Nghĩ về đạo đức người làm báo

Nhắc đến nhà báo, nhiều người đã nhớ đến rất nhiều nhà báo dũng cảm, trung thực, tài giỏi và hết lòng vì nghề. Họ là những người luôn nghĩ đến cái tâm, tấm lòng bên cạnh những phẩm chất khác; có tầm hiểu biết và nhận thức sâu sắc về cuộc sống, chịu thương, chịu khó vượt qua những chướng ngại để hoàn thành nhiệm vụ, đôi lúc phải hy sinh cái riêng vì chuyện chung.

Song cũng chưa bao giờ báo chí nói chung, người làm báo nói riêng phải chịu sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường như hiện nay. Trong con lốc xoáy của nền kinh tế thị trường, có những bài báo, nhà báo đi ngược lại với tiêu chí đạo đức nghề nghiệp cần có. Tình trạng thương mại hóa báo chí luôn là một nguy cơ hiện hữu, cần phải cảnh báo với hoạt động báo chí hiện nay. Chính điều này đã nhắc nhở người làm báo “ngòi bút phải gắn liền với đạo đức nghề nghiệp”. Đó là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp.

Có một thời khi nói đến nhà báo không ít người liên tưởng đến đời sống vật chất khó khăn nên mới có câu “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo… nhà nghèo”. Câu nói mang tính tổng kết ấy có vẻ như cay đắng, nhưng tựu chung vẫn là sự trân trọng cho những người được cho là trí thức của xã hội nhưng chưa nhận được sự ưu ái đúng mức. Hồi ấy, phóng viên vẫn đi làm bằng xe đạp nhưng vẫn đều đều có mặt  ở những nông trường, vùng sâu, vùng xa để đưa tin, viết bài. Khó khăn lắm mới có được bài đăng báo, nhưng tiền nhuận bút chỉ đủ bao bạn bè chầu cà phê sáng. Ấy vậy lmà lúc bấy giờ hiếm nghe một câu than phiền nào về đạo đức người làm báo.

Thế rồi khi đất nước đổi mới, vai trò báo chí được phát huy và dần… “thoát nghèo”. Chuyện phóng viên phải cọc cách trên chiếc xe đạp lùi về dĩ vãng, công nghệ thông tin đã thay dần những trang giấy, nhưng cùng với đó bắt đầu xuất hiện những vụ bê bối dính líu đến nhà báo. Những “con sâu làm sầu nồi canh” lác đác xuất hiện trên các trang báo. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp một vài bài viết thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra), thông tin méo mó (một chiều), không quan tâm đến hậu quả của thông tin, đưa tin không khách quan vì mục đích vụ lợi hoặc vì năng lực chuyên môn kém, khuynh hướng thương mại hóa báo chí. Một vài phóng viên trẻ, mới vào nghề muốn nhanh chóng có nhiều bài báo được đăng tải trên mặt báo để tạo tên tuổi. Một số ít nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội, vi phạm đạo đức báo chí… gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, những năm gần đây, vấn đề nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo luôn được Hội Nhà báo các cấp quan tâm và thường xuyên nhắc nhở hội viên trong chi hội mình.

Suy cho cùng quan niệm về đạo đức nghề báo cũng vẫn dựa trên đạo đức xã hội nói chung để phân biệt tốt – xấu, thiện – ác. Công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta cần chống lại sự lạm dụng báo chí, một khía cạnh quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, để gìn giữ năng lực giải quyết vấn đề của hệ thống truyền thông trong một nền dân chủ, ngược lại với kết quả không mong muốn và một số lỗi lầm thực tế của báo chí hiện nay. Song, báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Điều đó dễ dẫn đến sự lạm dụng báo chí nhằm tăng lợi nhuận cho đơn vị mình mà các phóng viên có thể “câu khách” bằng những thông tin dạng “lá cải” hay vì lợi ích cá nhân ích kỷ của mình, vì mục đích “đánh cho tơi bời” nên nói càn, viết càn”, cuối cùng làm nhiễu loạn thông tin, hạ thấp nhân phẩm của những người làm báo chân chính, nhân dân bất bình, thiếu tin tưởng vào báo chí.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo phải trung thực, độc lập và công bằng trogn quá trình làm báo. Bởi lẽ, theo  Người, đạo đức là sức mạnh của nhà báo, chỉ khi nào nhà báo nói lên được sự thật, phục vụ cho đông đảo quần chúng thì lúc đó nhà báo sẽ được nhân dân bảo vệ. Người làm báo mà không trung thực, thổi phồng, bóp méo, không nói đúng sự thật, thông tin một chiều, thiếu khách quan, từ đó có thể làm tổn hại đến nhiều người, làm hại nguồn tin, làm hại tờ báo của chính họ. Khi nói chuyện ở Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”(3). Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Vì vậy, người làm báo phải một lòng, một dạ phục vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, nhân dân và xã hội. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ không thuộc phạm trù đạo đức, nhưng ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì thuộc phạm trù đạo đức.

Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bởi vì nếu không như vậy thì  không thể có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, không có chuyên môn vững vàng, thì không thể hoàn thành trọn vẹn ý thức và tinh thần trách nhiệm xã hội. Ngày nay, trong các trường đào tạo cử nhân báo chí môn học chuyên biệt về đạo đức nghề nghiệp nhà báo để đào tạo các nhà báo. Tuy nhiên, đào tạo trong nhà trường mới chỉ là một phần, là sự khởi đầu. Bởi các nhà báo tuy đã được nhà trường trang bị nhiều kiến thức cần thiết nhưng khi tác nghiệp họ còn chịu sự ràng buộc của rất nhiều yếu tố, của nhiều mối quan hệ, bị chế định bởi nhiều điều kiện; mặt khác cuộc sống bao giờ cũng phong phú, đa dạng và nhiều yếu tố bất ngờ.

Thiết nghĩ, đạo đức nghề nghiệp phải được đặt trong các mối quan hệ của nhà báo. Hay nói cụ thể, nhà báo phải có trách nhiệm với từng tác phẩm và sản phẩm, đứa con tinh thần do mình tạo ra. Trong một tình huống cụ thể, nhà báo xác định phải ứng xử như thế nào để phù hợp với quy tắc đạo đức, mang lại điều mà xã hội và công chúng mong đợi. Một con sâu làm rầu nồi canh, người ta có thể đổ đi để nấu nồi canh khác, nhưng một nhà báo, tác phẩm vi phạm đạo đức nghề nghiệp không những gây hậu quả xã hội to lớn mà còn khó có thể lấy lại được danh dự và uy tín của cơ quan báo chí, nền báo chí đối với công chúng xã hội. Ngày Xuân bàn chuyện đạo đức của người làm báo chỉ mong sao người viết báo  hãy sống và ứng xử thật khiêm tốn. Đồng thời mỗi người cần nắm vững pháp luật, tuân thủ Luật báo chí, làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm với xã hội.

LÊ QUANG HUY