Minh bạch trong quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường

        Đó là quan điểm của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo “Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở Việt Nam” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức ngày 14/3, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: K.D)

Hơn 10 tham luận cùng với 20 ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã tập trung phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân và bước đầu đề xuất giải pháp cho các vấn đề tăng giá điện; sự cần thiết cần phải đưa giá điện vận thành theo đúng cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước; phân loại giá điện theo từng nhóm đối tượng; sự cần thiết của việc công khai minh bạch trong các hoạt động kinh doanh điện, đặc biệt là các chi phí đầu vào; mở rộng việc tham khảo, học tập chính sách, kinh nghiệm quản lý, điều hành kinh doanh điện của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ các khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhà nước chỉ giải quyết bù lỗ các khoản lỗ do liên quan đến điện, do việc EVN phải bán điện với giá thấp hơn chi phí sản xuất để bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội, chứ không để người dân bù chéo cho các khoản lỗ do EVN đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Tham dự hội thảo, ông Vũ Xuân Thuyên – Chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng: quản lý điều hành giá điện theo cơ chế thị trường nên tách một số bộ phận của EVN và thành lập các công ty hoạt động độc lập về điện. Việc độc quyền của EVN trong thị trường điện không đáp ứng được kỳ vọng cũng như lợi ích của người tiêu dùng và làm giảm đi cơ hội cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Cũng theo ông Thuyên, trước đây cả 3 khâu: phát điện, truyền tải điện và phân phối điện hoàn toàn nằm trong tay của EVN. Việc tăng giá bán điện chủ yếu cho EVN xây dựng. Đặc biệt, EVN còn tham gia đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính như: chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, viễn thông, bảo hiểm… Thiếu vốn đầu tư và lỗ khi kinh doanh ngoài ngành kinh doanh chính thì lại đề nghị tăng giá bán điện. Cụ thể: năm 2006 chỉ cần tăng giá điện, EVN nắm trong tay 18.000 tỷ nhưng lại đầu tư chưa hiệu quả. Độc quyền còn thể hiện trong nhóm lợi ích chính sách. Độc quyền gần đây nhất là đề xuất thành lập Công ty cổ phần mua bán điện mà 65% cổ phần thuộc EVN, tạo ra sự méo mó thị trường. Như vậy sẽ dẫn tới hoạt động mua bán và truyền tải sẽ không khách quan.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: binhphuoc.pc2.vn) 


Cũng từ năm 2006, đã có sự mâu thuẫn giữa EVN và cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi có ý kiến của Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới thì việc đề xuất thành lập Công ty mua bán điện của EVN đã bị Thủ tướng Chính phủ bác bỏ nhưng hiện nay, đơn vị mua buôn điện duy nhất là công ty mua bán điện và đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn trực thuộc EVN thì rất khó để tạo nên thị trường phát điện cạnh tranh….

Với những ý kiến trên đây, ông Thuyên đề nghị: Bộ Công thương cần có hướng dẫn chi tiết cách tính và công khai giá thành sản xuất điện, chi phí truyền tải điện, chi phí tính cho 1kW điện của mạng phân phối điện, tỷ lệ hao hụt điện năng được phê duyệt, lãi định mức (hiện vẫn tính trong giá thành sản xuất điện, lâu dài nên loại bỏ) và chi phí quản lý điều hành…

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, thị trường điện là thị trường độc quyền, yếu tố này làm cho chi phí tăng và hiệu quả thấp đi. Hiện, EVN chiếm 70% tổng sản lượng điện, nếu không giảm tỷ trọng này đi thì độc quyền vẫn còn, giá khó giảm. Khâu truyền tải, phân phối điện, có thể mua của các đơn vị khác, nếu không có cơ chế lâu dài, bền vững thì khu vực phát điện ngoài EVN sẽ không bán được điện và không phát triển đầu tư được.

Cũng theo ông Tuyến cần phải tái cơ cấu lại ngành điện trên toàn diện, trước hết là về chiến lược, tổ chức, tài chính, giải quyết những vấn đề nợ đọng, thất thoát, giảm chi phí.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ rõ việc cần phải khắc phục sự độc quyền của EVN, trong đó, cần cơ cấu lại ngành điện theo hướng tách các bộ phận sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ ra khỏi EVN; cần có sự độc lập giữa cơ quan quản lý và cơ quan sản xuất, kinh doanh, truyền tải điện. Ngoài ra, cũng cần tính tới việc khuyến khích các nhà đầu tư ngoài EVN, đặc biệt là khu vực tư nhân và nguồn FDI, dần bảo đảm một thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới.