Năm 2015: “Một Tầm nhìn – Một Bản sắc – Một Cộng đồng ASEAN”

       Với quyết tâm biến tầm nhìn ASEAN thành hành động, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, gồm các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC), Kế hoạch Công tác lần 2 về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2009-2015. Tại Cấp cao ASEAN 21, Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí lấy ngày 31/12/2015 là mốc thời gian chính thức bắt đầu Cộng đồng ASEAN.

Hướng tới “Một Tầm nhìn – Một Bản sắc – Một Cộng đồng ASEAN” vào năm 2015 

Tại Cấp cao ASEAN 22 (Bru-nây, 23-25/4/2013), Lãnh đạo ASEAN nhất trí thời gian tới ASEAN cần tập trung ưu tiên và tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình và đạt được các tiêu chí đã đề ra vào năm 2015. Theo mục tiêu này, ASEAN cần quyết tâm và tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình/kế hoạch đã đề ra trên cả ba trụ cột; đẩy mạnh liên kết và kết nối khu vực, trong đó có Sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, tạo đà cho mở rộng kết nối và liên kết Đông á; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; tăng cường phối hợp lập trường nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức khu vực và toàn cầu; tăng cường thông tin, quảng bá, nâng cao nhận thức về ASEAN và Cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh mốc thời gian Cộng đồng ASEAN ra đời 31/12/2015 đang đến gần, ASEAN nhất trí cần sớm xây dựng định hướng phát triển của ASEAN sau 2015. Thời gian qua, các quan chức Cấp cao ASEAN đã bắt đầu thảo luận về việc xây dựng Lộ trình sau 2015 cũng như bàn và triển khai một số đề xuất về nâng cao hiệu quả và vai trò của ASEAN, rà soát và nâng cao hiệu quả bộ máy, Ban thư ký và hợp tác đối ngoại ASEAN…

Về quá trình triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN (APSC), nhất là 14 lĩnh vực ưu tiên, đạt nhiều tiến triển. Hợp tác chính trị – an ninh ASEAN tiếp tục tập trung vào các nỗ lực củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua đẩy mạnh xây dựng lòng tin, đề cao, chia sẻ các chuẩn mực chung trong ứng xử giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước bên ngoài; phát huy, nâng cao, mở rộng các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị – an ninh hiện có của khu vực như TAC, SEANWFZ, DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông, Tuyên bố kỷ niệm 10 năm DOC… ASEAN tiếp tục cùng Trung Quốc triển khai Quy tắc Hướng dẫn Thực hiện DOC (thông qua vào 7/2011) cũng như duy trì cơ chế trao đổi ở cấp Quan chức Cao cấp (SOM) về thực hiện DOC.

Các cơ chế về hợp tác chính trị – an ninh giữa ASEAN với các đối tác cũng được củng cố và tăng cường. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin, đồng thời chuyển dần sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa. Cấp cao Đông á (EAS), diễn đàn của các Lãnh đạo Cấp cao tiếp tục trao đổi về các vấn đề chiến lược, về các nội dung chính trị – an ninh. Các cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMMplus) tiếp tục được củng cố, tăng cường với các nội dung hợp tác phù hợp. Tại AMM 46 vừa qua (29/6-2/7/2013), Na uy đã chính thức tham gia TAC nâng tổng số nước và tổ chức tham gia TAC là 32, trong đó có tất cả 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ.

Hiện ASEAN đang chỉnh sửa các qui tắc hướng dẫn việc tham gia TAC nhằm phát huy hơn nữa TAC như là một công cụ hữu hiệu điều chỉnh quan hệ giữa các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục đàm phán với 5 nước có vũ khí hạt nhân để giải quyết các bảo lưu của các nước vũ khí hạt nhân hướng tới việc ký Nghị định thư của SEANWFZ. Về Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) văn kiện đầu tiên của khu vực về lĩnh vực này và thông qua 11/2012, bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai với ưu tiên trước mắt là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nội dung, ý nghĩa của AHRD trong và ngoài khu vực. Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR) cũng đã được thiết lập nhằm hỗ trợ nghiên cứu các biện pháp về hòa bình và hòa giải. Các nước hiện đang cử đại diện tham gia ủy ban Điều hành và Hội đồng Tư vấn AIPR.Đồng thời với đó, ASEAN tiếp tục củng cố Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) với 8 đối tác thuộc Cấp cao Đông á trong năm 2012. Cơ chế này đang từng bước trở thành một cơ chế mới trao đổi về hợp tác trên biển trong khu vực.

