Những kì vọng mới vào tân Thủ tướng Australia

Các đảng phái chia rẽ trong bối cảnh suy thoái kinh tế khiến bất ổn chính trị kéo dài và người dân mất lòng tin.

Diễn biến bất ngờ

Trong cuộc bỏ phiếu nội bộ bầu lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền vào ngày 14/9, Thủ tướng Tony Abbott bất ngờ bị loại khỏi chính trường khi chỉ giành được 44 phiếu bầu và buộc phải nhường lại chiếc ghế “nóng” cho Bộ trưởng Truyền thông của mình, ông Malcolm Turnbull với số phiếu là 54.

Trước đó cùng ngày, ông Turbull đã thông báo từ chức Bộ trưởng Truyền thông để thách thức vị trí lãnh đạo đảng Tự do của ông Abbott, yêu cầu Thủ tướng Abbott xúc tiến một cuộc họp đảng để bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo mới.

Ông Turnbull cho rằng vai trò lãnh đạo của ông Abbott đã suy yếu do những quan ngại về năng lực điều hành của chính phủ liên minh, và chính phủ sẽ thua trong cuộc bầu cử sắp tới nếu không thay đổi lãnh đạọ.

Trong Quốc hội Australia hiện nay, Chủ tịch đảng Tự do cũng đồng thời là Thủ tướng, đứng đầu liên minh bảo thủ hiện nay gồm đảng Tự do và Dân chủ. Do đó, sáng 15/9, ông Abbott đã chính thức từ chức trước Toàn quyền Peter Cosgrove và ông Malcolm Turnbull đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành Thủ tướng thứ 29 của Australia và là Thủ tướng thứ tư trong 5 năm qua ở nước này.


Tăng trưởng kinh tế không cao trong khi khối lượng xuất khẩu suy giảm khiến căng thẳng trong chính trường Australia sâu sắc hơn

Người dân thất vọng

Việc thay đổi chính quyền tại Australia là một dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng bất ổn chính trị kéo dài tại đây đã khiến người dân và giới kinh doanh không còn tin tưởng vào chính phủ, đặc biệt dưới sự lãnh đạo ông Abbott.

Nhậm chức tháng 9/2013, ông Abbott đã có đủ thời gian để chứng tỏ năng lực điều hành đất nước nhưng chính quyền của ông đã có những quyết định đi ngược lại lời hứa với cử tri như không tạo điều kiện cho phụ nữ vào chính quyền, từ chối ủng hộ hôn nhân đồng tính trong khi cắt giảm ngân sách ở một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, tăng phí khám bệnh và đặc biệt là kéo dài độ tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của một bộ phận người dân.Trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, chính quyền do ông Abbott lãnh đạo còn xử lí cứng nhắc trong khi thiếu quan tâm tới những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Liên tục gặp khó khăn trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Abbott cũng giảm dần theo thời gian. Năm 2013, tỷ lệ ủng hộ ông là 53% nhưng đến năm đầu tiên làm Thủ tướng, con số này ở dưới mức 50%. Và theo một cuộc thăm dò mới nhất của hãng Newspoll trong năm nay, tỷ lệ người dân không hài lòng với việc làm của Thủ tướng Abbott tăng tới 63%, được coi là mức thấp nhất trong lịch sử Australia đối với một Thủ tướng.

Bối cảnh kinh tế đi xuống

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, tân Thủ tướng Turnbull đã thẳng thắn tuyên bố ông Abbott không có năng lực lãnh đạo nền kinh tế. Điều này được khẳng định khi nền kinh tế Australia năm 2014 và nửa đầu năm 2015 chìm sâu trong suy thoái kinh tế.

Theo số liệu công bố ​hai tuần trước, kinh tế Australia trong quý 2 chỉ tăng 0,2%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, chủ yếu do xuất khẩu, vốn phụ thuộc phần lớn vào đối tác thương mại chính của nước này là Trung Quốc, giảm mạnh. Đồng thời, tỷ giá đồng đôla Australia (AUD) so với USD cũng giảm, đã xuống dưới mức 0,70 USD đổi 1 AUD hôm 4/9 và là mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 6,4-6,5% với khoảng 800.000 người chính thức thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao, ngành khai khoáng mất vị trí, đặc biệt do sự giảm giá quặng sắt, hàng xuất khẩu quan trọng đem lại nguồn thu lớn cho Australia trong suốt 10 năm qua cùng với sự giảm giá đồng nội tệ đã buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Australia giảm lãi suất thấp kỷ lục xuống còn 2%.

Hi vọng mới

Về thời gian cầm quyền, ông Turnbull khẳng định sẽ không kêu gọi bầu cử trước thời hạn nhằm tận dụng lợi thế hay để củng cố quyền lực khi tuyên bố Quốc hội hiện hành sẽ hoạt động hết nhiệm kỳ, có nghĩa là cuộc tổng tuyển cử tới vẫn được tổ chức theo dự kiến vào tháng 9/2016.

