Nepal gượng dậy sau động đất

Hai tuần sau khi trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ richter tàn phá đất nước, cùng với sự giúp đỡ của quốc tế, Nepal đang gồng mình đứng dậy để vượt qua bộn bề khó khăn, thử thách.

Ám ảnh từ những con số

Thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ Nepal ngày 6/5 cho thấy, số người thiệt mạng vì trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại nước này hôm 25/4 đã lên tới 7.652 người, trong khi đó có 16.390 người khác bị thương. Đây được coi là trận động đất kinh hoàng với thiệt hại lớn nhất tại Nepal trong vòng hơn 80 năm qua. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sindhupalchowk với 2.911 người thiệt mạng, trong khi tại Kathmandu là 1.202 và Nuwakot là 904.

 Trận động đất hôm 25/4 đã tàn phá, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại Nepal
(Ảnh: Reuters)

Giới chức nước này cho rằng, số người thiệt mạng có thể còn cao hơn nữa do một số khu vực vẫn chưa tiếp cận được và nhiều thi thể vẫn còn mắc kẹt trong các đống đổ nát. Số liệu của Chính phủ Nepal chỉ ra rằng, khoảng 1.400 trường học tại 26 quận, huyện của nước này đã bị hư hỏng vì động đất. Rất may, thời điểm xảy ra động đất là vào thứ 7 nên trẻ em đã không có mặt ở trường. Trong khi đó, theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 200.500 ngôi nhà đã bị phá hủy và 186.285 ngôi nhà bị hư hỏng do động đất. Chính phủ Nepal ước tính, số nhà cửa bị hư hỏng có thể còn tăng đến con số nửa triệu.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, trận động đất kinh hoàng hôm 25/4 đã ảnh hưởng tới cuộc sống của 8 triệu trong tổng số 28 triệu người dân Nepal, với ít nhất 2 triệu người đang cần lều bạt, nước uống, thực phẩm và thuốc men trong 3 tháng tới.

Trong khi đó, giới chức Nepal xác nhận, khoảng 90% số di sản của nước này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đã bị phá hủy hoặc hư hại vì động đất. Báo cáo đánh giá sơ bộ của giới chức khảo cổ học Nepal cũng cho biết, khoảng 60 ngôi đền trên khắp quốc gia thuộc vùng Himalaya này bị tàn phá bởi cường độ mạnh của trận động đất kinh hoàng hôm 25/4 vừa qua.

Những tàn tích còn sót lại của các di tích đang được giới chức Nepal thu thập để khôi phục. Tuy nhiên, quá trình khôi phục sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn nhiều triệu USD. Trước khi động đất xảy ra, Nepal là một quốc gia nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên đẹp và có nhiều di sản. Trung bình hàng năm, có khoảng 800.000 du khách nước ngoài tới Nepal để tham quan, trong đó, các tượng đài và đền chùa là điểm thu hút du lịch chính.

Chính phủ Nepal cho biết, hơn 131.500 binh sĩ và cảnh sát nước này đang tham gia cứu trợ cùng sự giúp đỡ của hơn 100 đội cứu hộ từ nước ngoài. Vào cuối tuần qua, thời tiết xấu đã cản trở công tác cứu hộ, đặc biệt tại những khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong hai ngày (2 – 3/5) vừa qua, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được ngôi làng Langtang, cách thủ đô Kathmandu khoảng 60 km về phía Bắc. Đây là ngôi làng nằm trên tuyến đường leo núi phổ biến với khách du lịch phương Tây. Theo đó, khoảng 100 thi thể đã được tìm thấy tại ngôi làng này. Cảnh sát cho biết, toàn bộ ngôi làng, trong đó gồm 55 khu nhà nghỉ dành cho khách bộ hành đã bị phá hủy hoàn toàn do lở tuyết và còn khoảng 120 người khác được cho là đang bị vùi trong tuyết.

Nepal là một trong những nước nghèo nhất thế giới và nền kinh tế vốn chủ yếu phụ thuộc vào ngành du lịch. Tuy nhiên, trận động đất vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của nước này. Hiện vẫn chưa có con số chính xác về chi phí tái thiết, nhưng số tiền này được ước tính là một con số khổng lồ.

Sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế

Ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra, Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế đã có những động thái nhằm giúp đỡ Nepal vượt qua thách thức to lớn này. Kể từ khi trận động đất 7,8 độ richter xảy ra ngày 25/4, hơn 4.000 nhân viên cứu hộ từ 34 quốc gia đã bay sang Nepal để hỗ trợ hoạt động cứu hộ, chăm sóc y tế khẩn cấp, phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Các quốc gia láng giềng như: Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Việt Nam,… cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ Nepal sau động đất.

 Một trong những chuyến hàng cứu trợ được chuyển tới Nepal để giúp đỡ người dân
(Ảnh: UNICEF)

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 5/5 cho biết, tính từ ngày 29/4, các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc đã phân phát 52.000 tấm vải nhựa tại 29 quận, huyện và hơn 230.000 tấm vải nhựa khác đang trên đường tới Nepal. Việc phân phối hơn 2.000 tấn lương thực cũng đã được bắt đầu tại 15 quận, huyện.

