Nước mặn xuất hiện tại Vàm Trà Lọt – Cái Bè, cách cửa vào sông Tiền 120 km

(THTG) Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, diễn biến xâm nhập mặn năm 2020 rất phức tạp, độ mặn tăng cao đột biến, xâm nhập sớm, vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016, lấn sâu vào nội đồng tỉnh Tiền Giang từ 03 hướng đó là từ cửa sông Tiền; từ sông Hàm Luông – tỉnh Bến Tre lấn sang; từ sông Vàm Cỏ xâm nhập qua và ảnh hưởng đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

vlcsnap-2020-02-12-16h15m00s833vlcsnap-2020-02-12-16h14m25s327

Kiểm tra độ mặn tại huyện Tân Phước. Ảnh: Phúc Thịnh

Ngày 14/02/2020, độ mặn đo được tại cống Xuân Hoà (cách cửa sông khoảng 42km) độ mặn cao nhất đo được là 4,5g/lít, cao hơn 2,76g/lít so năm 2016; tại Vườn Hoa Lạc Hồng (cách cửa sông khoảng 46km) độ mặn cao nhất đo được là 4,12g/lít) cao hơn 3,32g/lít so năm 2016; tại Cầu Phú Phong (cách cửa sông 64 km) độ mặn đo được 4,66 g/ lít cao hơn 4,66g/lít so năm 2016; tại Vàm Ba Rài cách cửa sông Tiền 97 km là 1,0 g/lít; tại Vàm Trà Lọt cách cửa sông Tiền 120 km đo được là 0,17 g/lít, năm 2016 tại khu vực này, mặn không xuất hiện.

Dù đã chủ động và triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhưng trước dự báo trong thời gian tới xâm nhập mặn còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt sẽ gay gắt và khốc liệt hơn ở nhiều khu vực của tỉnh Tiền Giang, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang thông báo và khuyến cáo toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp sau.

1. Đối với vùng dự án Ngọt hóa Gò Công: Diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 đã xuống giống là 24.083 hecta, trà lúa hiện nay ở giai đoạn sinh trưởng: Đẻ nhánh, Đứng cái – làm đòng: 3.748 hecta; Đòng – trổ: 9.882 hecta; Trổ đều: 8.765 hecta; Chín sáp và chín 1.188 hecta. Để đảm bảo đủ nước tưới cho lúa, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị người dân sử dụng nước với phương châm tiết kiệm, không lãng phí và không bơm nước lên ruộng trữ, khi ruộng còn nước và cây trồng chưa có nhu cầu.

2. Đối với vùng trồng cây ăn trái của các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang: Xâm nhập mặn đã lấn sâu đến Vàm Trà Lọt (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) khả năng uy hiếp các vườn cây ăn trái rất cao. Do vậy người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình mặn trên các phương tiện thông tin; các khuyến cáo của ngành chuyên môn trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi và chủ động đo độ mặn của nước trước khi bơm tưới cho cây trồng.

Ngoài ra, nếu không có giải pháp bổ cấp nguồn nước ngọt thay thế, khi nguồn nước mặn trên sông Tiền vượt qua khu vực lấy nước của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang và Công ty Cổ phần Nhà máy Đồng Tâm, thì cuộc sống của 807.716 người dân của huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, cần phải đắp đập thép đầu kênh Nguyễn Tấn Thành mới đảm bảo khả năng trữ ngọt. Trước tình hình diễn biến xâm nhập mặn, ngày 07/02/2020, UBND tỉnh đã cho đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành từ ngày 08/02/2020, thời gian đắp đập dự kiến 16 ngày, thời gian khai thác dự kiến 60 ngày. Đây là giải pháp ứng phó cấp thiết để giải quyết nước cho sinh hoạt và sản xuất trong tình hình xâm nhập mặn hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang thông báo đến toàn thể nhân dân biết và thực hiện.

Phúc Huy