Nhân dân Lào đón Tết Bun Pi Mày năm nay vui hơn


Thiếu nữ Lào trong Lễ hội Bun Pi Mày ở Luông Pha Băng.  
Giữa tháng 4, khi gió mùa tây-nam thổi mạnh, mùa mưa sắp đến, là lúc nhân dân các bộ tộc Lào đón Tết cổ truyền - Bun Pi Mày (Lễ hội năm mới-Làm phúc năm mới) hay Lễ hội Hốt nậm (té nước), cầu mong nước về để cuộc sống sinh sôi.

Theo truyền thống và nghi thức cổ truyền, ngày 14-4 hằng năm là ngày mở hội Bun Pi Mày, làm phúc trong năm mới. Trong những ngày Tết, nhân dân các bộ tộc Lào từ những bản làng xa xôi, đến phố đông người đều đổ về các chùa, mang theo âu bạc đựng đầy nước ướp hoa thơm để tắm mát cho tượng Phật. Người ta té nước cho nhau thay cho lời chúc năm mới tốt lành, bình an và gặp nhiều may mắn. Người người cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.

Tết Bun Pi Mày năm nay, nhân dân các bộ tộc Lào đón năm mới trong bầu không khí hân hoan vì những kết quả phát triển kinh tế, xã hội đạt được trong những năm qua đã đặt nền móng vững chắc để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước do Ðảng NDCM Lào đề ra và lãnh đạo thực hiện, đồng thời mở ra những triển vọng tươi sáng trong tương lai. Từ Ðại hội IV (1986), Ðảng NDCM Lào đã đề ra đường lối đổi mới, Ðại hội V (1991) tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện đường lối đổi mới, tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, từng bước tiến tới mục tiêu XHCN. Ðại hội VI (1996) tổng kết năm bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn mười năm lãnh đạo thực hiện đổi mới và đánh giá đó là thành quả lịch sử quan trọng. Ðại hội VII (2001) đã triển khai đường lối đổi mới thành chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020. Ðại hội lần thứ VIII (tháng 3-2006) của Ðảng NDCM Lào đề ra mục tiêu lớn đến năm 2020, tăng GDP gấp ba lần so với năm 2000, đưa Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Tháng 3 vừa qua, Ðại hội lần thứ IX của Ðảng NDCM Lào đã được tổ chức thành công tốt đẹp. 576 đại biểu, đại diện cho hơn 191.780 đảng viên cả nước đã tham dự sự kiện chính trị quan trọng này. Ðại hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ bảy (2011-2015) và đề ra bốn mục tiêu lớn trong những năm tiếp theo là: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thống nhất trong toàn Ðảng; nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Ðảng; tạo bước đột phá trong việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới; xây dựng cơ sở vững chắc để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020 và tiến lên xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ cụ thể của toàn Ðảng, toàn dân đến năm 2015 gồm: Ổn định chính trị trên cơ sở củng cố chế độ dân chủ nhân dân; Kinh tế phát triển liên tục và bền vững, đạt mức tăng trưởng GDP 8% trở lên và đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 1.700 USD; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn không quá 10% số lượng hộ cả nước, đạt các mục tiêu thiên niên kỷ và CHDCND Lào có quan hệ quốc tế rộng mở, đủ khả năng và chủ động hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.

Trong những năm gần đây, nhân dân các bộ tộc Lào đã phấn đấu nỗ lực và đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội. Ba năm gần đây, GDP tăng trưởng ấn tượng với mức 7,2% trong năm 2008, 7,5% năm 2009 và năm 2010 tăng 7,8%, đạt 6,4 tỷ USD. Tính theo sức mua tương đương (GDP/PPP) năm 2010 đat 15,7 tỷ USD. Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,95 tỷ USD, gần gấp ba lần năm 2008 (720,9 triêu USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, so với 1,199 tỷ USD của năm 2008; dự trữ ngoại tệ đạt 756 USD so với 513,5 triêu USD năm 2008.

Tết Bun Pi Mày năm nay diễn ra vui tươi hơn, nhân dân các bộ tộc Lào, nhất là ở Thủ đô Viêng Chăn vui mừng vì đã tổ chức thành công Ðại hội thể thao các nước Ðông-Nam Á năm 2009 và lễ kỷ niệm 450 năm thành lập thành phố vào cuối năm 2010, cũng như việc tổ chức thành công nhiều hội nghị lớn của khu vực và quốc tế khác. Nhiều dự án lớn xây dựng đất nước, phát triển công nghiệp, mở mang giao thông đã, đang và sẽ được triển khai tại Lào. Nước Lào đang đổi mới, đang phát triển để hội nhập theo xu thế chung của khu vực và quốc tế.