Phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ

Trong bản Di chúc sửa vào năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh “thấy cần phải viết thêm mấy điểm”, trong đó, Người đã dành cho phụ nữ tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Người căn dặn, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ.

“Để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc…”

Đề cập tới vai trò của phụ nữ trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”.

Với Người, phụ nữ Việt Nam không chỉ có những đóng góp xứng đáng trong những ngày tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà trong mọi giai đoạn của cách mạng. Ngay trong cuộc Tuyển cử phổ thông đầu phiếu (ngày 6/1/1946), Người nhận xét: “Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Năm 1952, nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Người đã gửi thư khen: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.

Người cho rằng: “Muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước… An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, T.2, tr.288 và 289).

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, điều cảm động nhất khi Người viết bản Di chúc này, không chỉ là tình thương yêu dành cho phụ nữ, mà còn là lời căn dặn rất cụ thể của Bác, đó là: Đảng và Chính phủ phải quan tâm tới phụ nữ; có chính sách tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sở trường, đặc biệt là “cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ” phụ nữ.

Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp uỷ đảng, chính quyền, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện đưa phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo. Người từng nhận xét “Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì được tham gia chính quyền. Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan Trung ương đã có trên 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong Quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, T.10, tr. 185).

Các đại biểu đại diện cho phụ nữ các dân tộc
dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI – Ảnh: Minh Châu

 

“Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”

Dù mừng vì số lượng phụ nữ “tham gia chính quyền” đã tăng lên, nhưng trong bài nói chuyện tại Ðại hội Phụ nữ tích cực Thủ đô lần thứ hai, ngày 8/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Ðảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng”… Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải: gắng học tập chính trị, học tập văn hóa kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ XHCN; Hăng hái thi đua thực hiện: “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”. Người chúc chị em phụ nữ “cố gắng học tập, tiến bộ nhiều, tiến bộ mãi để xứng đáng làm chủ nước nhà”.

Và trong bản Di chúc tuyệt đối bí mật sửa trước lúc ra đi 1 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc nhở: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

“Phụ nữ phải gắng vươn lên” để tự khẳng định mình, được cất nhắc và nắm giữ những vị trí quan trọng và vừa để hướng tới sự bình đẳng, bởi quyền bình đẳng đối với phụ nữ cũng là điều mà Hồ Chủ tịch luôn mong mỏi, coi đó là “cuộc cách mạng”.

Người khẳng định rằng, để thực sự nam nữ bình đẳng, bình quyền là “một cuộc cách mạng to và khó”. Bởi vì, “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”. Và “vì trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi tầng lớp xã hội… phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân, dù to và khó nhưng nhất định thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, T.6, tr. 433).

Người chỉ rõ về tầm quan trọng của “cuộc cách mạng” này: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới một nửa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, T.7, tr. 523).

Thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cùng với các nghị quyết của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới ngày một hoàn thiện nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Sự nỗ lực của chính chị em phụ nữ và các ngành, các cấp, các tầng lớp trong xã hội là nhân tố quan trọng để Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới.

Với vị trí đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ hai trong khu vực ASEAN, tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Quốc hội ở nước ta cũng thuộc hàng cao so với khu vực và thế giới. Phụ nữ đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế khi chiếm tới 48,4% lực lượng lao động nước nhà và gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bên cạnh đảm nhận vai trò “giữ lửa” xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

“Ngày nay, tiêu chuẩn về phẩm chất phụ nữ có những thay đổi, nhưng những lời căn dặn của Bác vẫn là những hướng dẫn, soi đường, chỉ lối cho phụ nữ vươn lên trong thời kỳ đổi mới” – PGS.TS Phạm Ngọc Anh nhấn mạnh./.

Nguồn ĐCSVN