Một năm ngược xuôi của thế giới

Năm 2016 khép lại với nhiều sự kiện bất ngờ, thách thức, khiến chúng ta không thể nào quên với nhiều cảm xúc đan xen.

1. Nỗi ám ảnh

Bóng đen khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh với người dân châu Âu

Bóng đen khủng bố có lẽ vẫn là nỗi ám ảnh chưa bao giờ nguôi với người dân châu Âu trong suốt 12 tháng của năm 2016.

Khi thế giới còn chưa hết bàng hoàng sau hàng loạt vụ xả súng tại thủ đô Paris của nước Pháp những ngày cuối năm 2015 khiến 128 người thiệt mạng. Bước sang năm 2016, “lục địa già” lại tiếp tục bị rung chuyển bởi loạt vụ tấn công tại Brussels, nơi được coi như “thủ đô của châu Âu”. Có lẽ chưa bao giờ và không ai có thể ngờ nơi được mệnh danh là “trái tim châu Âu” này lại phải trải qua một “ngày đen tối” như hôm 22/3 khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek khiến 32 người thiệt mạng và 340 người khác bị thương.

Chỉ vài tháng sau, đêm 14/7, một chiếc xe tải cỡ lớn đã lao vào đám đông đang rời đi sau khi xem pháo hoa chào mừng ngày Quốc khánh trên đại lộ “La Promenade des Anglais” chạy men theo bờ biển ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp khiến 84 người thiệt mạng.

Chưa dừng lại ở đó, trong những ngày năm hết Tết đến, châu Âu tiếp tục bàng hoàng khi một chiếc xe tải đã lao vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh tại trung tâm thủ đô Berlin của nước Đức vào ngày 19/12 khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 48 người bị thương.

Vụ tấn công “được cảnh báo trước này” đã khiến nhiều quốc gia châu Âu thắt chặt các biện pháp an ninh trước thềm năm mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo rằng, năm 2017, châu Âu sẽ bước vào một giai đoạn mới, khó khăn hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

2. Nỗi buồn chia ly

Cuộc “hôn nhân” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 43 năm đã kết thúc bằng “lá đơn ly dị” Brexit khi 51,89% cử tri Anh ký vào lá đơn này hôm 23/6. Sự kiện này đã gây chấn động cả thế giới, làm thay đổi toàn bộ cục diện chính trị bên trong quốc gia vốn được coi là một trong những trụ cột của EU, đồng thời làm thay đổi kết cấu địa-chính trị trên thế giới, kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn cho EU cả về chính trị, an ninh và kinh tế.

Hiện chưa rõ quá trình Anh rời EU sẽ kéo dài bao lâu, nhưng Thủ tướng Anh Theresa May hứa rằng sẽ thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành Brexit trước ngày 31/3/2017.

3. Sự bất ngờ

Nhiều cử tri chọn ông Trump để gửi gắm tương lai nước Mỹ

Bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là sự kiện khiến giới truyền thông thế giới tốn nhiều giấy mực nhất, mang lại kết quả bất ngờ nhất, đồng thời cũng khác thường nhất. Và việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã trở thành một trong những sự kiện thế giới nổi bật nhất 2016.

Theo đó, vào ngày 8/11, Donald Trump – ứng cử viên tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cộng hòa đã vượt qua đối thủ nặng ký Hillary Clinton để chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Việc ông Trump đắc cử đánh dấu một bước thay đổi lớn trên chính trường Mỹ.

Đồng thời, chiến thắng của ông Donald Trump cũng được đánh giá là bất ngờ bởi các cuộc thăm dò trước đó cho thấy vị tỷ phú New York bị đối thủ Hillary Clinton của phe Dân chủ bỏ xa. Tuy nhiên, kết quả các cuộc bỏ phiếu lại nói lên điều ngược lại, khi nhiều cử tri chọn ông Trump để gửi gắm tương lai nước Mỹ.

4. Hoài nghi

“Hồ sơ Panama” được cho là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước tới nay

Kể từ hôm 3/4, sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cùng 109 tờ báo tại 76 quốc gia đồng loạt cho đăng tải những thông tin lấy được từ các hồ sơ của công ty luật lớn thứ tư thế giới – Mossack Fonseca (có trụ sở tại Panama) về hoạt động trốn thuế, rửa tiền, cuộc sống tại nhiều nước bắt đầu rung chuyển bởi cơn địa chấn mang tên“Hồ sơ Panama”.

Xét trên nhiều phương diện, từ dung lượng thông tin đến nội dung và đối tượng liên quan,”Hồ sơ Panama” đã vượt lên tất cả để trở thành vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước tới nay.

