Mưa lũ lớn ở miền trung làm 12 người chết, mất tích, bị thương; hàng nghìn ha lúa và nhà ở bị ngập


Sạt lở đất, đá gây tắc Quốc lộ 8 đoạn lên cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh.     

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên; các sông ở Quảng Bình xuống dần. Dự báo, trưa, chiều nay ngày 7-9, mực nước hạ lưu sông Cả tại Nam Ðàn có khả năng lên mức báo động (BÐ) 2; các sông ở Thanh Hóa lên mức BÐ 1; hạ lưu sông La tại Linh Cảm còn dưới mức BÐ 1; các sông ở Quảng Bình xuống dưới mức BÐ 1. Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên các sông suối ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN), tính đến 16 giờ 30 phút ngày 6-9, mưa lũ tại miền trung đã làm năm người chết (Thanh Hóa hai người, Nghệ An hai người, Hà Tĩnh một người); mất tích một người (Thanh Hóa); ngập 1.512 nhà (Hà Tĩnh 1.500, Quảng Bình 12); ngập 1.833 ha hoa màu và cây ăn quả (Nghệ An 373 ha, Hà Tĩnh 1.325 ha, Quảng Bình 135 ha) và nhiều tuyến đường giao thông bị ngập. Riêng xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn.

Ngày 5-9, Chi cục Thú y tỉnh Nam Ðịnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 xã có dịch cúm gia cầm thuộc năm huyện là: Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và Xuân Trường. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc địa phương tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống, phát hiện kịp thời để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Ðồng thời, cấp phát 11 nghìn lít hóa chất cho các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng… Trước tình hình dịch cúm gia cầm tái phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Bình Ðịnh đã ứng ba triệu liều vắc-xin phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 để triển khai tại một số địa phương có nguy cơ tái phát dịch bệnh cao như Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn… Ngày 6-9, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành. Tỉnh phát hiện đàn vịt có gần 1.800 con đã phát bệnh. Lực lượng thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh. Ngành thú y tỉnh và các địa phương đang bám sát theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lào Cai, hiện nay, tỉnh đang có hơn 400 ha lúa mùa bị sâu cuốn lá phá hoại, với mật độ trung bình 15 đến 20 con/m2, cao nhất tới 80 đến 100 con/m2, tập trung ở các huyện vùng thấp. Ðây là loại sâu cuốn lá lứa 5, gây hại mạnh đúng vào giai đoạn lúa chuẩn bị làm đòng.  Ngành nông nghiệp tỉnh và Chi cục BVTV phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân vùng bị dịch hại các biện pháp phòng, chống sâu cuốn lá, không để lây lan ra diện rộng.

 Do ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh lục địa; dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ kết hợp với nhiễu động trong đới gió Ðông trên cao, cho nên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được ở Hương Khê 372 mml, Hòa Duyệt (Vũ Quang) 271 mml, Nghèn (Can Lộc) 263 mml… Mực nước trên sông Ngàn Sâu đã trên BÐ3.

 Ðến chiều 6-9 mưa lớn đã làm một người bị chết;  sáu người bị thương (đều ở huyện Hương Khê); 1.500 ngôi nhà dân thuộc các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Ðô, Gia Phố (Hương Khê) bị ngập chìm trong nước. Một số trường học, trạm y tế thuộc các xã Hương Ðô, Phương Ðiền, Phương Mỹ, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh, Hương Lâm, Phúc Ðồng… (Hương Khê) bị ngập sâu từ 1 đến 1,5 m, học sinh phải nghỉ học. 1.325 ha lúa hè thu, 500 ha cây ăn quả bị ngập. Ðập Lù xã Hương Trạch đang thi công bị nước xói trôi mang tràn…

 Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, từ ngày 2 đến ngày 6-9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa, có nơi rất to. Ðến chiều  6-9, hầu hết các tuyến đường và nhiều khu vực dân cư ở TP Vinh đều ngập nước có nhiều nơi ngập sâu gần một mét gây ách tắc, khó khăn cho sinh hoạt và các phương tiện giao thông.  Các xã vùng sâu như Mai Sơn, Yên Tĩnh bị cô lập. Một số trường học và nhà dân ven khe suối bị ngập sâu, hàng chục hộ dân các xã nêu trên phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa, lũ để chủ động đối phó; đồng thời, chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh các trà lúa hè thu; kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm phù hợp, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt; kiểm tra, bảo vệ an toàn các hồ đập…

Trong các ngày từ 3 đến 6-9, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tại trạm Ðồng Tâm là 303 mm, tại trạm Mai Hóa là 220 mm. Mưa lớn làm nước sông Gianh dâng cao, đỉnh lũ vào lúc 1 giờ ngày 6-9 tại Mai Hóa là 5,5 m, trên BÐ2 0,5 m. Mưa lũ làm ngập hơn 300 ha lúa hè thu ở các xã vùng hạ du sông Gianh như Văn Hóa, Tiến Hóa và Mai Hóa và làm nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở.

Hiện nay, tỉnh Long An đã thu hoạch dứt điểm hơn 170 nghìn ha lúa hè thu trước khi lũ lớn đổ về trong tháng 9 và đã bảo vệ an toàn mùa vụ. Nước lũ đổ về mạnh, mỗi ngày dâng lên từ 5 đến 10 cm. Các huyện chỉ đạo, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật sạ khô chờ khi có mưa xuống hạt giống nảy mầm phát triển; đồng thời, bà con sử dụng một số giống lúa ngắn ngày vào gieo sạ để rút ngắn thời gian thu hoạch. Các huyện còn huy động các phương tiện thu hoạch lúa trong dân, thu hoạch lúa nhanh để tránh lũ.

* Ðồn Biên phòng Nhật Lệ (Quảng Bình) cho biết, đêm 5-9, tàu cá QB 2617 TS do anh Hoàng Văn Minh, SN 1984, ở thôn 2, xã Quảng Phong (Quảng Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng trên đường vào cửa biển Nhật Lệ thì bị sóng to, gió lớn đánh chìm tại vị trí cách cửa biển hơn 200 m.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Ban Chỉ huy Ðồn Biên phòng Nhật Lệ đã khẩn trương cử lực lượng ra ứng cứu. Sau gần hai giờ đồng hồ, cán bộ, chiến sĩ của Ðồn đã đưa năm ngư dân bị nạn vào bờ an toàn và trục vớt tàu bị nạn lên bờ.