Ngành Văn hóa kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống

Sáng 22/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Đại hội Thi đua yêu nước Bộ VHTTDL lần thứ II – 2015.

Đến dự buổi lễ có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ…cùng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua các thời kỳ.

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành VHTTDL qua các thời kỳ; gần 300 đại biểu ưu tú là chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp Bộ (giai đoạn 2011-2014), các NSND, NSƯT, doanh nhân trong lĩnh vực du lịch, các huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu… đã cùng ôn lại chặng đường đường 7 thập kỷ mà toàn ngành đã đi qua, đồng hành và gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và biểu dương những thành tích của ngành Văn hóa trong 70 năm qua

Lễ kỷ niệm đã khái quát những đóng góp của ngành Văn hóa trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước 70 năm qua. Tiền thân là Bộ Thông tin, Tuyên truyền, thành lập ngày 28/8/1945, trải qua nhiều lần cải tổ, sắp xếp, từ năm 2007 đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua nhiều thập kỷ, ngành Văn hóa đã không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò của mình, với những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Đến nay, 130 đơn vị nghệ thuật công lập với trên 5.000 nghệ sĩ, diễn viên; trên 300 doanh nghiệp tư nhân có chức năng sản xuất phim, gần 300 đội chiếu phim lưu động; hàng ngàn thiết chế văn hóa các cấp, trải khắp mọi địa bàn; gần 4.000 thư viện công cộng, 30 triệu bản sách được lưu giữ; 21 di sản được UNESCO ghi danh là di sản thế giới… là những con số ấn tượng, khẳng định những nỗ lực, thành tựu của toàn ngành trong nhiều thập kỷ qua.


Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh nhận định, toàn Ngành phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ được giao

 

Với những thành tích đã đạt được, ngành Văn hóa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 102 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 458 Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 266 NSND, 1.935 NSƯT và nhiều NGND, NGƯT, 3 tập thể và 2 cá nhân của Ngành được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang…

Phát biểu tại tại buổi lễ, Bộ trưởng VHTTDL – Hoàng Tuấn Anh nhận định: “Trong thời gian tới, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và rất khó lường, đi cùng những cơ hội thuận lợi là không ít khó khăn, thách thức. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn Ngành những trọng trách mới, đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Theo đó, bước tiếp chặng đường 70 năm gian khổ và vinh quang của các thế hệ đi trước, toàn Ngành cần quán triệt sâu sắc 5 bài học: 1. Bài học nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; 2. Bài học về giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới; 3. Bài học về tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị; 4. Bài học về phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; thể dục, thể thao vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; 5. Bài học về sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân tham gia xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.


Tại buổi lễ, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ tuyền thống của ngành VHTTDL

Cũng tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Vũ Đức Đam biểu dương những thành tích, nỗ lực, đóng góp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành văn hóa qua các thời kỳ, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn thẳng là có không ít biểu hiện lệch lạc về văn hóa đã xuất hiện và có chiều hướng gia tăng nếu không kịp thời ngăn chặn. Phát triển văn hóa, đấu tranh chống lại những lệch lạc về văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người nhưng trước hết là của đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Năng lực quản lý, vai trò nêu gương rất cần được tăng cường, rất cần được đề cao và chúng ta cũng rất cần những phong trào thi đua gắn với cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần làm cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường như lời Bác dạy.”.

Tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ tuyền thống của ngành Văn hóa-Thể Thao và Du lịch.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:


Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đón nhận bằng chứng nhận Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.


Ca khúc “Việt Nam trên đường chúng ta đi” – một trong những tiết mục văn nghệ đặc sắc được biểu diễn tại lễ kỷ niệm


Một tiết mục nghệ thuật giao hưởng tại lễ kỷ niệm

Nguồn http://toquoc.vn