Một số giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí

Học làm báo nói chung và ảnh báo chí nói riêng là phải học cả đời: học trong sách báo, học qua đồng nghiệp, học trong thực tiễn và học ngay từ chính những thành công và thất bại của bản thân.

 Phóng sự ảnh “Vai trò của rừng và sự biến đổi khí hậu” của tác giả Huỳnh Lâm (Cà Mau) vừa đoạt giải nhất  Giải ảnh báo chí Bạc Liêu – Cà Mau năm 2013.

Phóng viên ảnh phản ánh sự kiện, quan điểm chính trị của mình bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, khác nhiều so với viết tin, và cũng không giống như quay video. Người ta nói: “Một bức ảnh tốt còn hơn một nghìn lời nói”, để nói về sức mạnh, sức thuyết phục của hình ảnh. Phóng viên ảnh trước hết là nhà báo, máy ảnh chỉ là công cụ tác nghiệp để thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề cần phản ánh. Do vậy việc trau dồi nghiệp vụ báo chí, lập trường chính trị, nhãn quan của nhà báo là hết sức cần thiết.

Lâu nay chúng ta chưa coi trọng công tác tuyển chọn cũng như đào tạo phóng viên ảnh. Số phóng viên giỏi, yêu nghề, say nghề, có nhiều sáng tạo không nhiều. Những người vừa là phóng viên giỏi, lại vừa có trình độ lý luận, khả năng biên tập ảnh lại càng thiếu. Sự hiểu biết về lý luận và thực tiễn ảnh báo chí của nhiều phóng viên ảnh, và kể cả một số cán bộ quản lý ở nhiều tòa soạn báo còn nhiều hạn chế và điều đó dẫn đến việc tìm tòi các đề tài mang tính phát hiện, có ảnh hưởng lớn đến xã hội còn ít. Cách thể hiện còn quá công thức, ít có đổi mới, sáng tạo trong cách phát hiện đề tài, trong sử dụng bố cục, đường nét, ánh sáng…

Để nâng cao chất lượng ảnh báo chí, việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng đội ngũ những người cầm máy. Hội các nhà nhiếp ảnh của thành phố Saint Peterbourg có câu tuyên ngôn rất hay: “Ánh sáng mặt trời và ánh sáng trí tuệ làm nên nhà nhiếp ảnh”. Phóng viên ảnh đến với nghề báo bằng nhiều con đường khác nhau. Nhưng dù được đào tạo bài bản qua các trường lớp chính quy về nhiếp ảnh hay bằng con đường tự học thì phóng viên ảnh cũng phải có được các phẩm chất sau:

Trí tuệ: Phóng viên ảnh trước hết phải là một nhà báo giỏi, là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, học thức sâu rộng, “phông” văn hóa cao, nhạy cảm với thời cuộc, sâu sát với đời sống, nắm bắt sự kiện và vấn đề nhanh. Đối mặt với sự kiện, khác với phóng viên viết, phóng viên ảnh chỉ có một khoảnh khắc duy nhất để thể hiện được bản chất của sự kiện ở thời điểm điển hình của nó, nếu bỏ qua là thất bại. Tin viết chưa hay có thể biên tập lại, ảnh chụp dở thì không thể chụp lại được nữa.

Kỹ năng: Với phóng viên ảnh, máy ảnh là công cụ, phương tiện để thể hiện quan điểm của mình trước hiện thực khách quan. Do vậy người cầm máy phải làm chủ được chiếc máy ảnh của mình, hiểu biết tất cả các tính năng của nó, am hiểu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật tạo hình nhiếp ảnh: ánh sáng, màu sắc, đường nét, nhịp điệu, góc độ, bố cục, độ nét… Bức ảnh ngoài giá trị thông tin cần có tính thẩm mỹ cao thì mới có sức truyền cảm tới người xem. Để lựa chọn được những khoảnh khắc đặc trưng nhất, bản chất nhất, tìm được góc độ thích hợp nhất, người chụp phải rèn luyện khả năng quan sát, khả năng phát hiện đối tượng chụp một cách nhanh nhất bằng con mắt của nhà nhiếp ảnh, của ống kính máy ảnh. Họ phải rèn luyện hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc, lúc có máy ảnh hoặc không có máy ảnh, để trở thành phản xạ nghề nghiệp. Vì nhiếp ảnh là nghệ thuật của cái nhìn. Có cái nhìn tốt thì mới có tác phẩm tốt.

