Nhận diện việc làm trong kỷ nguyên 4.0

Với cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp, lương thấp và kỹ năng cao, lương cao

Công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá về tư duy và công nghệ mới, làm thay đổi tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, siêu tự động hóa, người máy, trí tuệ nhân tạo.

Cho đến nay, mặc dù chưa thực sự có nghiên cứu nào đánh giá mức độ đột phá về công nghệ mới của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam song cũng có thể thấy những thay đổi đời sống xã hội như dịch vụ xe UBER, GRAB hay nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh, quy trình tự động hóa sản xuất mang tính hệ thống của nhiều tập đoàn, công ty.

Nước ta không nằm ngoài tiến trình phát triển chung của thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Trên nhiều diễn đàn gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư được bàn luận rất nhiều bao gồm cả những suy tư lo lắng về mất việc làm, về sự tụt hậu của kỹ năng lao động và đặt ra nhiều câu hỏi cho giáo dục và đào tạo nghề nghiệp. Dưới đây là nhận diện một số vấn đề đặt ra.

Nhận diện việc làm trong kỷ nguyên 4.0 - Ảnh 1.

Người lao động trong kỷ nguyên 4.0 chỉ việc điều khiển máy móc làm việc cho mình.

Điểm nổi bật của kỷ nguyên 4.0 là trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhiều công đoạn sản xuất dịch vụ, và do vậy, có nguy cơ dẫn đến thừa lao động ở một số vị trí việc làm và ngành nghề.

Với cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp, lương thấp và kỹ năng cao, lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nhóm lao động kỹ năng trung bình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với những công việc có tính lặp lại dễ bị thay thế bởi tự động hóa và trợ lý ảo.

Qua các nghiên cứu cho thấy, sản xuất đang trải qua một sự thay đổi hướng tới tư duy thiết kế thay vì tư duy sản xuất, và nhu cầu về tư duy liên ngành và sự sẵn sàng học tập suốt đời và liên văn hoá trở nên quan trọng hơn.

Người lao động Việt Nam, ngoài kỹ năng nghề nghiệp cần được trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ như ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực và tư duy phê phán, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và lập luận toán, giải quyết vấn đề.

Trong cuộc cách mạng này thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Cùng với việc tăng cường tự động hóa và sử dụng robot thay thế con người trong các lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị đào thải và trở thành thất nghiệp.

 Những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp (các hoạt động đơn giản được lặp đi lặp lại) sẽ dễ được thay thế bằng các robot hay các dây chuyền tự động hóa, do đó người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng CN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Theo đó người lao động sẽ phải nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất. Chẳng hạn, người lao động sẽ đóng vai trò là những người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo khi khắc phục một lỗi, sự cố hoặc để tối ưu hóa các quy trình sản xuất. Điều này đòi hỏi người lao động phải có các kiến thức về hệ thống, quy trình, phương pháp và công nghệ phù hợp.

Các kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin như lập trình, kỹ năng liên ngành, khai thác dữ liệu lớn, an toàn thông tin, an ninh mạng kỹ năng kỹ thuật để xử lý các phương tiện kỹ thuật số; kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hợp lý và hiệu quả; các năng lực Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học (STEM); khả năng xử lý thông tin phức tạp và quản lý dữ liệu… là các kỹ năng quan trọng của người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó các kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án… cũng rất quan trọng.

Nguồn NLĐ