Nỗi lo học phí tăng dần đều

Chính phủ vừa ban hành Nghị định học phí mới áp dụng từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2012. Trong khi các trường có vẻ “hồ hởi” vì mức học phí được tăng lên thì với sinh viên, phụ huynh, đó lại là nỗi lo thường trực.

Đại học: Học phí tăng dần đều – cơ sở vật chất tăng từ từ

Theo Nghị định 49 của Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015, thì mức học phí đối với các trường đại học (ĐH) công lập tăng dần hàng năm.  Quy định này được các trường ĐH áp dụng “triệt để”.

Một sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ năm học thứ nhất đến giờ (sinh viên năm cuối) học phí của trường năm nào cũng tăng. Kỳ đầu tiên mức học phí là 145.000đ/tín chỉ, đến kỳ thứ 7 (học kỳ I năm học 2015-2016)  học phí là 215.000đ/tín chỉ.  Sinh viên này cũng cho biết, kỳ phải đóng học phí nhiều nhất là kỳ thứ 5 với 4.540.000đ, và ít nhất tạm thời tính đến kỳ này là 2.516.000đ.

Sinh viên này cũng cho hay, sau khi có Nghị định về mức học phí mới, các bạn trong trường cũng đang “kháo nhau” học phí học kỳ tới sẽ tăng  cao hơn.

Bên cạnh đó, sinh viên N. V. H, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết học phí hiện tại của trường là 180.000đ/tín chỉ. Nếu năm học tới, áp dụng theo mức thu của Nghị định mới, H khẳng định học phí sẽ còn tăng.

Chia sẻ về chất lượng đào tạo, sinh viên của Học viện nông nghiệp Việt Nam cho biết, suốt ba năm học vừa qua, cơ sở vật chất của trường không có thay đổi nhiều. Chỉ thấy duy nhất khu giảng đường được “chồng” thêm một tầng. Các lớp học tín chỉ có lớp vẫn rất đông sinh viên.

Theo bạn sinh viên này thì hiện tại, có những môn đang phải học  tới 120 sinh viên/giảng đường, tức là giảng đường không còn một chỗ trống. Có môn “được” hơn chỉ mười mấy sinh viên. Nhưng sự ưu tiên này chỉ dành cho sinh viên năm cuối. Còn sinh viên năm đầu vẫn phải học ở những lớp rất đông.

Còn sinh viên N.V. H của ĐH Giao thông vận tải Hà Nội thì cho biết sau thời gian học  tại trường, học phí có tăng, còn lớp học chỉ  khác duy nhất  là thay nền gạch lát.


Trong khi các trường có vẻ “hồ hởi” vì mức học phí được tăng lên thì với sinh viên,phụ huynh,đó lại là nỗi lo thường trực (ảnh: Internet)

Phổ thông: Học phí thì ít, phí ngoài thì nhiều

Trong Nghị định về học phí mới của Chính phủ, mức thu học phí đối với tiểu học và giáo dục phổ thông công lập cũng thay đổi đáng kể. So với mức cũ tăng thêm khoảng gần 50%. Tuy nhiên, mức tăng của bậc học mầm non và giáo dục phổ thông không khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Vì thực tế nếu có đóng ở mức cao nhất (thành thị) thì cũng chỉ 300.000đ/tháng. Tuy nhiên, điều phụ huynh không yên tâm đó là các khoản thu ngoài học phí.

Học phí tăng, liệu các khoản thu này có giảm, có hết được tình trạng lạm thu hiện nay?

Chị N.T.H, ở Thanh Trì, Hà Nội hiện có hai con đang học tại một trường tiểu học của Hà Nội. Hàng tháng, kể cả tiền ăn, tiền nước uống, tiền tiếng Anh liên kết, tiền chăm sóc bán trú mỗi cháu chỉ hết hơn 1 triệu đồng.

Theo chị  H, số tiền đó so với trường ngoài công lập thì có dễ thở hơn. Nhưng sĩ số lớp học đông hơn, con chị không được hưởng các dịch vụ khác như trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, các khoản tiền như học thêm thì hàng tháng chị bỏ ra cũng bằng đó hoặc hơn. Đó là con chị chỉ học thêm duy nhất môn tiếng Anh ở ngoài, không học thêm bất kỳ môn nào nữa.

Trong khi đó, chị P.T.T, có con đang học ở một trường THCS của Hà Nội thì cho biết, không phải đóng học phí nhưng tiền học thêm thì gấp 2 -3 lần số tiền mà chị phải đóng cho con ở trường hàng tháng. Nhà trường, giáo viên không ép học thêm, chị tự nguyện cho con đi học. Nguyên nhân với sĩ số lớp lên đến trên 50 học sinh/lớp nên cháu không thể theo được bài trên lớp. Đó còn chưa kể phải chuẩn bị cho mục tiêu thi vào lớp 10 trong tương lai xa.

Học phí cũng giống như lương. Chỉ có tăng, hoặc giữ nguyên không giảm. Nhưng chất lượng giáo dục liệu có song hành cùng với số tiền mà người dân đã bỏ ra để đầu tư cho con em mình? Câu trả lời thật khó. Từ năm học 2010-2011, học phí các trường ĐH công lập đã tăng dần hàng năm. Nhưng chất lượng giáo dục thì chưa được tính đến. Bởi các trường vẫn cho rằng mức học phí đó chưa đủ để “tái đầu tư” cho chất lượng giáo dục. Không biết học phí sẽ tăng đến mức nào thì các trường mới có thể trả lời được câu hỏi: chất lượng ở đâu?

Nguồn Tổ quốc