hưởng rất nhanh đến sạt lở. Thứ 3, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng. Hầu hết các điểm sạt lở đều có tác nhân của nhà cấp 4 hoặc các công trình giao thông. Đề xuất, trong quy hoạch, cố gắng quy hoạch đường gia thông và khu dân cư xa bờ sông càng nhiều càng tốt, giảm thiểu được mức độ nguy hiểm, đồng thời giảm được các công trình bảo vệ rất là tốn kém”- Tiến sỹ Huỳnh Công Hoài cho biết.

GS.TS Nguyễn Kim Đan, Giám đốc Điều hành GIS HEDD (tổ chức nghiên cứu thủy lực cho phát triển bền vững của Pháp) cho rằng, việc khắc phục sạt lở ở ĐBSCL bằng các giải pháp công trình, bảo vệ cục bộ sẽ không thật sự hiệu quả. Do để bù lại lượng bùn cát thiếu hụt, nếu bảo vệ chỗ này thì chỗ khác sẽ bị sạt lở. Trước tình hình biến đổi khí hậu tiếp tục tác động, xây dựng đập phía thượng lưu vẫn diễn ra thì cần phải có đánh giá tổng quan về vấn đề sạt lở cả vùng ĐBSCL ở tầm nhìn 10 năm, 20 năm tới. Sau khi có một cái nhìn toàn diện theo hướng lâu dài, mới định ra khung chiến lược để chống sạt lở. Trong đó, cần có một hành lang bờ sông đủ an toàn cho các khu dân cư để dòng chảy thuận theo tự nhiên. Những vùng nào thiết yếu cần bảo vệ về kinh tế, dân sinh thì làm kè, làm đê còn không chúng ta phải chấp nhận di dân, bỏ đê bao để đảm bảo dòng chảy thuận theo hình thái tự nhiên nó sẽ đạt đến.

Ông Nguyễn Kim Đan nhấn mạnh, vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để khắc phục sạt lở.

lo_6_vov_demu

Cần thuận theo tự nhiên, để thiên nhiên đạt tới mức cân bằng mới giải được bài toán sạt lở.

“Chúng ta phải hướng tới lời giải dựa theo tự nhiên. Muốn để dòng chảy tự nhiên thì họ cũng khoanh vùng để dòng chảy lấy tự nhiên một cách nhanh nhất. Chúng ta thúc đẩy các dòng chảy về tự nhiên, khi trở lại trạng thái theo tự nhiên thì sẽ không lo về sạt lở. Đó là kinh nghiệm của nước ngoài, chúng tôi cũng mang ý định đó về Việt Nam”- ông Nguyễn Kim Đan.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thì nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng đang diễn ra tại ĐBSCL chủ yếu do thiếu hụt lượng bùn cát. Để khắc phục vấn đề này, các địa phương trong vùng ĐBSCL trước tiên cần quản lý chặt việc khai thác cát. Bên cạnh đó, trong quy hoạch cơ sở hạ tầng, khu dân cư cần xa sông rạch, cửa biển để tránh thiệt hại. Ở những nơi thiết yếu, thật cần thiết phải bảo vệ thì triển khai công trình bảo vệ, nhưng cần hạn chế việc xây dựng các công trình bảo vệ ở mức thấp nhất vì bảo vệ nơi này sẽ dẫn đến sạt lở ở nơi khác. Trong thời gian tới, tình hình sạt lở vẫn sẽ diễn ra trong vùng ĐBSCL cho đến khi lượng bùn cát được bù lấp đủ nên cần thuận theo tự nhiên, để thiên nhiên tự đạt đến mức cân bằng nhanh nhất thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề sạt lở.

Nguồn vov.vn