Ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung ĐH-CĐ – Tranh suất vào trường công lập

Ngày 20-8, hơn 400.000 thí sinh trượt nguyện vọng (NV)1 bước vào cuộc đua xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) ở các trường ĐH-CĐ còn chỉ tiêu. Với số thí sinh (TS) dôi dư nhiều, cuộc đua xét tuyển NVBS năm nay dự báo có sự cạnh tranh gay gắt hơn, nhất là ở các trường ĐH tốp giữa.


Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Điểm cao chen vào trường tốp giữa

Tại Trường ĐH Sài Gòn, ngay trong buổi sáng, trường đã tiếp nhận 500 hồ sơ xét tuyển. Th.S Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, năm nay trường chỉ dành 335 chỉ tiêu ĐH và 990 chỉ tiêu CĐ cho NVBS. Đối với các TS có từ 13 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển thì được xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ vừa học vừa làm ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Đây là hai ngành học hiện TP đang có nhu cầu đào tạo.

Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, đến hết ngày hôm qua, bộ phận tuyển sinh của trường nhận được gần 400 hồ sơ đăng ký vào ĐH, hệ CĐ gần 100 hồ sơ. Nhìn chung, nhiều TS có điểm cao nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và tập trung vào những ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học và các ngành kinh tế. Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường: “Trường dành đến 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NVBS với mức điểm nhận hồ sơ bằng với điểm chuẩn NV1”.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong buổi sáng, lượng TS đến nộp hồ sơ đăng ký khá đông. Đến cuối ngày, trường nhận được gần 400 hồ sơ. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng nhận được hơn 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chỉ có 350 chỉ tiêu NVBS nhưng trong buổi sáng có hơn 450 hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Theo TS Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, trong ngày đầu tiên, trường nhận được hơn 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Hồ sơ đăng ký rải đều ở các ngành. Đáng nói là các ngành Nông lâm, Chế biến thủy hải sản và Thú y có lượng hồ sơ đăng ký khá nhiều so với mọi năm.

Trong khi đó, nhiều trường như ĐH Mở, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM, lượng đăng ký xét tuyển cũng dao động từ 100-300 hồ sơ.

Điểm đáng chú ý là TS năm nay không mặn mà với những ngành kinh tế như Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán ở nhiều trường còn chỉ tiêu xét tuyển NVBS.

Thí sinh tìm hiểu về xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Điểm thấp rẽ vào trường tốp dưới

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng TS trên mức điểm sàn rất lớn. Cụ thể, hệ ĐH số TS dôi dư so với mức điểm sàn các khối A, A1, B, C, D lên đến 238.768 thí sinh (năm 2012 là 141.000 thí sinh, tăng gần 100.000 thí sinh). Trong khi đó, hệ CĐ số TS dư trên mức điểm sàn là 162.405 TS.

Với tình hình điểm thi như trên, TS sẽ cạnh tranh gay gắt để tranh suất vào các trường công lập. Do đó, TS có sự toan tính và chưa mặn mà với trường tốp dưới (trường ngoài công lập, trường địa phương).

Cuối ngày 20-8, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận chưa tới 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Tài chính xét tuyển đến 1.000 chỉ tiêu nhưng kết thúc ngày hôm qua chỉ nhận được khoảng 30 hồ sơ của thí sinh. Trường ĐH Văn Hiến cũng chỉ nhận được hơn 100 hồ sơ.

Tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trong ngày hôm qua có gần 1.000 TS và phụ huynh đến tìm hiểu đăng ký xét tuyển NVBS. Bộ phận tuyển sinh nhận được 500 hồ sơ vào ĐH và CĐ. Mức điểm tập trung ở mức từ 13 – 15 điểm và rải đều ở các ngành kỹ thuật, công nghệ và kinh tế. Lượng hồ sơ nộp vào Trường ĐH Văn Lang đạt ở mức khá, hơn 300 hồ sơ. Th.S Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Mức điểm TS đăng ký xét tuyển ở mức 14 -15 điểm. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng hồ sơ TS đăng ký phân đều ở tất cả các ngành”.

Ở Trường ĐH Hoa Sen thống kê đến 17 giờ ngày hôm qua, trường nhận đến 850 hồ sơ đăng ký của TS.

Năm nay thời hạn đăng ký xét tuyển kéo dài từ ngày 20-8 đến hết ngày 30-10 và chia làm 3 đợt, mỗi đợt 20 ngày. Do đó, TS có điểm cao muốn vào trường công lập cần thận trọng và tính toán kỹ, trong đó cần xem kỹ thông tin chỉ tiêu, điểm nhận hồ sơ ở các ngành có xét tuyển. Với những TS có điểm từ điểm sàn hoặc cao hơn từ 1 – 1,5 điểm nên “biết người biết ta” và nên chọn những ngành nhiều chỉ tiêu và điểm xét tuyển bằng điểm sàn, đồng thời nên tìm những trường công lập ở địa phương hoặc những ngành ít người học, những trường ngoài công lập thì cơ hội sẽ nhiều hơn.