Myanmar bước vào cuộc vận động tổng tuyển cử

Quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar đứng trước thời điểm thử thách quan trọng.

Khi thời hạn ngày 30/4 kết thúc, theo trang mạng của Ủy ban bầu cử quốc gia Myanmar, có 71 đảng phái cấp quốc gia và cấp vùng của Myanmar đã đăng ký tham gia cuộc tổng tuyển cử dự định tổ chức vào đầu tháng 11 năm nay. Đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng phê phán việc nới rộng chế độ bầu cử cho nhiều đảng phái tham gia là thủ đoạn của giới cầm quyền làm loãng kết quả bầu cử. Ông Thein Sein, lên cầm quyền năm 2011, được nhìn nhận đã khôn khéo giữ cân bằng  giữa các lực lượng cải cách và thế lực bảo thủ.

5 năm đã trôi qua kể từ cuộc bầu cử được tổ chức dưới sự giám sát của chính quyền quân sự Myanmar. Một chính quyền bán dân sự do Tướng Thein Sein làm tổng thống đã đưa Myanmar tiến bước thận trọng trên con đường cải cách và dân chủ hóa. Các tướng lĩnh vẫn đứng đàng sau những quyết định quan trọng của đất nước và tỏ ra không chịu từ bỏ đặc quyền đặc lợi. Bản Hiến pháp được Hội đồng quân sự thông qua một cách vội vã năm 2008 có khoản f điều 59 không cho phép những công dân có người thân mang quốc tịch nước ngoài tranh cử tổng thống. Điều khoản này được đưa vào Hiến pháp nhằm ngăn chặn nữ chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống. Khi đó bà San Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia và chỉ được trả tự do hồi tháng 11/2010 dưới áp lực quốc tế. Nếu nữ chính trị được quốc tế biết đến này không được trả tự do và không được tham gia các tiến trình dân chủ thì các biện pháp cấm vận mà phương Tây áp đặt sẽ không được dỡ bỏ. Quốc hội do giới quân nhân chiếm đa số đã “bắn rụng” đề nghị được các đảng, trong đó đảng cầm quyền Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP),  đề xuất cuối năm 2013 xóa bỏ khoản f điều 59.

Bà San Suu Kyi – niềm hy vọng của đại đa số người dân  Myanmar

Giới quan sát Myanmar và quốc tế dự báo cuộc bầu cử quốc hội sắp tới vẫn diễn ra trôi chảy và đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sẽ chiếm được nhiều ghế nhất tại quốc hội. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng NLD có thể đạt được 2/3 số ghế tại quốc hội, đủ để hủy bỏ khoản f điều 59 của Hiến pháp 2008. Đảng cầm quyền thân quân đội USDP có thể có cơ hội giành được các ghế tại các khu vực dân cư thưa thớt, các khu vực có các dự án công cộng, nhưng sẽ bất lợi tại các khu vực đông dân cư.

Nhiều tiến bộ đã đạt được kể từ cuộc bầu cử năm 2010 và bầu cử bổ sung năm 2012. Những biện pháp cụ thể đã được đưa ra nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử tháng 11 đạt được kết quả đáng tin cậy, trong đó có cách thức đăng ký cử tri, tham khảo xã hội dân sự và tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức bầu cử quốc tế, lần đầu tiên mời các nhà quan sát quốc tế và trong nước giám sát tiến trình bầu cử, giảm chi phí tranh cử cho các ứng cử viên, báo chí được tự do hơn trong việc đưa tin…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để đạt được một cuộc bầu cử hòa bình và đáng tin cậy. Sau 6 thập kỷ nội chiến, ở các khu vực biên giới vẫn diễn ra các xung đột vũ trang, tiến trình hòa giải sắc tộc tôn giáo vẫn còn mong manh. Tại miền trung nước này, chủ nghĩa dân tộc và tình cảm bài Hồi giáo vẫn còn mạnh; tại bang Rakhine, các nhóm thiểu số Hồi giáo bị tước các quyền chính trị, không được cấp các giấy căn cước hoặc chứng minh thư.

Theo hệ thống bầu cử kiểu Anh, các ứng cử viên giành được đa số phiếu tại một điểm bầu cử sẽ được toàn quyền đại diện tại quốc hội. Trong cuộc bầu cử năm 1990, đảng Đoàn kết Quốc gia thân quân đội giành được 20%  tổng số phiếu bầu toàn quốc, nhưng chỉ đạt được 2% số ghế tại quốc hội. Tình trạng này sẽ gây căng thẳng và tranh chấp gay gắt về kết quả bầu cử.

Mặc dù tổng tư lệnh quân đội Myanmar đã lên tiếng ủng hộ tiến trình bầu cử dân chủ, điều được xem là có lợi cho đảng NLD, nhưng không có gì đảm bảo là quân đội sẽ đứng ngoài cuộc một khi kết quả bầu cử bất lợi lớn cho giới quân nhân. Quân đội đã từng phớt lờ kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 1990 khi NLD thắng lợi áp đảo. Tất nhiên, hiện nay quân đội cũng không thể can thiệp thô bạo vào tiến trình bầu cử như trước đây vì điều này có thể  một lần nữa đẩy Myanmar vào tình trạng bị cấm vận. Cho đến nay một phần cấm vận liên quan đến các nhân vật độc tài vẫn duy trì.

Tướng Thura Shwe Mann – có thể là một lựa chọn thỏa hiệp của NLD

 

Trong trường hợp bà San Suu Kyi không được ra tranh cử tổng thống, NLD nhiều khả năng sẽ ủng hộ Tướng Thura Shwe Mann, Chủ tịch USDP và là Chủ tịch Hạ nghị viện, ra đảm nhiệm chức vụ này. Tướng Shwe Mann được xem là một nhân vật có đầu óc cải cách. Nhưng một thỏa hiệp như vậy sẽ gây bất mãn trong hàng ngũ NLD vì dù sao Tướng Shwe Mann từng là nhân vật thứ ba trong Hội đồng quân sự.

Cuộc đấu tranh quyền lực tại quốc gia 51 triệu dân có vị trí địa chiến lược quan trọng giáp Ấn Độ và Trung Quốc được hâm nóng. Quá trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này một lần nữa đứng trước thử thách quan trọng. Vấn đề của Myanmar hiện nay căn bản vẫn là chính trị. Chỉ khi các vấn đề thuộc cơ chế chính trị được giải quyết, các cải cách kinh tế mới có thể cất cánh./.

Nguồn Tổ quốc