Nơi hội tụ những dòng văn hóa đương đại

Ngày 8/6, Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam chính thức diễn ra. Đây là hoạt động văn hóa thường niên đã được tổ chức 8 lần liên tiếp và năm 2018 là năm thứ 9 diễn ra tại Việt Nam, quy tụ 11 nước quốc tế tham gia. Tại đây, các nước không chỉ giới thiệu tới khán giả yêu điện ảnh tài liệu những tác phẩm xuất sắc với chủ đề môi trường, xã hội, văn hóa, di sản, hòa nhập… mà còn là nơi giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới.

Liên hoan phim do Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước Châu Âu (EUNIC) phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức. Ông Emmanuel Labrande, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội – L’espace, Chủ tịch Hội EUNIC Việt Nam cho biết, đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi lẽ phim tài liệu mang đến cơ hội phân tích xã hội chúng ta đang sống, chất vấn mối quan hệ giữa con người với môi trường và khám phá những vùng đất cùng với những chủ đề mới: âm nhạc, di sản, thiết kế, chủ đề đương đại…

Đây là những chủ đề thu hút sự quan tâm của mọi người. Năm nay, đồng hành với Việt Nam, 11 quốc gia cùng nhau hợp tác để mang đến cho khán giả không chỉ những bộ phim mà cả những nét văn hóa và góc nhìn riêng của mình qua các nước: Áo, Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc và Vương quốc Anh.

noi hoi tu nhung dong van hoa duong dai
Một cảnh phim trong Ingmar Bergman (Thụy Điển).

Theo ông Nguyễn Như Vũ, quyền Tổng Giám đốc Hãng phim tài liệu và Khoa học Trung ương thì Liên hoan phim Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa các nước và Việt Nam. Tại Liên hoan phim, khán giả có dịp tìm hiểu đất nước, con người, văn hóa của các nước thông qua loại hình phim tài liệu, một loại hình điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống.

Liên hoan lần này quy tụ được các tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, đề tài đa dạng, cùng những buổi giao lưu với các tác giả Châu Âu và Việt Nam. Trong các bộ phim trình chiếu tại Liên hoan, có nhiều bộ phim đã đạt giải thưởng cao tại các Liên hoan phim Quốc tế.

Trong những bộ phim tài liệu được trình chiếu phải kể đến bộ phim “Ingmar Bergman, trong con mắt biên đạo múa” của Thụy Điển. Bộ phim từng đoạt giải đặc biệt về thành tựu nổi bật trong Praha vàng – Liên hoan truyền hình quốc tế 2018.

Câu chuyện phim kể về các biên đạo múa sáng tạo nhất của Thụy Điển bao gồm Alexander Ekman, Par Isberg, Pontus Lidberg và Joakim Stephenson cùng các vũ công chính đến từ Nhà hát ba lê Hoàng gia Thụy Điển, đã khắc họa hình ảnh Ingmar Bergman thông qua 4 màn ba lê có một không hai phản ánh quan hệ con người và cung bậc tình cảm mãnh liệt – ngôn từ không thốt thành lời đã được chuyển thể nhuần nhuyễn thành vũ đạo múa.

Ingmar Bergman (1918-2007) là đạo diễn phim và sân khấu, nhà biên kịch, Giám đốc Nhà hát, nhà văn và kịch sĩ. Các tác phẩm nối tiếng của ông phải kể đến các bộ phim Con dấu thứ bảy, Dâu tây dại, Persona và cuốn tự truyện Đèn lồng ma thuật. “Ingmar Bergman, trong con mắt biên đạo múa” được chọn làm bộ phim công chiếu tại Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9.

Còn một đề tài phim rất gần với giới trẻ hiện nay là bộ phim “Princess Shaw ra mắt” của điện ảnh Israel. Bộ phim kể về cô gái Samantha Montgomery, người gửi gắm những giấc mơ của mình thông qua những bản thu âm trên Youtube. Và rồi giấc mơ của cô đã trở thành hiện thực.

“Princess Shaw ra mắt” là câu chuyện phi thường của một ca sỹ tràn đầy hoài bão – truyền cảm hứng cho Kutiman – một nghệ sỹ hòa âm sáng tạo nổi tiếng thế giới trên YouTube để tạo ra một sự tác hợp kỳ diệu, đưa âm nhạc của Samantha đến với lượng khán giản đông đảo. Bộ phim đã đoạt giải thưởng của Hiệp hội phê bình báo chí; Giải thưởng khán giả – Liên hoa phim tài liệu quốc tế; Giải Phim tài liệu Âm nhạc hay nhất tại Liên hoan phim kiệt tác 2017.

Theo Ban Tổ chức, Liên hoan phim năm nay có 22 phim điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 11 phim quốc tế và 15 phim Việt Nam. Các phim của Việt Nam là những phim giành giải cao do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất và một số phim đến từ Điện ảnh Quân đội, Đài Truyền hình Việt Nam, Khán An Film, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, hãng TPD và các tác giả làm phim độc lập.

Tại Liên hoan phim lần này không thể không kể đến bộ phim “Bí ẩn từ những pho tượng Phật” của đạo diễn Hoàng Lâm từng đoạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.

Với bất kể một quốc gia, vùng lãnh thổ hay một tộc người nào trên thế giới, quan niệm – kiến thức – kỹ năng ứng xử với cuộc đời sau cái chết thông qua nhục thân người luôn được nhìn nhận và xem xét nhưng một trong những tiêu chí văn hóa, văn hiến và trình độ nhận thức khoa học của dân tộc ấy, tiêu biểu cho hệ thống nhận thức ấy chính là xác ướp.

Việt Nam là đất nước có bề dày văn hiến và sở hữu trong kho tàng kiến thức dân gian của mình khá nhiều các trường hợp tiêu biểu về xác ướp trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Tuy vậy, 2 bức tượng Phật ở Chùa Đậu, 1 bức ở chùa Phật Tích và 1 bức ở Chùa Tiêu Sơn thuộc những địa điểm Hà Tây cũ và Bắc Giang với những đặc trưng rất riêng cho lối giữ gìn nhục thân bằng kiến thức và chất liệu dân gian Việt Nam.

Vậy điều gì đã làm nên một thế đứng vững vàng của tam giác: khoa học – kiến thức dân gian – niềm tin, góp phần tạo diện mạo thú vị cho nền khoa học hình thành và bồi đắp trong đời sống hàng ngày qua bao thế hệ người dân Việt? Lời giải đáp nằm trong từng phút của bộ phim này khiến cho khán giả không ngừng thán phục bởi lối làm phim tài liệu hấp dẫn của đạo diễn Hoàng Lâm.

Còn rất nhiều tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc đến với Liên hoan lần thứ 9. Trong suốt 10 ngày từ 8-17/6, khán giả sẽ có dịp tìm hiểu văn hóa, con người, xã hội Việt Nam và các nước khác, nơi những dòng văn hóa đương đại đang cuộn chảy và hòa nhập qua những bộ phim tài liệu đặc biệt được trình chiếu tại hãng phim tài liệu Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh).

Nguồn laodongthudo.vn