Núi lửa Batur ngày mưa

       Cơn mưa khiến chúng tôi bỏ lỡ tour leo lên núi lửa Batur, bỏ cả chuyến đi thuyền vượt hồ Batur sang những ngôi làng nhỏ xinh nằm nép dưới chân núi. Nhưng chỉ vài phút hiếm hoi nắng hửng cũng đủ khiến chúng tôi ngất ngây với khung cảnh hùng vĩ của một điểm du lịch không thể bỏ qua ở đảo Bali (Indonesia).


Núi lửa Batur trong những phút hiếm hoi nắng hửng lên.

Trời sầm sì cơn mưa khiến quãng đường hơn 30km nối thị trấn Ubud ở trung tâm Bali tới Kintamani – thị trấn nhỏ thu hút rất đông khách du lịch với hai địa danh nổi tiếng nhất là núi lửa và hồ Batur – như dài ra mãi. Con đường xuyên rừng rồi leo dần lên sườn dốc cao càng ngày càng mờ ảo giữa màn mưa và sương mù mịt mùng.

Ngôi đền Ulun Danu Batur nhìn ra lòng chảo núi lửa với đền chính 11 tầng mái hoành tráng cùng nụ cười thân thiện của những người dân đi lễ đền chỉ khiến chúng tôi quên đi nỗi thất vọng được chốc lát. Rồi hành trình vẫn phải tiếp tục tới điểm ngắm cảnh đẹp nhất khi mưa vẫn giăng giăng.

Anh lái xe tên là Adi khoát tay, bảo rằng chúng tôi đang đứng trên miệng một lòng chảo rộng, phía dưới kia, ở giữa biển sương mù mờ mịt có đỉnh Batur hùng vĩ. Co ro vì ướt và lạnh, những cặp mắt mở to nhìn vào biển sương mù một cách vô vọng, chịu không thể tưởng tượng nổi ngọn núi lửa Batur mọc lên giữa biển sương mù giống như một chảo cháo đặc quánh khổng lồ ấy đẹp như thế nào.

Gần trưa, mưa đã dứt, nhưng trời vẫn mịt mù sương. Chúng tôi ghé vào một quán ăn nằm ở rìa lòng chảo, chọn một bàn sát cửa sổ, cố vớt vát chút hy vọng cuối cùng được nhìn thấy ngọn Batur giữa mây mù đặc quánh.

Ở Kintamani, từ chỗ dừng nghỉ chân giữa đường đến nhà nghỉ, quán ăn đều được xây ở những nơi có tầm nhìn đẹp, hướng thẳng ra ngọn núi và hồ Batur. Nhìn những bộ bàn ăn kê ở dãy bancông rộng ngoài trời ướt nhòe nước mưa, chúng tôi biết mình đã không có cơ hội được thưởng thức một bữa trưa lãng mạn nhất.

Bữa buffet với các món ăn truyền thống của Bali rất ngon trôi qua nhanh chóng. Những đoàn khách tour ồn ào kéo đi, để lại quán ăn vắng vẻ chỉ còn chúng tôi và vài nhóm khách lẻ đi bụi, tự thuê ôtô hoặc đi xe máy. Tiếc nuối vì không thể leo lên miệng núi lửa vào thời tiết này, tất cả cố nán lại với Batur thêm ít nữa, kéo nhau ra dãy bàn kê ngoài trời, xuýt xoa ly café Bali bốc khói giữa sương mù vờn quanh.

Câu chuyện cùng những người khách lạ xoay quanh chủ đề duy nhất là nỗi luyến tiếc vì một ngày không đẹp trời nhạt dần cũng là lúc trời hửng sáng. Nhưng rồi, nắng mỗi lúc mỗi nhiều rực rỡ hơn, vén dần màn mây che phủ. Ngọn núi từ từ hiện ra, kỳ vĩ và huy hoàng.

Chúng tôi ngây người ngắm nhìn cảnh tượng ấy, như trong một bộ phim với một bàn tay từ từ kéo tấm màn cánh gà. Khi tấm màn mây được vén hết lên cũng là lúc cả lòng chảo núi lửa Batur hiện rõ trên nền trời vần vũ mây, hằn những nếp nham thạch.

Một lằn mây trắng lững lờ, như một tấm khăn mỏng choàng ngang lưng núi. Dưới chân núi là hồ Batur – hồ lớn nhất Bali – vẫn ánh lên màu xanh biếc dưới bầu trời chưa hết màu xám xịt.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, tất cả nhảy ào lên xe, rối rít giục bác tài phóng xuống chân núi, tìm đường đến ven mặt hồ xanh. Trời đã bớt trong, mây xám nặng trịch lại kéo về, nhưng mặt hồ vẫn xanh mê mải, chở trên mình vài ba con thuyền nhỏ cũng sơn xanh.

Những con thuyền nhỏ ven hồ Batur.

Khung cảnh thơ mộng và bình yên ấy che giấu sự thật là ngọn núi lửa cao hơn 1.700m này vẫn đang hoạt động, đã phun trào 28 lần, lần gần đây nhất xảy ra năm 2000. Xa xa tít bờ bên kia, nép dưới chân núi lửa Agung đối diện với núi lửa Batur qua mặt hồ, là các ngôi làng Buahan, Abang và Trunyan.

Trong đó nổi tiếng nhất là làng Trunyan với khu nghĩa địa vẫn duy trì cách mai táng cổ xưa của người dân ở đây: Không chôn mà chỉ đặt người chết dưới gốc cây hoặc trong hang đá, phủ vài tấm vải mỏng lên. Khu nghĩa địa rùng rợn ấy là điểm cực kỳ thu hút với đám du lịch bụi chúng tôi.

Nhưng chờ gần nửa tiếng đồng hồ, loanh quanh hỏi mãi vẫn chả thấy có ai chèo thuyền, trời lại đang lắc rắc mưa. Chúng tôi đành rời những con thuyền sơn xanh xinh xắn, rời xa mặt hồ biếc trong, rời cả ngọn núi lửa Batur hùng vĩ, lòng đầy ngậm ngùi.

Những người bạn của tôi bảo rằng, đợi đến ngày mai, ngày kia trời hết mưa, nhất định họ sẽ quay lại đây, để được đặt chân lên núi lửa Batur, được bơi thuyền vượt hồ sang làng Trunyan vào khu nghĩa địa đầy ám ảnh.

Tôi thì không nghĩ thế, bởi với tôi, Batur trong mưa vẫn đẹp hùng vĩ và tôi muốn mặt hồ Batur xanh với khu nghĩa địa vẫn cứ là một bí ẩn, để tôi luôn nhớ về Batur với nỗi luyến tiếc khôn nguôi.