Phiên họp lần thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng ngày 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 28, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp sáng nay đã “nóng” lên khi nhiều thành viên UBTVQH đề cập đến tình hình phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Chỉ còn mấy ngày nữa là khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ tập trung vào 3 nhóm nội dung chính gồm: Cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách, quốc phòng – an ninh, đối ngoại; nghe và cho ý kiến về Báo cáo Giám sát tại hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên, do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư; nghe và cho ý kiến về Báo cáo Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Mặt khác, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dấu hiệu tích cực trong thu ngân sách 4 tháng đầu năm

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay: 4 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi khá rõ nét. GDP quý I tăng 4,96% (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,76%); kinh tế vĩ mô tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát được kiềm chế; thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến; thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao, đặc biệt là xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đương với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng so với năm trước, tiến độ giải ngân vốn ODA đạt khá. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư tiếp tục đạt kết quả bước đầu tích cực. Chính trị, xã hội ổn định; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng; công tác đối ngoại được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các ngành, sản phẩm, cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiếp cận tín dụng khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao; một số dịch bệnh ở trẻ em diễn ra trên diện rộng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân…

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 và xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm, Chính phủ đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Cũng tại phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tổng thu NSNN 4 tháng đạt 288,8 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Ước tính có 46 địa phương thu đạt cao hơn mức bình quân chung và 50 địa phương thu đạt cao hơn cùng kỳ năm 2013.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, so với thực hiện cùng kỳ 2 năm gần đây, số thu 4 tháng đầu năm nay đạt khá hơn cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng.

Về tổng chi NSNN, 4 tháng đạt 331,29 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 33,7% dự toán, giảm 4,5%; chi trả nợ và viện trợ đạt 33,6% dự toán, tăng 14,9%; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 33,6% dự toán, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Về cân đối NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Bội chi NSNN 4 tháng ước 42,49 nghìn tỷ đồng, bằng 19% dự toán năm. Tính đến hết tháng 4/2014, đã thực hiện phát hành khoảng 98 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng 33% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014.

Cần giữ gìn hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đề nghị, Chính phủ cần bổ sung đánh giá tình hình phức tạp trên biển Đông sẽ tác động như thế nào đến tình hình đất nước. “Cần làm rõ sau những hành động tự phát của công nhân mấy ngày gần đây như đập phá, bỏ việc,… các nhà đầu tư nước ngoài có e ngại gì? Sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là Trung Quốc gặp khó khăn gì? Hiện nay, đã diễn ra phong trào tự phát là “tẩy chay Trung Quốc”, từ đó, quan hệ thương mại Việt – Trung có ảnh hưởng gì không?”.

Về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Đây là vấn đề thời sự, gây bức xúc trong nhân dân và trong chính cán bộ.

Bộ trưởng bày tỏ vô cùng lo lắng trước tình hình nhân dân, công nhân bức xúc đi biểu tình, nhưng bị một số kẻ xấu kích động có tổ chức; đồng thời chia sẻ: “Từ tối qua, tôi đã triệu tập cuộc họp của Bộ và đã ký ba công hàm gửi cho tất cả các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, gửi cho UBND các tỉnh, thành, đồng thời trình Chính phủ về vấn đề này. Hình ảnh đầu tư của Việt Nam mà chúng ta đã gây dựng trong 20 năm qua bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”.

Bộ trưởng nhận định, do tác động của vấn đề trên, tình hình kinh tế những tháng còn lại của năm 2014 rất khó khăn. “Nếu không có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn thì có hai vấn đề xảy ra: Một là,̀ các nhà đầu tư e ngại về môi trường đầu tư ở Việt Nam; Hai là, sản xuất chắc chắn đình trệ. Đến nay, vẫn chưa thống kê hết các doanh nghiệp bị phá hoại, đình trệ sản xuất.” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: “Những hình ảnh tự phát như vừa rồi làm xấu đi hình ảnh Việt Nam. Chúng ta đang có chính nghĩa, đang được bạn bè quốc tế ủng hộ. Nếu những hình ảnh tự phát như vậy không được chấn chỉnh kịp thời thì sẽ làm quốc tế lo ngại về Việt Nam”.

Với tình hình phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cơ quan thẩm tra báo cáo đề nghị Chính phủ thực hiện đầy đủ các quyền theo Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ thông báo kịp thời đến các tầng lớp nhân dân tạo đồng thuận, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước./.

Nguồn ĐCSVN