Trong so sánh với những vụ rò rỉ thông tin nổi tiếng trước đó, với 11,5 triệu tài liệu liên quan tới 214.488 công ty, theo đánh giá của các chuyên gia thì “Hồ sơ Panama” có dung lượng thông tin nhiều gấp gần 2.000 lần so với “Nhật ký chiến tranh Afghanistan” của Wikileaks (tháng 7/2010) về những bí mật ngoại giao của Mỹ, và gần 20.000 lần “Hồ sơ Lầu năm góc” về chiến tranh Việt Nam của tờ New York Times (năm 1971).

Thông thường thì các vụ rò rỉ thông tin đều chỉ liên quan tới một số lượng đối tượng hạn chế, đơn cử như “Hồ sơ Lầu năm góc”, “Nhật ký chiến tranh Afghanistan” hay vụ tiết lộ của E. Snowden chủ yếu liên quan tới chính phủ Mỹ. Trong khi đó, liên quan tới “Hồ sơ Panama” có tới 14.153 khách hàng – công dân của 202 quốc gia, trong đó có 143 chính trị gia.

5. Niềm vui hòa giải

Tổng thống Obama đứng gần hình ảnh của người anh hùng cách mạng Cuba Ernesto “Che” Guevara trong lễ đặt hoa tại tượng đài Jose Marti ở Quảng trường Cách mạng, Havana, Cuba ngày 21/3 – Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình đã đặt chân đến Cuba trongchuyến thăm lịch sử mang tính ‘phá băng’ ngày 20/3. Đây là lần đầu trong 90 năm qua, một tổng thống Mỹ tại vị đến với quốc đảo Trung Mỹ. Chuyến thăm chính thức Cuba đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ kể từ năm 1928 mở ra hy vọng chấm dứt hơn nửa thế kỷ lạnh nhạt và đối địch giữa hai bên, đồng thời góp phần định hình chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ với quốc đảo Caribe này.

Một niềm vui nữa cho thế giới là sau 4 năm đàm phán kéo dài, hôm 25/9, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono Echeverri đã ký thỏa thuận hòa bình lịch sử chấm dứt 52 năm xung đột, mở ra cơ hội cho hòa bình, hòa giải dân tộc tại quốc gia Mỹ Latinh này.

Với việc thỏa thuận hòa bình sửa đổi được thông qua, người dân Colombia cũng như cộng đồng quốc tế đều kỳ vọng, một chương mới trong lịch sử Colombia sẽ được bắt đầu với nền hòa bình và ổn định lâu dài, khép lại cuộc xung đột bắt đầu từ năm 1964, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích, khoảng 6,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.

6. Sự an ủi

Sau khi được gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nước phát thải nhiều nhất thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… phê chuẩn, Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11, sớm hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cho thấy sự nhận thức rõ rệt hơn về hiểm họa mà biến đổi khí hậu gây ra.

Điển hình và mới nhất là đợt El Nino kéo dài từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục tại Nam Á, cháy rừng tại Đông Nam Á, lũ lụt nghiêm trọng ở Mỹ Latinh.

7. Niềm tiếc thương

Người dân Cuba tiếc thương trước sự ra đi của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro – Ảnh: AP

Nhà cách mạng vĩ đại và kiệt xuất của thế kỷ XX, Fidel Castro, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam, đã qua đời ngày 26/11, ở tuổi 90. Fidel Castro, người tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng Cuba và sáng lập Nhà nước XHCN đầu tiên tại Tây bán cầu, đã trở thành huyền thoại không chỉ trong lịch sử Cuba, mà còn của cả Mỹ Latinh và thế giới. Tang lễ của ông đã được Nhà nước Cuba tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 9 ngày; nhiều hoạt động tượng niệm để tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ lịch sử của cách mạng Cuba đã được tổ chức trọng thể trên thế giới.

Tại Đông Nam Á, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hàvào ngày 13/10 ở tuổi 88, sau 70 năm trên ngai vàng.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất thế giới, lên ngôi sau khi anh trai ông qua đời năm 1946. Trong suốt 7 thập kỷ trên ngai vàng, ông được xem là biểu tượng của sự đoàn kết đất nước. Ông là một trong những vị vua được yêu mến nhất lịch sử Thái Lan nhờ hơn 2.000 dự án về phát triển làm thay đổi cuộc sống hàng triệu nông dân nghèo.

8. Nỗi sợ

Từ đầu năm 2016, virus Zika, tác nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo, đã lây lan mạnh tại hàng chục nước và vùng lãnh thổ ở Mỹ Latin và Caribe, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Sau đó, dịch Zika lan sang Mỹ, Canada, một số nước châu Âu và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện, chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị hữu hiệu loại virus này.

Chinhphu.vn