Trong nội bộ chính phủ, Thủ tướng Turnbull cho biết vẫn duy trì một “nội các truyền thống” nhằm đảm bảo mọi quyết định đưa ra đều có sự nhất trí của đa số thành viên nhưng sẽ có một số sự cải tổ nhỏ, đặc biệt là việc tăng số lượng nữ chính trị gia hơn trong thành phần nội các đầu tiên so với người tiền nhiệm Tony Abbott vốn chỉ có 2 nữ Bộ trưởng trong Nội các 19 thành viên.

Danh sách thành viên nội các mới của Australia sẽ được công bố vào đầu tuần tới nhưng hiện có một số đồn đoán rằng Bộ trưởng Giáo dục Christopher Pyne sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Scott Morrison có thể sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngân khố thay ông Joe Hockey, người chịu nhiều chỉ trích trong đảng do các vấn đề liên quan đến ngân sách.

Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Turnbull cũng cho biết ưu tiên hàng đầu của mình là tập trung thúc đẩy kinh tế với cam kết “thổi luồng gió mới” vào nền kinh tế Australia, tập trung xây dựng kinh tế và xã hội như nền tảng của an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Về cuộc khủng hoảng người di cư, chính phủ của ông được cho là sẽ có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn và việc tránh sử dụng các biện pháp cứng rắn trước đây như trục xuất những thuyền tị nạn đến hải phận Australia khi có thể và đưa hàng nghìn người tị nạn đến những trung tâm giam giữ ở nước ngoài.

Trong việc xây dựng nền tảng cho cuộc bầu cử năm 2016, Thủ tướng Turnbull được cho là sẽ nhấn mạnh về cải cách kinh tế trong nước hơn là những thành tựu về chính sách ngoại giao. Với vai trò là một nhà kinh tế xuất sắc, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược đối ngoại của ông Turnbull, liệu có sự thay đổi nào về lập trường của Australia đối với các vấn đề quan trọng của khu vực hay vai trò của nước này tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và G-20.

Trong khi nhiều quốc gia sẽ chào đón những cơ hội và sự phát triển mới của Australia, Nhật Bản lo ngại về mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Abe và ông Abbott có được tiếp tục hay không và Washington trước đó cũng đã hi vọng sự hỗ trợ mạnh mẽ của ông Abbott trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Thách thức về duy trì đoàn kết nội bộ

Trong khi vị trí Thủ tướng của ông Turnbull đã được ấn định, vấn đề của liên đảng cầm quyền hiện nay là liệu có duy trì được sự đoàn kết để chạy đua với Công đảng đối lập trong cuộc bầu cử vào năm tới hay không?

Với tỷ lệ phiếu chênh lệch cao giữa hai ông TurnBull và Abbott trong cuộc bỏ phiếu tối 14/9, dư luận đang nghi ngờ có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Tự do. Dù Đảng Tự do là một đảng theo trường phái bảo thủ, với cương vị Bộ trưởng Truyền thông trước đó, ông Turnbull lại được biết đến với những quan điểm cấp tiến theo đường lối trung tả, với sự ủng hộ nhiệt tình về vấn đề biến đổi khí hậu và hôn nhân đồng giới. Điều này khiến các thành viên trong Đảng Tự do không mấy hài lòng và họ thậm chí bày tỏ lo ngại rằng ông Turnbull có thể không tuân thủ triệt để những chính sách cốt lõi của Đảng.

Cũng theo Tiến sĩ Peter John Chen, giảng viên chính trị tại Đại học Sydney, ông Turnbull có “những đặc điểm nổi bật của một nhà lãnh đạo hiệu quả. Nhưng ông ấy không được yêu mến rộng rãi trong đảng của mình bởi ông thường có xu hướng đi theo cánh tả trong khi các thành viên khác lại chọn đường lối cánh hữu”.

Trong khi đó, một số nghị sỹ Đảng Quốc gia trong liên đảng cầm quyền do không đồng tình với việc ông Abbott bị lật đổ một cách chóng vánh như vậy đã cảnh báo không hợp tác nếu tân thủ tướng không đáp ứng một số yêu cầu của họ.

Còn Đảng Lao động đối lập đã ngay lập tức chỉ trích ông là “một triệu phú sống trong một dinh thự xa hoa màu hồng ở Cảng Sydney” và hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của người dân Australia.

Bất chấp những “lời hứa có cánh” từ vị Thủ tướng thứ 29 của Australia, thực tế phát triển của nước này trong thời gian tới, không chỉ về kinh tế mà còn về ổn định chính trị, xã hội và nâng cao vị thế ngoại giao còn nằm ở phía trước.

Nguồn Tổ quốc