Những chuyển biến tích cực của GTVT

Luân chuyển hành khách tiếp tục tăng trưởng khá; lượng vốn đầu tư thực hiện đạt mức cao nhất trong các bộ, ngành; tốc độ tăng giá cước vận tải kho bãi tăng thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng… là những dấu hiệu khởi sắc của ngành GTVT 4 tháng qua.

Các chỉ số thống kê tốc độ tăng/giảm một số chỉ tiêu thuộc ngành Giao thông, vận tải (GTVT) 4 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 như sau (nguồn số liệu: Tổng cục Thông kê):

– Luân chuyển hành khách: Tăng 6,2%;

– Luân chuyển hàng hóa: Tăng 2,1%;

– Giá cước kho bãi quý I/2014: Tăng 2,66%;

– Vốn đầu tư ngân sách Bộ GTVT thực hiện: Giảm 1,9%;

Số vụ TNGT giảm 2,7%; số người chết vì TNGT giảm 4,8%; số người bị thương vì TNGT tăng 1,4%.

Lĩnh vực luân chuyển hành khách tiếp tục tăng trưởng khá, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một tăng lên của nhân dân. Trong 5 ngành vận tải hành khách, có 4 ngành tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao nhất là đường hàng không (tăng 11,4%); tiếp đến là đường bộ (ngành chiếm tỷ trọng 73,6% trong tổng lượng hành khách luân chuyển tăng 5,3%); đường sông (tăng 2,2%); bằng đường biển (tăng 1,2%). Tuy nhiên, luân chuyển hành khách bằng đường sắt tiếp tục giảm (năm 2013 giảm 4,5%; 4 tháng qua giảm 4,5%).

Luân chuyển hàng hóa đã có tín hiệu tăng so với cùng kỳ với tốc độ cao lên (2 tháng tăng 0,5%, quý I tăng 1,3%, 4 tháng tăng 2,1%) cho thấy dấu hiệu phục hồi dần của đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đã kéo giao thông vận tải tăng lên theo.

Trong 5 ngành vận tải hàng hóa, có 4 ngành tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Hàng không tăng cao nhất (tăng 4,4%); đường bộ (tăng 4,2%); đường sông (chiếm tỷ trọng 17,6%, tăng 2,3%); đường biển (chiếm tỷ trọng cao nhất 59,7%, tăng 1,5%). Nhưng luân chuyển hàng hóa bằng đường sắt tiếp tục giảm (năm 2012 giảm 3,3%, năm 2013 giảm 5,5%, 4 tháng năm nay giảm 2,4%).

Như vậy, cả luân chuyển hành khách và luân chuyển hàng hóa bằng đường sắt đều bị giảm. Đáng lưu ý, tỷ trọng luân chuyển bằng đường sắt trong tổng luân chuyển hiện còn khá nhỏ (luân chuyển hành khách chiếm 2,6%, luân chuyển hàng hóa chiếm 1,7%). Điều đó có nghĩa là vận tải bằng đường sắt cần được nghiên cứu để khắc phục những hạn chế nhằm cải thiện nhanh cả về cơ sở hạ tầng và quản lý điều hành…

Về vốn đầu tư cho giao thông vận tải, trong nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, phần vốn phân cho Bộ GTVT quản lý theo kế hoạch năm chiếm tỷ trọng cao nhất trong các bộ, ngành (11,5%); thực hiện 4 tháng đã đạt 1.749 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch. Đáng lưu ý, lượng vốn thực hiện đã gia tăng qua các tháng (tháng 1 đạt 348 tỷ đồng, tháng 2 đạt 351 tỷ đồng, tháng 3 đạt 548 tỷ đồng, tháng 4 đạt 551 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ cao nhất trong các bộ, ngành, cao gấp rưỡi tỷ lệ thực hiện chung (25,2%).

Tuy nhiên, lượng vốn thực hiện 4 tháng năm nay cũng bị giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thi công chậm tuy đã có cố gắng hạn chế, nhưng vẫn còn; bên cạnh đó, dư luận vẫn còn bức xúc về tình trạng đội vốn, chất lượng thi công…

Tốc độ tăng giá cước vận tải kho bãi bình quân so với cùng kỳ, nếu năm 2012 cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng (tăng 13,2% so với 9,21%), thì năm 2013 tăng thấp hơn (tăng 6,48% so với 6,6%) và quý I năm nay cũng tăng thấp hơn (tăng 2,56% so với 4,83%) đã góp phần giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong các chỉ số giá cụ thể thì chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt tăng cao nhất (tăng 5,24%), cao gấp đôi tốc độ tăng giá cước vận tải, kho bãi.

Về tai nạn giao thông, trong 4 tháng đã xảy ra 3.609 vụ, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước; làm chết 3.173 người, giảm 4,8%, làm bị thương 2.382 người, tăng 1,4%.

Đây là kết quả tích cực của việc cải thiện về cơ sở hạ tầng, về công tác quản lý, điều hành và sự hưởng ứng của các chủ phương tiện giao thông. Tuy nhiên, với mức bình quân 1 ngày trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 30 vụ tai nạn giao thông (và 42 vụ va chạm giao thông), làm 26 người chết, 20 người bị thương (và 51 người bị thương nhẹ) thì vẫn có nhiều việc phải làm. Trong các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, thì việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của các chủ phương tiện giao thông, đồng thời với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành…

Nguồn Chính phủ