Mùa lễ hội Ok Om Bok ở đất nước Chùa Tháp

Ok Om Bok còn gọi là lễ hội cúng trăng hay lễ hội nước ở Campuchia, được tổ chức vào rằm tháng Cật-đấc theo Phật lịch, năm nay diễn ra vào ba ngày 24, 25 và 26-11 dương lịch.

 Lễ vật cúng trăng trước khu di tích lịch sử Wat Phnom ở Thủ đô Phnom Penh.
Lễ vật cúng trăng trước khu di tích lịch sử Wat Phnom ở Thủ đô Phnom Penh.

Lễ hội này ra đời từ truyền thuyết về thỏ bồ tát. Vào một đêm trăng rằm rực rỡ, thỏ bồ tát yêu quý ánh trăng nên rất vui mừng, mong muốn bố thí của cải để sớm được giác ngộ thành Phật. Có một vị thần trên trời hóa thành một ông lão nghèo khổ đến gặp thỏ để xin thức ăn, nhưng lúc đó, thỏ không còn gì để bố thí. Thỏ bảo ông lão hãy đốt lửa để thỏ nhảy vào đến khi thịt chín, ông lấy ăn. Khi lửa cháy to, thỏ rũlông ba lần để thân thể không còn dính bụi, rồi nhảy vào lửa, nhưng ngọn lửa lại bị tắt ngay do sức mạnh từ lòng hảo tâm của thỏ. Ông lão ôm thỏ bay vút lên trời, vẽ lên mặt trăng hình con thỏ.

Hàng năm, vào ngày rằm của mùa lễ hội Ok Om Bok, gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm lễ vật có khoai, mía, chuối, cốm dẹp, dừa và vài thứ bánh trái khác (theo đặc trưng của từng vùng miền) đặt trước sân nhà vào buổi tối lúc trăng lên để cúng, tưởng nhớ thỏ bồ tát, gắn liền với mặt trăng đem ánh sáng cho mọi người, và cầu an cho gia đình. Đồng thời, thể hiện mừng vui về thành quả đạt được trong năm qua và báo tin mùa thu hoạch đến rồi.

Nhiều nghi thức tục lễ diễn ra trong những ngày lễ hội Ok Om Bok ở đất nước Chùa Tháp. Riêng tại Phnom Penh, năm nay, đông đảo người dân ở Thủ đô và từ nhiều vùng miền trên cả nước, cùng với du khách nước ngoài đến xem, tham gia các tục lễ đạp bó lúa chín, giã cốm v.v… được tổ chức tại khu di tích lịch sử Wat Phnom.

Buổi tối, hàng nghìn hoa đăng được người dân thả trên sông Tonle Sap trước Hoàng cung, mang theo ước nguyện “mưa thuận gió hòa” để mỗi gia đình ngày càng sung túc, đất nước ngày càng thịnh vượng.

Lễ hội Ok Om Bok đánh dấu thời điểm nước sông Tonle Sap đổi dòng chảy, bắt đầu chu kỳ cạn của nó, ghi dấu thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở đất nước Chùa Tháp, nơi có hai mùa trong năm. Lễ hội này được coi là dịp để người dân Campuchia tạ ơn các dòng sông đã đem lại sự phì phiêu cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho họ, vì thế còn được gọi là lễ hội nước.

Tâm điểm của lễ hội nước là lễ hội đua ghe ngo. Theo Đô trưởng Phnom Penh Pa Socheatvong, năm nay, do mực nước trên sông Tonle Sap xuống thấp, Chính phủ Campuchia không tổ chức đua ghe ngo cấp quốc gia như mọi năm tại Thủ đô Phnom Penh, trong khi ở các tỉnh, thành phố khác, nơi có đủ điều kiện vẫn được phép tiến hành. Các hoạt động vui chơi giải trí khác trong những ngày Lễ hội vẫn diễn ra bình thường.

Tại khu vực Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam – Campuchia, đông đảo người dân tới thưởng thức chương trình biểu diễn ca nhạc đặc sắc. Buổi tối, tiếng hò reo vang lên trong màn pháo hoa rực sáng bầu trời trước Hoàng cung.

Nguồn Nhân dân