Nắng nóng gay gắt, mẹ bầu chú ý nguy cơ sốc nhiệt đột ngột cực nguy hiểm

PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn: Hệ thống miễn dịch của cơ thể mẹ dễ bị ảnh hưởng trong những ngày nắng nóng. Sự suy giảm miễn dịch khiến mẹ bầu dễ nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Nếu người mẹ bị nhiễm trong những tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ xuất hiện dị tật ở thai sẽ tăng lên…

 Những ngày vừa qua, Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc chứng kiến nắng nóng gay gắt, có nơi lên đến hơn 40 độ C. Theo dự báo, các đợt nắng nóng sẽ còn xảy ra nhiều trong hè này. Nắng nóng ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, nhất là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

Nguy cơ sốc nhiệt đột ngột ở thai phụ tăng cao khi nắng nóng

PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, phó Trưởng bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đối với phụ nữ mang thai thì còn nghiêm trọng hơn nhiều. Khi mang thai, cung lượng tim cần hoạt động gấp đôi, thậm chí gấp ba để cung cấp đủ máu, oxy và dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và thai nhi. Vì vậy, thân nhiệt của phụ nữ mang thai luôn cao hơn người bình thường, cụ thể là 37,2-37,5 độ. Bên cạnh đó, sự thay đổi nội tiết khi mang thai cũng khiến thân nhiệt của sản phụ tăng cao. Chính vì thân nhiệt đã cao sẵn, lại phải chịu nhiệt độ môi trường tăng cao kỷ lục như những ngày gần đây, sức khỏe của các thai phụ càng cần được lưu ý chăm sóc kĩ càng hơn.

 Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hay làm việc trong môi trường nắng nóng một thời gian dài, nguy cơ sốc nhiệt đột ngột ở thai phụ tăng cao. Điều này có thể gây ra tình trạng giảm sức đề kháng, mất nước, mất nhiệt, suy giảm chức năng của các hệ cơ quan quan trọng trong cơ thể, bao gồm da, hệ thần kinh, tuần hoàn và tiết niệu. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng ảnh hưởng đến não và tim thai do giảm hoặc ngừng cung cấp máu từ cơ thể mẹ tới thai nhi. Nếu tình trạng này kéo dài, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trong tử cung. Nghiêm trọng hơn, thai nhi có thể bị ngừng phát triển và mất tim thai.
nang nong gay gat, me bau chu y nguy co soc nhiet dot ngot cuc nguy hiem hinh anh 1
                    PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, phó Trưởng bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, nhiều phụ nữ mang thai vẫn chưa có kiến thức và chế độ chăm sóc bản thân đúng cách trong những ngày nắng nóng, khiến thai nhi gặp phải những tác động không đáng có. Dễ thấy nhất là khi sản phụ làm việc dưới điều kiện nắng nóng trong thời gian dài mà không được bù đủ nước, quá trình mất nhiệt sẽ diễn ra rất nhanh. Lúc này cơ thể mẹ sẽ xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu, khó thở, tức ngực… Điều này cho thấy lượng máu không đủ để cung cấp cho cơ thể người mẹ. Từ đó, việc cung cấp máu giàu oxy đến thai nhi cũng bị giảm nhanh, khiến tim thai suy. Khi người mẹ bị sốt do mất nước, sốc nhiệt thì thai nhi sẽ có biểu hiện suy thai nhịp nhanh. Nếu không được phát hiện, sau một thời gian, thai nhi sẽ gặp tình trạng suy thai nhịp chậm và lâu dần sẽ mất tim thai.

 Ngoài ra, khi hệ thống nội tiết trong cơ thể mẹ được khởi động, tuyến yên sẽ tiết ra những chất gây co bóp lên cơ tử cung. Từ đó, thai phụ sẽ dễ bị chuyển dạ sinh non. Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt trong thời gian dài. Các bé sẽ được điều trị riêng rẽ tại cơ sở sơ sinh chuyên biệt, nói một cách dễ hiểu thì đó chính là những lồng ấp nhân tạo. Tuy nhiên, hệ thống thần kinh, não bộ của trẻ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu rất cao trong tương lai. Hành trình giúp các em bé sinh non trở về với gia đình sẽ là một hành trình rất dài và khó khăn, có thể gây ra gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như kinh tế của chính gia đình và xã hội.

