Ngành Giáo dục tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, nội dung lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Tập trung lấy ý kiến về những quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II); Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III); Chính phủ (Chương VII) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn

Hình thức và đối tượng lấy ý kiến: Phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Bộ GD&ĐT; Tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến đóng góp trực tiếp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; Tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, nhà khoa học, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Bộ GD&ĐT về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tổng hợp, xây dựng từ ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ GD&ĐT, của các chuyên gia, nhà khoa học, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức lấy ý kiến về các quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để tham mưu, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó có các quy định về giáo dục và đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp…

Việc tổ chức lấy ý kiến được Bộ GD&ĐT yêu cầu phải bám sát các định hướng, nhiệm vụ, tiến độ được quy định tại Nghị quyết số 38/2012/QH13; Chỉ thị số 22-CT/TW; Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP; Kế hoạch của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 136/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hiệp hội, hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực, hiệu quả.

Ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và là cơ sở để góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.