Mỹ-Nhật bước vào thời kỳ mới hợp tác quốc phòng

Các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mở ra các phương diện hợp tác mới thích ứng với biến chuyển của tình hình an ninh khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thực hiện chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trong 7 ngày. Ông là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên được mời phát biểu trước lưỡng viện của Quốc hội Mỹ. Nước Mỹ lần này đã trải thảm đỏ đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp hai nước ký kết văn kiện lịch sử “Các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản”. Văn kiện này đổi mới các nội dung hợp tác quốc phòng hai nước ký kết năm 1997.

1
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật trong tình hình mới ở châu Á-Thái Bình Dương

Tình hình chính trị và an ninh châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi to lớn trong vòng 18 năm qua. Trong một phát biểu tại thủ đô Washington, ông Abe nhìn nhận rằng môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khắc nghiệt, ám chỉ tới sự tăng cường sức mạnh của hải quân và không quân Trung Quốc ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Các thách thức đặt ra cho Mỹ và Nhật Bản đã vượt ra khỏi phạm vi điều tiết thông thường của các quan hệ hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Ông Abe khẳng định, “Thông qua việc Nhật Bản và Mỹ hợp tác với nhau, chúng tôi muốn đảm bảo hòa bình và ổn định trong một khu vực trải dài từ châu Á-Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương”.

Trong khi Nhật Bản cảm nhận được mối thách thức an ninh trực tiếp từ phía Trung Quốc, Mỹ cũng đang nỗ lực tái cấu trúc quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương trước việc Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ nguyên trạng ở khu vực. Việc Trung Quốc ngang nhiên thực hiện bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa và xây dựng các tổ hợp quân sự không quân – hải quân tại các đảo đá  ở trung tâm Biển Đông đang tạo ra nguy cơ khống chế vùng biển này. Một khi các sân bay quân sự ở đảo đá Chữ Thập và đá Rubi được đưa vào sử dụng, các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc có thể tạo sức ép thường trực đối với các nước Đông Nam Á hải đảo, cũng như đối với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và xa hơn nữa về phía Nam Thái Bình Dương, gồm cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin (Australia). Các tàu thuyền quân sự, bán quân sự và các đội tàu cá của Trung Quốc sẽ có căn cứ hậu cần để hoạt động dài ngày ở Biển Đông, chèn ép các chủ thể nhỏ và yếu giáp Biển Đông. Từ các căn cứ quân sự ở Trường Sa, Trung Quốc có thể kiểm soát các con đường biển tấp nập nhất thế giới ngang qua vùng biển này. “Tự do hàng hải” lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc tế ở khu vực bị đặt lên bàn cân.

Vào thời điểm này, Trung Quốc tuy chưa trực tiếp công kích vào trật tự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lại đang nỗ lực để lấp các khoảng trống quyền lực ở khu vực, như trong trường hợp mở rộng bành trướng ở Trường Sa Biển Đông, và lách vào những kẽ hở mà cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008-2009 mở ra. Việc Bắc Kinh thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hay lập quỹ phát triển con đường tơ lụa trên bộ và trên biển “Nhất đới Nhất lộ” đều nhằm xây dựng khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, trên thực tế tiến hành phân chia lại khu vực ảnh hưởng.

1

Bản định hướng hợp tác quốc phòng mới dài 24 trang, được các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ và Nhật Bảnký kết ngày 27/4 tại New York, là một loại thỏa thuận “mở” nhằm thích ứng với các phát triển của tình hình an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Nó cho phép Mỹ và Nhật Bản phối hợp chính sách trong việc thiết lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, chống chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ và bảo đảm an ninh hàng hải. Đường lối hợp tác quốc phòng mới mở rộng phạm vi hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản, quy chuẩn hóa các cơ chế hoặch định chính sách và phối hợp hành động quân sự giữa lực lượng vũ trang hai nước. “Các nguyên tắc chỉ đạo” chính thức hóa sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với quần đảo Senkaku. Cũng theo đường lối chỉ đạo mới, Nhật Bản có thể bắn hạ các tên lửa đang hướng về Mỹ và đến trợ giúp một nước thứ ba bị tấn công nếu cuộc tấn công đó được coi là mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản. Các thỏa thuận mới mở ra khả năng hợp tác đa phương mà Mỹ và Nhật Bản có thể tiến hành trong tương lai với các bên thứ ba ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bản Tuyên bố về “Tầm nhìn chung Mỹ-Nhật” đưa ra sau cuộc gặp Obama-Abe ở Washington ngày 27/4 nhấn mạnh hai bên “cùng nhau góp phần xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, trên cam kết đối với các luật lệ và các cơ chế nền tảng của công việc toàn cầu”.

Mỹ và Nhật Bản có thể cũng sẽ gia tăng phối hợp trong các hoạt động bảo đảm an ninh của cả vùng biển Đông Nam Á, trong đó có thể dẫn tới việc quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cùng tiến hành các hoạt động tuần tra chung. Ý tưởng này đã được Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, đề cập hồi đầu năm nay và ngày 29/4 hãng Reuters đưa tin rằng trong khi chưa có một kế hoạch cụ thể, những cuộc thảo luận đang diễn ra trong giới quân sự Nhật Bản về việc Tokyo cân nhắc các nguồn lực để cùng với Mỹ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Một hành động như vậy phù hợp với lợi ích của Nhật Bản muốn cân bằng lại các hành động của Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng và sự ổn định tại vùng biển ở Đông Nam Á được xem là có ảnh hưởng chung đến vùng biển Hoa Đông.

Thỏa thuận quốc phòng mới Mỹ-Nhật sẽ tác động tới nhiều mặt quan hệ chính trị, an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương thời kỳ tới./.

Tổ Quốc