Cảm xúc: Một bức ảnh báo chí ngoài kỹ thuật thể hiện còn đòi hỏi người cầm máy phải biết rung cảm trước thiên nhiên, trước con người, trước hiện thực cuộc sống và truyền cảm xúc ấy qua ống kính của mình thì bức ảnh mới không khô khan, vô cảm. Chỉ khi được bấm máy với tất cả sự đam mê nghề nghiệp, sự ham muốn truyền đến cho người xem những phát hiện của mình, những cảm xúc của mình, khi đó ảnh báo chí mới có tiếng nói mạnh mẽ, có sức sống riêng.

Hiện phóng viên ảnh của chúng ta ít người có được đầy đủ những phẩm chất này. Việc đào tạo phóng viên ảnh ở các trường đại học chuyên ngành dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề báo. Hầu hết các em sinh viên sau khi tốt nghiệp, được nhận vào các cơ quan báo chí vẫn chưa thể làm nghề ngay được, bởi nền tảng kiến thức về chính trị, văn hóa, xã hội, tư duy báo chí còn hạn chế, ngay cả các kỹ năng làm báo: cách khai thác đề tài, phương pháp xây dựng một phóng sự ảnh, cách xử lý thông tin… và kỹ thuật chụp ảnh cũng còn rất yếu. Các em phải trải qua đào tạo, bồi dưỡng thêm rất nhiều, qua cọ xát với thực tiễn của nghề với sự hướng dẫn của những phóng viên, biên tập viên giàu kinh nghiệm mới dần tiếp cận được với công việc của một phóng viên ảnh, một công việc không hề dễ dàng như nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều này cho thấy để nâng cao chất lượng ảnh báo chí cần phải thay đổi chương trình cũng như phương thức đào tạo.

Để đào tạo ra các nhà báo có khả năng sử dụng nhiếp ảnh vào hoạt động báo chí thì chương trình đào tạo phải gắn với thực tiễn của nghề báo nhiều hơn. Cơ sở vật chất để các em sinh viên học nghề như máy ảnh, máy vi tính… phải được trang bị tương đối tốt. Và đặc biệt phải có đội ngũ giáo viên là những người thực sự giỏi, không chỉ giỏi về khả năng sư phạm, khả năng lý luận, mà phải là những người đã từng lăn lộn trong nghề báo, là những phóng viên ảnh thực sự tài năng, với những bài giảng bằng chính kinh nghiệm thực tế có sức thuyết phục cao, bổ ích cho người học.

Với điều kiện khan hiếm giáo viên dạy ảnh báo chí giỏi như hiện nay, nhà trường nên liên kết với các cơ quan báo chí mạnh về ảnh để phối hợp đào tạo. Dạy ảnh là dạy nghề, dạy ngay chính trên sản phẩm của thầy và trò, vì vậy học làm báo ảnh ngay chính tại các cơ quan báo chí sẽ giúp các em tiếp cận với nghề báo nhanh hơn rất nhiều. Các em sẽ được làm quen với môi trường làm báo đích thực, với áp lực của nghề phóng viên, với các kỹ năng khai thác xử lý thông tin, phương thức tác nghiệp, cách biên tập ảnh… Sản phẩm của các em cũng sẽ được sử dụng trên báo chí nếu có chất lượng tốt, điều đó sẽ làm các em hứng thú hơn với nghề.

Hàng năm, TTXVN cũng thường nhận được yêu cầu cho các em sinh viên ở các trường đại học có đào tạo nhiếp ảnh đến thực tập, nhưng giữa nhà trường và cơ quan báo chí không có ràng buộc gì. Nhà trường ngoài tờ giấy giới thiệu cũng chẳng có yêu cầu, đề nghị gì. Các em sinh viên cũng không biết mình muốn gì khi đến thực tập. Như vậy là không ổn.

Còn với các phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí thì việc tiếp tục đào tạo để nâng cao tay nghề là cần thiết. Kinh nghiệm của TTXVN, nơi có số lượng phóng viên ảnh đông nhất cả nước và không phải ai cũng được đào tạo từ các trường đại học chuyên ngành ra, thì việc thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, do các phóng viên giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu về lý luận thực tiễn ảnh báo chí trong đơn vị và có khi mời cả các phóng viên ảnh nước ngoài giảng dạy có hiệu quả rất tốt.