Với các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Từ khi thông qua Kế hoạch tổng thể AEC vào tháng 11/2007, thu nhập đầu người đã tăng từ 2,267 USD lên 3,759 USD vào năm 2012. Tính đến nay, ASEAN đã thực hiện được 78% các chỉ tiêu của Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Với việc hầu hết các dòng thuế quan trong nội khối đã được đưa về 0 – 5%, ASEAN hiện đang tập trung tháo gỡ các hàng rào phi thuế quan, tăng cường các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư, dịch vụ, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy định và nội luật, cũng như mở rộng thuận lợi hóa trên các lĩnh vực khác. Các thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối thoại đang được tích cực thúc đẩy, đáng chú ý là: Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA- có hiệu lực từ 29/3/2012); Hiệp định Hải quan ASEAN (ký ngày 30/3/2012). Về tự do hóa thương mại và dịch vụ, ASEAN đã thông qua Kế hoạch làm việc chung nhằm mục tiêu tự do hóa thương mại dịch vụ đến năm 2015, hoàn tất bản chào Gói 8 về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) và đang phấn đấu hoàn thành bản chào Gói 9 để có thể ký kết vào tháng 9/2013; đã tiến hành thí điểm thực hiện về tự chứng nhận xuất xứ hướng tới việc thực hiện tự chứng nhận xuất xứ chung của ASEAN vào năm 2015; đã ký kết Hiệp định Di chuyển thể nhân ASEAN ngày 19/11/2012; thực hiện các Hiệp định đa biên ASEAN về hàng không; đồng thời tiếp tục triển khai Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều.

Trong hợp tác kinh tế với bên ngoài, ASEAN cũng đẩy mạnh triển khai các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có với các Đối tác; kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại dịch vụ và Đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Ấn Độ; đồng ý về nguyên tắc với Sáng kiến Hợp tác Kinh tế mở rộng ASEAN-Hoa Kỳ do Hoa Kỳ đề xuất. Đặc biệt tháng 5/2013, ASEAN và 6 nước đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Trung Quốc, Úc đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm kết nối các FTAS hiện có và thúc đẩy liên kết toàn khu vực Đông á, và hy vọng sẽ kết thúc đàm phán RCEP vào 2015.

Về văn hóa-xã hội, ASEAN đã xác định các lĩnh vực ưu tiên của trụ cột Cộng đồng Văn hóa-xã hội (ASCC) trong năm 2013 gồm thanh niên, văn hóa, giáo dục, thể thao, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu (lĩnh vực quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu do Việt Nam đề xuất). Cho tới nay, ASEAN đã hoàn thành 87 dự án và đang thực hiện 72 dự án, đạt tỉ lệ 86%, với tổng số vốn hơn 240 triệu USD. Nhiều lĩnh vực và hoạt động hợp tác được đánh giá là thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực, trong đó có thành lập Trung tâm Điều phối Hỗ trợ nhân đạo (AHA) nhằm ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai thảm hoạ; thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em hoặc lao động di cư; tăng cường giáo dục, đào tạo kỹ năng nghề, tạo cơ hội việc làm cho người dân; thích nghi và ứng phó biến đổi khí hậu; phòng và chống các bệnh dịch truyền nhiễm, HIV/AIDS; đẩy mạnh trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân, hình thành bản sắc cộng đồng v.v.

ASEAN đã thông qua Sáng kiến ASEAN về Biến đổi Khí hậu (ACCI), lập Nhóm công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu, và Kế hoạch hành động ASEAN về Biến đổi khí hậu đến 2015 (do Việt Nam chủ trì soạn thảo), với các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hợp tác ASEAN trên lĩnh vực này. Biến đổi khí hậu gần đây cũng được ASEAN liên tục đưa vào nội dung nghị sự và các Chương trình/kế hoạch hợp tác với các bên Đối tác.

Năm 2013, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM), Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị ACDM 22 và Hội nghị cấp Bộ trưởng COP2 các bên tham gia AADMER, trong đó các Bộ trưởng nhất trí kiến nghị Lãnh đạo cấp cao thông qua Tuyên bố về tăng cường hợp tác phòng chống thiên tai tại Cấp cao ASEAN 23 sắp tới. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ chủ trì họp ACDM 23, Hội nghị ACDM với các Đối tác để kêu gọi tài trợ, và Diễn tập ứng phó thiên tai ASEAN (ARDEXI3) dịp từ nay đến cuối năm. Để thúc đẩy việc triển khai Kế hoạch tổng thể ASCC (2009-2015), các nước đang xây dựng báo cáo kiểm điểm giữa kỳ nhằm đánh giá tiến độ, hiệu quả sử dụng cũng như yêu cầu về nguồn lực trong tương lai, từ đó đưa ra các khuyến nghị và biện pháp bảo đảm thực hiện đúng hạn và hiệu quả.

Trong thời gian hơn 2 năm còn lại, khối lượng công việc cần hoàn tất vẫn còn nhiều, với hầu hết các nội dung khó thực hiện và phức tạp, nhất là về kinh tế. Cùng với các thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhìn rộng hơn ra bối cảnh toàn khu vực Đông Á, những chuyển động liên tục và mau lẹ đang diễn ra ở khu vực, cùng với quan hệ tương tác và cạnh tranh của các nước lớn, những thách thức về bảo đảm phát triển bền vững đang đặt ASEAN trước những thử thách mới không hề đơn giản. Xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh và phát huy được vai trò trung tâm trong một khu vực phát triển vô cùng năng động, sẽ là mục tiêu và thách thức có tính chiến lược đối với ASEAN, có như vậy, ASEAN mới đáp ứng được kỳ vọng cao của người dân trong khu vực cũng như các đối tác bên ngoài trong giai đoạn sắp tới.

Nguồn ĐCSVN