Myanmar trước mối đe dọa chết người của đại dịch Covid-19

Giai đoạn đầu, số ca mắc và ca tử vong do Covid-19 ở Myanmar rất thấp, gần như không đáng kể. Nhưng nay tốc độ lây nhiễm dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này đã ở mức báo động.

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở Myanmar. Vào ngày 29/10/2020, nước này ghi nhận tổng cộng 50.503 ca mắc Covid-19 và 1.199 ca tử vong do bệnh này, tăng thêm tương ứng 10.734 ca mắc và 226 trường hợp tử vong so với một tháng trước đó. Số lượng này được cho là mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi khi Myanmar thiếu các dịch vụ y tế toàn quốc phụ trách việc xét nghiệm và chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay các cuộc xét nghiệm chủ yếu được thực hiện ở các trung tâm đô thị; phần lớn các khu vực khác vẫn thiếu các cơ sở y tế cơ bản.

Với dân số 53,6 triệu người theo cuộc điều tra dân số mới nhất ở đây, Myanmar nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ dân mắc Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, Philippines, và Singapore.

Hiện nhiều bệnh nhân tại Myanmar đang bị thiếu thuốc và thiết bị điều trị. Các bệnh viện dã chiến để chữa Covid-19 đã được lập tại các sân vận động bóng đá và không gian mở do sự quá tải tại các bệnh viện hiện có. Nhiều bệnh nhân dương tính với Covid-19 phải chung phòng với các bệnh nhân chưa mắc Covid-19. Các nhân viên y tế Myanmar thiếu thốn đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Tình trạng lây nhiễm bệnh dịch này có giảm chút xíu ở thủ đô Yangon trong tuần qua nhưng lại đang tăng ở bang Rakhine và các vùng Bago, Mandalay và Ayeyarwady.

Trong khi đó nước Thái Lan láng giềng mới chỉ có 3.759 ca mắc Covid-19, với 59 trường hợp tử vong (tính đến cuối tháng 10).

Thái Lan đã cố gắng phong tỏa biên giới dài 2.100km giữa nước này với Myanmar. Thái Lan thậm chí còn triển khai binh sĩ để ngăn người nhập cảnh trái phép qua đoạn biên giới này.

Quá khứ hoành tráng và hiện tại khó khăn

Myanmar từng sở hữu một trong các hệ thống y tế tốt nhất châu Á. Cho đến đầu thập niên 1960, hệ thống y tế của Myanmar vẫn là niềm mơ ước của nhiều nước láng giềng. Thời đó sinh viên y của Myanmar dự thi tương tự như sinh viên ở Anh. Vào thập niên 1950, chính quyền dân sự ở Myanmar thiết kế một kế hoạch mang tên “Xứ Hạnh phúc” nhằm phát triển quốc gia này thành một nhà nước phúc lợi xã hội công nghiệp hóa với ngành y tế tương xứng, khá giống mô hình của các nhà nước phúc lợi ở vùng Scandinavia.

Sau đó quân đội lên nắm quyền ở Myanmar vào năm 1962. Và cũng từ đây sự đầu tư được dành nhiều cho hoạt động của quân đội, cho các ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như cho việc mua vũ khí từ nước ngoài.

Theo các số liệu chính thức, quy mô lực lượng vũ trang Myanmar (bao gồm cả hải-lục-không quân) đã tăng từ 199.581 quân vào năm 1988 lên 500.000 quân vào thời nay. Ngành công nghiệp vũ khí bản địa cũng mở rộng từ vài doanh nghiệp trước năm 1988 lên hơn 20 hãng vào thời điểm này.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2000 xếp hệ thống y tế Myanmar vào nhóm thấp nhất thế giới.

Một báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viết rằng “Myanmar là quốc gia châu Á đang phát triển duy nhất có ngân sách quốc phòng cao hơn cả ngân sách giáo dục và y tế cộng lại”.

Báo cáo này ghi nhận chính phủ Myanmar đã tăng đáng kể chi tiêu cho khu vực xã hội nhưng “chi tiêu cho giáo dục và y tế vẫn chiếm dưới 2% GDP dựa trên ngân sách tài khóa 2012-2013”.

Năm 2015, ngân sách y tế tiếp tục tăng ở Myanmar.

Năm 2016, chính phủ dân sự mới cam kết hướng tới một dịch vụ y tế phổ cập, thể hiện trong Kế hoạch Y tế Quốc gia 2017-2021.

Nhưng kỳ vọng này đã gặp khó do đại dịch Covid-19 cũng như hệ quả tích lũy từ sự thiếu chuẩn bị từ rất nhiều năm trước đó./.

Nguồn vov.vn