Với những lớp đào tạo bồi dưỡng này, các phóng viên ảnh được tìm hiểu sâu thêm những kiến thức về nhiếp ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng: những lý thuyết về bố cục, góc độ, ánh sáng, màu sắc…, những hiểu biết về máy ảnh số, các kỹ năng và kinh nghiệm chụp ảnh, khai thác đề tài; kỹ năng tác nghiệp trên một số lĩnh vực: chính trị – ngoại giao, kinh tế, văn hóa – xã hội; cách viết chú thích ảnh… Cùng với giảng dạy lý thuyết, lớp học cũng rất chú trọng đến việc thực hành và rút kinh nghiệm trên chính sản phẩm của học viên qua các chuyến đi thực tế.

Để nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, các cơ quan báo chí nên thường xuyên tổ chức hội thảo về nghiệp vụ, kỹ năng chụp ảnh, công tác biên tập ảnh, tổ chức các buổi đi sáng tác, giao lưu nhiếp ảnh giữa các tòa soạn báo, mời các phóng viên ảnh có tay nghề cao đến chia sẻ kinh nghiệm cho các phóng viên trẻ, khuyến khích phóng viên, biên tập viên tự học, tự trau dồi nghiệp vụ tích cực tham gia vào các cuộc thi ảnh báo chí và nghệ thuật cả trong và ngoài nước vừa để nâng cao tay nghề, tăng thêm niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nhưng dù phóng viên ảnh có giỏi đến mấy, mà những người trực tiếp quản lý công việc của phóng viên ảnh, trực tiếp sử dụng ảnh của phóng viên như các tổng biên tập, phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, họa sĩ trình bày báo… không có sự quan tâm đúng mức đến vai trò của ảnh trên các trang báo, không có kiến thức về nhiếp ảnh, không biết biên tập ảnh, biết cách sử dụng ảnh sao cho có hiệu quả, thì cũng không thể nào nâng cao được chất lượng của ảnh báo chí, ngược lại còn làm thui chột đi các tài năng, làm bao công sức của người phóng viên bỏ ra để có được một bức ảnh ưng ý sẽ trở nên vô nghĩa.

Nhiều tờ báo sử dụng ảnh rất tùy tiện, tự ý dùng photoshop xóa hay thêm các chi tiết của ảnh, làm sai sự thật của bức ảnh. Đó là điều tối kị trong ảnh báo chí. Bởi ảnh báo chí trước hết phải là ảnh tài liệu. Nó phải có tính chân thật, tính thời sự, tính hiện thực. Sự thật trong ảnh báo chí là sự thật tuyệt đối, nguyên hình nguyên trạng, không bị một nguyên nhân chủ quan nào chi phối. Tính chân thật của một bức ảnh đã tạo cho nó một giá trị đặc biệt. Chỉ có phản ánh hiện thực một cách khách quan, trung thực thì những tác phẩm ảnh báo chí mới có giá trị lịch sử, mới sống mãi với thời gian và các phóng viên ảnh mới được coi là những người “chép sử đất nước bằng ống kính”.

Do vậy việc bồi dưỡng cho những người làm công tác quản lý ở các toàn soạn báo, những người trực tiếp sử dụng ảnh các kiến thức về ảnh báo chí, về vai trò của ảnh báo chí, cách sử dụng ảnh báo chí sao cho hiệu quả, hiểu biết về công việc cũng như nhu cầu của phóng viên ảnh về môi trường làm việc, trang thiết bị chuyên ngành thì lúc đó lao động của phóng viên ảnh và ảnh báo chí mới được coi trọng.

Một điều cũng rất cấp thiết là tìm đầu ra cho tác phẩm. Các phóng viên ảnh của chúng ta không ngại khó khăn gian khổ, nguy hiểm, xông pha nơi miền núi hải đảo xa xôi, có mặt nơi thiên tai, lũ lụt để đưa nhanh nhất những thông tin ảnh về sự kiện đến bạn đọc, nhưng sản phẩm của họ được sử dụng quá ít ỏi, nhiều tờ báo vẫn quan tâm đến chữ nhiều hơn ảnh, điều đó vừa gây nên sự lãng phí tiền bạc của nhà nước, công sức của phóng viên vừa không tạo nên động lực để các phóng viên hăng say làm việc và cống hiến hết mình cho nghề nghiệp, không khuyến khích được người thực sự có tài và cũng làm giảm đi sự hấp dẫn của các ấn phẩm báo chí.

