Philippines lên kế hoạch xây căn cứ quân sự gần Trường SaVG

Người đứng đầu Các lực lượng quân đội Philippines cho rằng kế hoạch xây căn cứ quân sự ngay gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là “nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”. Tuy nhiên, hiện Philippines cũng không còn nhiều thời gian để có thể hoàn thành kế hoạch trước năm 2016.

Tàu chiến hải quân lớp Hamilton của quân đội Philippines. (Ảnh:
Tàu chiến hải quân lớp Hamilton của quân đội Philippines. (Ảnh: The Diplomat)
Đầu tuần này, báo chí Mỹ đưa tin, người đứng đầu lực lượng quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang Jr., phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng việc xây dựng một căn cứ hải quân mới ngay gần quần đảo Trường Sa trên biển Đông là “một ưu tiên hàng đầu”.
Kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân trên vịnh Oyster ở Palawan, cách quần đảo Trường Sa khoảng 160 km đã có từ nhiều năm trước, nhưng đến năm 2013, quân đội Philippines đã tuyên bố một cách chính thức về kế hoạch này.
Việc người đứng đầu các lực lượng quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang Jr., gần đây khẳng định lại về kế hoạch dường như cho thấy rằng Manila đang báo động về thái độ của Trung Quốc ở khu vực biển Đông.
Trung Quốc gần đây đang cấp tập thực hiện những hoạt động lấn chiếm đất ở khu vực 7 bãi đá ngầm, và trong tuần trước đã  ít nhất 6 lần cảnh cáo lực lượng không quân cũng như tàu sân bay của Philippines phải rời khỏi các khu vực xung quanh Trường Sa.
Bắc Kinh cũng từ chối tham dự vụ kiện do Philippines đứng đơn, kiện Trung Quốc tại Tòa án trọng tài quốc tế ở Hague. Vào đầu tuần trước, tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Philippines (CSIS), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nhấn mạnh quan điểm của Manila là “chúng ta cần phải làm một điều gì đó ngay lập tức”.
Chi tiết cụ thể về căn cứ hải quân mới của Philippines vẫn chưa được tiết lộ nhưng các quan chức nước này cho biết căn cứ này có sức chứa nhiều tàu hải quân loại lớn bao gồm tàu lớp Hamilton mà Manila mua lại của Washington cùng một số hạm đội tàu chiến đấu của Mỹ. Ngoài ra, một xưởng sửa chữa và đóng tàu cũng như một số trạm chỉ huy cùng hệ thống rada cũng được xây dựng ở đây nhằm kiểm soát tình hình ở Biển Đông.
Ngoài việc là một hạ tầng cơ sở quan trọng, các quan chức quân đội Philippines cho rằng, căn cứ gần khu vực biển Đông cũng tạo điều kiện cho Manila có thể rút ngắn một cách đáng kể thời gian di chuyển của các hạm đội tàu, giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu và chi phí hậu cần cũng như nâng cao tinh thần chiến đấu cho các hạm đội đồn trú gần đó.
Một số ý kiến cho rằng Mỹ có thể sẽ đóng vai trò nào đó trong việc xây dựng căn cứ quân sự này trong tương lai. Dù vậy, sự dính líu của Mỹ tại đây hiện chưa được xác định. Điều này còn phụ thuộc vào các điều khoản trong Hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được ký kết giữa Mỹ và Philippines vào năm ngoái.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tuần này, Tướng Catapang cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù Hải quân Mỹ có thể tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết tại đây nhưng căn cứ mới sẽ khó có thể tiếp đón các tàu khu trục và tàu sân bay vì đây là vùng vịnh nước nông. Ông Catapang cũng nói rằng các tàu chiến của Mỹ, Nhật, Úc và Việt Nam đều có thể được sử dụng căn cứ này làm bến đỗ.
Một điều rõ ràng là Manila sẽ tiêu tốn nhiều cho việc xây dựng này. Về mặt tài chính, theo Tướng Catapang, Philippines sẽ phải tiêu tốn khoảng 800 triệu peso, tương đương 18 triệu USD, cho việc phát triển ban đầu các cơ sở hải quân và sau dó là 5 triệu peso (1,1 triệu USD) để xây dựng  thành một căn cứ quân sự lớn.
Việc đầu tư nhỏ giọt sẽ cản trở việc hiện thực hóa căn cứ này. Về hạ tầng cơ sở, hiện tại ở đây vẫn chưa có gì cả. Chính phủ Philippines đang cho xây dựng một con đường tại đây cũng như nâng cấp cơ sở cung cấp nước và dầu để phục vụ cho các đội tàu. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành một số hạng mục nâng cấp cho khu căn cứ trước khi Tổng thống Philippines hiện tại, ông Benigno Aquino III rời cương vị vào năm 2016. Tuy nhiên, hiện việc xây dựng không có nhiều tiến triển.
Theo Tướng Catapang, việc xây dựng căn cứ hải quân trên vịnh Oyster có thể sẽ được thúc đẩy nhanh hơn trong tương lai. Những báo cáo trước đây cho thấy, Mỹ có thể sẽ giúp hỗ trợ cho Philippines một khoản vốn. Trong khi đó, Nhật, nước đã tăng cường hợp tác an ninh với Philippines, cũng có thể giúp đầu tư hạ tầng cơ sở xung quanh khu vực căn cứ (nhưng không phải trực tiếp cho khu căn cứ).
Phán quyết cho vụ kiện của Philippines với Trung Quốc nếu có thể được đưa ra vào nửa đầu năm tới sẽ thúc đẩy Manila đạt được những bước tiến lớn hơn, đặc biệt là nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết này và tiếp tục các hành động theo ý mình tại khu vực biển Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Rosario nhận định hiện Manila không còn nhiều thời gian nữa.
Nguồn Dân trí