“Những bước chân lặng lẽ” – tô thắm hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19-8-1945/19-8-2015), tối ngày 7/8, tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Những bước chân lặng lẽ”.

Chương trình là hoạt động nhằm tôn vinh những cống hiến, hy sinh, cũng như khơi dậy lòng tự hào trong mỗi cán bộ, chiến sỹ những người đang gánh vác nhiệm vụ nặng nề, nhưng đầy vinh quang của lực lượng Công an. Đây cũng là dịp để người dân thêm hiểu hơn về những công việc thầm lặng, những góc khuất đời thường của những chiến sĩ công an, để cùng cảm thông, gắn bó, tin tưởng, ủng hộ và cùng góp sức với lực lượng công an trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở Thủ đô.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban, ngành
tới dự Chương trình “Những bước chân lặng lẽ”.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tới dự Chương trình
và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc với lực lượng Công an Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung,Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đón nhận lẵng hoa của
Bộ trưởng Trần Đại Quang chúc mừng Công an Hà Nội, nhân dịp 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân.

Chương trình có sự tham gia đặc biệt của các nhân chứng lịch sử, các vị khách mời như: Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; cùng các cán bộ chiến sỹ đã tham gia phá các vụ án lớn.

Cuộc gặp gỡ xúc động giữa gia đình nạn nhân với Thiếu tá Phạm Hồng Quân – chiến sỹ Công an trực tiếp tham gia phá vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, năm 2011.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung- Giám đốc Công an thành phố Hà Nội
tham gia giao lưu với khán giả trong chương trình.

Góp phần vào phác họa chân thực về chiến công và sự hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND, đó là sự chia sẻ của Thiếu úy Nguyễn Thị Hợp (người cầm Micro) – vợ của Đại úy Nguyễn Văn Út, đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ thu hồi vũ khí vật liệu nổ; Trung úy Đỗ Thị Nguyệt Thương, người đã có 10 năm gắn bó với công việc chăm sóc phạm nhân; Thiếu tá Lê Văn Toàn, Trưởng CAP Xuân Đỉnh, 10 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích trong công tác.

2 chiến sĩ Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) dự chương trình và kể lại câu chuyện
giúp đỡ một sản phụ vượt cạn trên bờ đê trong đêm mưa gió.

Tiếp tục chứng kiến những câu chuyện nhân văn của các chiến sỹ Công an các thế hệ khác nhau, đó là sự chia sẻ của chiến sỹ Phạm Bảo Ngọc với những tình cảm trân trọng về người cha – đồng chí Phạm Văn Nhuận, chiến sỹ Công an bị tàn tật do xả thân cứu 1 phụ nữ mang thai thoát khỏi tai nạn đường tầu, khi làm nhiệm vụ, 30 năm trước.

Trong chương trình, khán giả có dịp thưởng thức những ca khúc viết về lực lượng CAND như “Thành phố lại bình yên” bài hát được nhạc sĩ Hồng Đăng viết tặng Công an Hà Nội hay những ca khúc về Hà Nội, ca khúc ngợi ca quê hương đất nước như: Hồ Gươm sáng sớm, Hà Nội đêm, Góc phố bình yên…

Ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” do Bí thư Huyện ủy huyện Thanh Trì Trần Văn Khương
thể hiện bằng tất cả lòng tự hào và tình yêu đất nước.

Đại diện Ban Tổ chức, Đại tá Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô tặng hoa và trao kỷ niệm chương cho các đơn vị tài trợ đã có thành tích đóng góp cho thành công Chương trình.