“Hệ thống miễn dịch của cơ thể mẹ cũng dễ bị ảnh hưởng trong những ngày nắng nóng. Sự suy giảm miễn dịch khiến mẹ bầu dễ nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Nếu người mẹ bị nhiễm trong những tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ xuất hiện dị tật ở thai sẽ tăng lên. Ví dụ, nhiễm rubella trong thời kỳ thai nghén có thể gây dị tật về tim, mù lòa, và điếc bẩm sinh, những dị tật này không thể phát hiện bằng siêu âm. Một ví dụ khác là nhiễm Covid-19 có thể dẫn đến dị tật sứt môi hở hàm ếch”- PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Bà bầu cần có thông tin, kiến thức về chăm sóc bản thân

Vậy bà bầu phải làm gì để bảo vệ mình và thai nhi ít ảnh hưởng nhất do tác động của những ngày nắng nóng và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh? PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, việc quan trọng nhất là phụ nữ mang thai phải có những thông tin, kiến thức về chăm sóc cho bản thân, đồng thời có kế hoạch kiểm soát bệnh tật.

Trước hết, không nên làm việc liên tục dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Các thai phụ cần có thời gian nghỉ ở những nơi thoáng mát, có không khí trong lành giữa các ca làm việc. Điều này giúp giảm bớt cảm giác khó chịu của thai phụ. Đồng thời, cần tránh mất nước bằng cách duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể, bổ sung lượng nước cần thiết thông qua việc uống đủ nước, các loại nước hoa quả hay các dung dịch thay thế như orezol, nước khoáng bù muối.

nang nong gay gat, me bau chu y nguy co soc nhiet dot ngot cuc nguy hiem hinh anh 2
Quan trọng nhất là phụ nữ mang thai phải có những thông tin, kiến thức về chăm sóc cho bản thân (ảnh minh họa)

“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lượng nước mà cơ thể mẹ tiêu thụ cũng không nên quá nhiều. Việc lo lắng và uống quá nhiều nước có thể gây tình trạng loãng máu và sự quá tải cho hệ tuần hoàn của thai nhi. Khi bổ sung đủ nước, thai phụ cũng cần đảm bảo đi tiểu đủ lần, không nhịn tiểu quá lâu để tránh sự lắng đọng vi khuẩn, tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa” – PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn phân tích.

Bên cạnh việc mất nước qua quá trình đi tiểu và toát mồ hôi, lượng dịch cơ thể mất qua da cũng rất đáng kể. Do đó, để duy trì sự cân bằng dịch trong cơ thể, cần chú trọng vào việc giữ sạch da và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thứ có khả năng gây ra những vết phỏng nhiệt. Việc phỏng nhiệt gây ra những tổn thương cho da như viêm loét và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Do đó, khi làm việc trong môi trường nắng nóng, cần lựa chọn quần áo thoải mái, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Đồng thời, khi quần áo đã ướt do mồ hôi, cần thay ngay bằng trang phục khô ráo để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Bà bầu ngồi điều hòa cả ngày, liệu có tốt?

Mặc dù cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, điều đó không đồng nghĩa với việc thai phụ phải ở trong phòng điều hoà cả ngày. Sự lưu thông không khí hạn chế và việc ngồi lâu trong một phòng kín điều hoà có thể khiến phụ nữ mang thai dễ bị cảm lạnh. Chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên trong và bên ngoài phòng cũng có thể gây ra các vấn đề như viêm họng, sổ mũi, tương tự như khi ở lâu ngoài trời và uống nước đá lạnh. Sự chuyển đổi từ nhiệt độ thấp sang nhiệt độ cao đột ngột cũng có thể gây ra tình trạng chóng mặt, hoa mắt và thậm chí là ngất.

Để tránh gặp phải những tình huống trên, mẹ bầu cần bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất, chú trọng đến việc tăng cường sức đề kháng. Việc tập luyện thể dục và thể thao đều đặn hàng ngày cũng giúp cơ thể thích nghi với những thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Ngoài ra, cần giảm thiểu việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng cách tránh ra đường vào giờ cao điểm như giữa trưa và đầu giờ chiều. Khi di chuyển, cần phòng tránh cảm giác sốc nhiệt bằng cách mặc đồ che kín và thoáng mát. Hơn nữa, sản phụ cần phải luôn mang theo nước uống, khăn lau mồ hôi và quạt cầm tay để giảm bớt cảm giác khó chịu trong quá trình di chuyển./.

Nguồn vov.vn