Thêm vào đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, cùng với các hoạt động cứu trợ nhân đạo, công việc tái thiết là cần thiết. Theo đó, UNDP sẽ dẫn đầu trong triển khai công tác phục hồi và bắt đầu việc đánh giá cấu trúc của các tòa nhà công cộng, từ đó, chỉ ra tòa nhà nào an toàn và tòa nhà nào cần phải sửa chữa, xây mới.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các bệnh viện tạm thời đã được thiết lập tại 5 địa điểm ở Kathmandu và 5 địa điểm khác bên ngoài thủ đô. Ngày 4/5, một văn phòng mới của tổ chức này cũng đã bắt đầu hoạt động tại huyện miền núi xa xôi Gorkha – nơi được cho là ở gần tâm chấn của trận động đất. Văn phòng này được thành lập trong chiến lược hợp tác với Chính phủ Nepal và các đối tác nhân đạo. Theo đó, WHO sẽ hợp tác nhằm đưa các chuyên gia y tế, cung cấp thuốc men và các nguồn lực khác tới những khu vực xa xôi bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Trước thực trạng có ít nhất 1,7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi động đất cần giúp đỡ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phân phát 29 tấn vật phẩm cứu trợ, bao gồm: Lều bạt, thuốc làm sạch nguồn nước và bộ dụng cụ sơ cứu.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra ngày 5/5, UNICEF cho biết, tổ chức này cùng với Liên minh châu Âu đã chuyển bằng máy bay 40 tấn hàng cứu trợ tới trẻ em Nepal. Tiếp đó, chuyến hàng thứ hai mang theo 40 tấn hàng cứu trợ cũng sẽ được chuyển đến Kathmandu trong tuần này. UNICEF cũng đưa ra lời kêu gọi tài trợ 50 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động ứng phó nhân đạo tại Nepal sau động đất trong vòng 90 ngày tới.

Và vô vàn khó khăn trước mắt…

Gác lại những đau thương khi chứng kiến gia đình, người thân, bạn bè,… thiệt mạng vì động đất, nhà cửa, tài sản cũng bị chôn vùi trong những đống đổ nát, thách thức với những người còn sống sót chính là việc bắt đầu lại cuộc sống như thế nào giữa bộn bề khó khăn?

 Những người còn sống sót sau động đất sẽ bắt đầu lại cuộc sống với vô vàn khó khăn
(Ảnh: CNA)

Khó khăn đầu tiên chính là điều kiện sống rất thiếu thốn của họ. Nhà cửa bị tàn phá, hàng nghìn người dân đã phải chen chúc trong những khu lều tạm. Họ không có lương thực, nước sạch và mọi sinh hoạt hầu hết phải nhờ vào viện trợ. Những hình ảnh sau động đất cho thấy, nhiều gia đình kiệt sức sau khi nhà cửa của họ bị san phẳng hoặc có nguy cơ bị đổ sụp. Họ đã nằm trên những chiếc đệm ngay trên đường phố và dựng tạm lều bạt để che mưa nắng.

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân và người bị thương đã phải nằm ở ngoài trời tại thủ đô Kathmandu do không có giường bệnh vì các bệnh viện trong thành phố đã bị động đất phá hủy. Các bệnh viện, các trung tâm y tế tạm thời đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cho người dân. Cơ sở vật chất vốn nghèo nàn, nay lại càng trở nên thiếu thốn.

Vệ sinh môi trường cũng là một nguy cơ đối với sức khỏe của người dân khi mà khắp nơi nơi là những đống đổ nát. Mặc dù khoảng 200 tấn rác đã được gom lại chỉ trong ngày 30/4 và giới chức Nepal cũng sử dụng khoảng 12.000 lít hóa chất để dọn vệ sinh, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, nhất là các bệnh như: Tiêu chảy, bệnh về đường hô hấp,… rất dễ lây lan, bùng phát.

Theo giới chức địa phương, hiện chưa có dấu hiệu nào của dịch bệnh. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Liên hợp quốc đã cho thấy, số ca tiêu chảy đang tăng lên tại những khu vực chịu ảnh hưởng của động đất. Bên cạnh đó, bệnh sởi cũng được coi là một mối đe dọa lớn tới tính mạng người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Tại thủ đô Kathmandu, có tổng cộng 21 khu trại hiện là nơi cư trú của 20.000 người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất. Mật độ dân cư cao chính là điều kiện để các dịch bệnh này bùng phát. Họ phải đối mặt với việc thiếu hệ thống vệ sinh trầm trọng, các nguồn nước sinh hoạt đều bị ô nhiễm.

Theo thống kê của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc, có ít nhất 126.000 phụ nữ mang thai cần được chăm sóc đặc biệt, ngoài ra, khoảng 40.000 phụ nữ đang sống trong 16 khu lều trại tập trung ở thung lũng Kathmandu cũng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và bạo hành.

Ngoài những thách thức trong việc chăm lo đời sống cho người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng, Chính phủ Nepal còn phải đối mặt với việc trùng tu, tôn tạo rất nhiều công trình lịch sử, văn hóa bị phá hủy sau động đất. Những công trình này vốn là điểm mạnh của ngành du lịch, có đóng góp rất nhiều đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra, đây sẽ là một công việc không hề đơn giản đối với Nepal trong thời gian tới.

Nội lực của đất nước là rất quan trọng, nhưng hơn bao giờ hết, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế sẽ là đòn bẩy, giúp Nepal vượt qua được những khó khăn, thử thách trong lúc này!

Nguồn ĐCSVN