Ngành tôm Thái Lan gặp khó

       Dịch bệnh Hội chứng tôm chết sớm (EMS) gây thiệt hại đối với ngành nuôi tôm của Thái-lan. Dự báo lượng tôm sản xuất của nước này năm nay giảm gần một phần ba.

           

                                   
           

Rủi ro dịch bệnh

                      

      Thái-lan bắt đầu nuôi tôm quy mô lớn ở ven biển từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, sử dụng những con tôm sú bố mẹ đánh bắt từ biển để sản xuất giống cung cấp cho các hồ nuôi. Nuôi tôm sú thâm canh lúc đầu phát triển ở khu vực rìa phía bắc Vịnh Thái-lan sau khi thức ăn cho loại tôm này được sản xuất đại trà thành công, rồi mở rộng sang miền đông và xuống phía nam. Trung bình thu hoạch ba vụ mỗi năm, cho lợi nhuận cao, người nông dân đua nhau nuôi.

Hậu quả là chất lượng nước giảm, dịch bệnh đầu vàng và đốm trắng bùng phát năm 1990, người nông dân mất mùa. Chính phủ đã phải hỗ trợ vực dậy ngành này. Đến giữa thập niên 90, Thái-lan trở thành nước xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới.

Vào năm 2001, tôm sú nuôi ở Thái-lan lại mắc căn bệnh mới được gọi là hội chứng chậm lớn, nông dân bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm bố mẹ để bảo đảm cung cấp nguồn tôm sạch bệnh. Bên cạnh khả năng kháng bệnh cao hơn tôm sú, việc người nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng là do lợi nhuận thu được lớn hơn 2-3 lần so với nuôi tôm sú. Nước này đã thuần hóa và nuôi dưỡng tôm chân trắng sạch bệnh từ các công ty cung cấp của Mỹ. Đến nay, khoảng 90% diện tích nuôi tôm ở Thái-lan sản xuất loại tôm này.

Từ đầu năm 2012, ngành nuôi tôm nước này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mới – Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi. Dịch bệnh này lây lan ở cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. EMS được phát hiện đầu tiên tại vùng nuôi tôm đảo Hải Nam, Trung Quốc năm 2009, sau đó lan sang Việt Nam, Malaysia và Thái-lan.

Theo thông báo mới đây của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), nhóm nghiên cứu bệnh học thủy sản của Đại học Arizona (Mỹ) do Tiến sĩ Donald Lighter đứng đầu, đã tìm ra nguyên nhân của EMS. Mầm bệnh là một chủng khác lạ của vi khuẩn khá phổ biến vibrio parahaemolyticus lây truyền qua đường miệng, tập trung ở đường ruột của tôm, sản sinh độc tố làm phá hủy nhanh mô và làm rối loạn chức năng gan tụy trong hệ thống tiêu hóa. Đây là nguyên nhân làm tôm chết sớm trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi thả, tỷ lệ chết có thể tới hơn 70%. Tuy nhiên, loại vi khuẩn này không ảnh hưởng đến con người.

Trong khi các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm giải pháp khắc phục dịch bệnh này, hầu hết các trang trại trong vùng nuôi tôm rộng lớn ở miền đông Thái-lan đã bị thiệt hại. Diện tích nuôi tôm tại đây lớn thứ hai sau khu vực miền nam, cung cấp khoảng 30% tổng sản lượng tôm cả nước. Đỉnh điểm, đầu năm nay có đến 80 – 90% diện tích ao nuôi ở vùng này phải ngừng sản xuất do EMS.

Kêu gọi hỗ trợ

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái-lan (TFFA), ông Pote, EMS làm sản lượng tôm quý I năm nay của nước này giảm tới 40%, từ 100.000 tấn xuống 57.000 tấn và cả năm có thể giảm khoảng 30% so với năm ngoái, xuống dưới 400.000 tấn. Ba tháng đầu năm, xuất khẩu tôm giảm 20 – 30% (tương đương hơn 660 triệu đến 1 tỷ USD) do dịch bệnh EMS và đồng baht tăng giá

Năm ngoái, nước này sản xuất gần 550 nghìn tấn tôm, trong đó 90% được xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 100 tỷ baht (hơn 3,3 tỷ USD), đứng đầu thế giới. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Thái-lan, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước này. Tuy nhiên, sự sụt giảm về sản lượng do EMS khiến tôm Thái-lan xuất sang Mỹ trong quý 1 chỉ đạt gần 24 nghìn tấn, giảm 21,5% so với mức gần 30.500 tấn cùng kỳ năm ngoái, và giảm 26,6% về giá trị xuống còn 288 triệu USD. Cùng với mối lo dịch bệnh EMS, người nuôi tôm Thái-lan đang thấp thỏm chờ kết quả công bố của Mỹ vào ngày mai (28-5) về điều tra chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh của Thái-lan.

Trước thực trạng tổn thất do dịch bệnh, Hiệp hội thực phẩm đông lạnh Thái-lan vừa kêu gọi Chính phủ nước này hỗ trợ tài chính cho các trang trại nuôi tôm và các nhà xuất khẩu nhỏ để tăng tính thanh khoản; cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho người nuôi tôm.