Trong những năm gần đây TTXVN đã không ngừng tìm cách phát huy thế mạnh của ảnh báo chí. Ngoài sử dụng ảnh trên báo in, báo điện tử, trong các cuốn sách ảnh, kênh truyền hình Thông tấn hàng ngày còn phát chương trình Thời sự 24 giờ qua ảnh, Tổng hợp thời sự quốc tế cuối tuần qua ảnh và các chương trình ảnh chuyên đề. Bằng cách đó các sản phẩm ảnh báo chí của TTXVN đã đến được với hàng triệu người xem trong nước và trên thế giới. Các triển lãm ảnh cũng liên tục được tổ chức, hoặc do TTXVN hoặc liên kết với các đơn vị ngoài ngành trung bình một tháng một cuộc, điều đó giúp phát huy được thế mạnh và hiệu quả của ảnh báo chí.

Tại Giải báo chí quốc gia, những năm gần đây số lượng ảnh báo chí gửi dự thi rất ít ỏi, chưa bao giờ vượt quá 100 tác phẩm, có nhiều chi hội nhà báo địa phương và ngay cả một số tòa soạn báo lớn ở Trung ương chưa bao giờ có tác phẩm dự thi. Những tác phẩm gửi đến dự thi thì nội dung nghèo nàn, kỹ thuật chụp ảnh non kém, hiểu biết về các thể loại ảnh báo chí của nhiều tác giả gần như không có. Lẽ dĩ nhiên không thể qua các tác phẩm dự thi Giải ảnh báo chí quốc gia để đánh giá là ảnh báo chí của ta quá kém cỏi, bởi chúng ta vẫn có những phóng viên tài năng, những tác phẩm báo chí có chất lượng nhưng đã không được gửi dự thi, do các cơ quan báo chí của nhiều địa phương, các tác giả, nhiều tòa soạn báo chưa thực sự quan tâm đến giải này.

Hội Nhà báo Việt Nam thời gian vừa qua cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm thu hút thêm các tác phẩm ảnh báo chí dự thi Giải báo chí Quốc gia như cho phép các phóng viên ảnh được tự gửi tác phẩm không qua tuyển chọn tại cơ sở và đặc biệt năm nay lần đầu tiên ảnh báo chí được tách ra khỏi thể loại Báo in, và có giải riêng. Tuy thế số lượng và chất lượng ảnh gửi dự thi vẫn chưa khá hơn được bao nhiêu. Thiết nghĩ điều này phụ thuộc rất nhiều vào các Chi hội Nhà báo cơ sở, lãnh đạo các tòa soạn báo có quan tâm đến ảnh báo chí và có động viên, cũng như yêu cầu các  phóng viên ảnh tích cực tham gia giải này hay không. Chỉ cần mỗi phóng viên gửi 01 tác phẩm, mỗi Chi hội Nhà báo gửi 10 tác phẩm thì chúng ta đã có hàng ngàn tác phẩm ảnh báo chí dự thi rồi.

Về phía Ban tổ chức giải có lẽ cũng không nên quy định quá chặt là mỗi tác giả chỉ được quyền đứng tên trong một tác phẩm, mà có thể nhiều hơn. Ảnh dự thi nên gửi file gốc qua email để thuận lợi cho cả tác giả và giám khảo và cũng thuận lợi cho in ấn triển lãm sau này. Có thể chụp lại các tờ báo đã đăng ảnh gửi kèm theo file ảnh để làm hồ sơ dự thi.

Hội các nhà nhiếp ảnh của thành phố Saint Peterbourg có câu tuyên ngôn rất hay: “Ánh sáng mặt trời và ánh sáng trí tuệ làm nên nhà nhiếp ảnh”

Để nâng cao chất lượng ảnh báo chí cũng đề nghị Hội nhà báo Việt Nam tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ảnh báo chí cho cả người quản lý và phóng viên ảnh, có thể mời cả giảng viên trong và ngoài nước. Biên soạn hoặc dịch các cuốn sách viết về Ảnh báo chí để phục vụ cho những người cầm máy. Tổ chức các cuộc thi và triển lãm ảnh chuyên đề, các cuộc hội thảo chuyên về ảnh báo chí thật sự bổ ích…

PHẠM TIẾN DŨNG
(Trưởng Ban biên tập ảnh TTXVN)
Nguồn tin: nguoilambao.vn